Lãng đãng Luang Prabang

04/10/2015 - 07:43

PNO - Chúng tôi đến Luang Prabang (Lào) vào lúc 6g chiều. Đã lâu lắm rồi, tôi mới được thấy cảnh trời nhập nhoạng tối của một vùng quê hẻo lánh.

Lang dang Luang Prabang

Ráng chiều phía xa xa trải vàng mượt sau những rặng xoài, rặng cau bên dòng sông lững thững trôi làm tôi bất giác nhớ nao lòng miền Tây sông nước của quê mình. Sân bay giờ đó cũng vắng lặng, chỉ vài anh taxi mời mọc nhưng không níu kéo, cho tôi cảm giác bình yên tuyệt đối.

Khách sạn chúng tôi ở là một ngôi nhà theo kiến trúc Pháp, mà thật ra những ngôi nhà ở đây, trừ chùa chiền, đều có kiến trúc kiểu Pháp, khiến bạn dễ lầm tưởng mình đang ở châu Âu.

Dọc bên bờ sông Mê Kông, vài hàng cà phê hay quán xá treo đèn trên cây sáng lung linh huyền ảo chứ không sặc sỡ sắc màu. Điều khiến tôi ngạc nhiên: dù đây là thành phố du lịch nhưng lại rất yên bình. Du khách đến từ phương Tây hình như cũng ý thức hơn, họ không ăn mặc hở hang, không uống rượu bừa bãi, và đi lại rất từ tốn.

Thật lạ, buổi sáng bước dọc các con đường nhỏ, tôi lại có cảm giác mình đang ở Corfu, một hòn đảo du lịch xứ Hy Lạp, có lẽ vì kiến trúc, vì những con đường nhỏ rợp hoa lá, vì cảnh người ta “đi nhẹ nói khẽ” chăng?

Sau bữa sáng bên bờ sông, chúng tôi đạp xe từ khách sạn ra trung tâm thành phố. Sống ở London khá lâu, tôi thuận đạp xe một cách “ngược ngạo” bên lề trái nên khi đi ở đây, thấy xe chạy ngược chiều trên những con đường nhỏ, tôi loạng choạng tay lái.

May thay, các bác tài không bấm còi ầm ĩ, họ thả tay ga chạy thật chậm, cả tiếng nổ của xe máy cũng êm ả để tôi không mất bình tĩnh. Sau này để ý thêm, suốt mấy ngày ở Luang Prabang, tôi hầu như không nghe tiếng còi xe, xe máy khoan thai đi sau xe đạp chứ không bấm còi để vượt hay giành đường.

Lang dang Luang Prabang
Những ngôi chùa cổ kính ở Luang Prabang

Ấn tượng ở Luang Prabang dĩ nhiên phải kể đến chùa chiền. Chùa nhiều vô kể. Cứ vài bước chân là thấy một ngôi chùa hoặc lớn hoặc nhỏ, nhưng mọi ngôi chùa đều giữ nguyên kiến trúc ban sơ.

Và cứ vài bước, bạn lại thấy một đoàn thầy tu, với sắc áo cam đi lại chậm rãi trên đường. Dĩ nhiên, cây sứ trắng có mặt rất nhiều trong các ngôi chùa và dọc những con đường nhỏ.

Như nhiều người Việt Nam, tôi luôn tự nhận mình theo đạo Phật, dù không lễ lạt chùa chiền thường xuyên. Trước khi đến đây, tôi được biết đến tục Morning Alms hay còn gọi là Tak Bat theo tiếng địa phương.

Lang dang Luang Prabang
Lễ khất thực bắt đầu từ 5g30 sáng

Lễ khất thực bắt đầu từ lúc 5g30 sáng hàng ngày. Người dân chuẩn bị xôi trắng, trứng gà luộc, chiếu khăn, quỳ sẵn hai bên đường đợi đoàn thầy tu tỏa ra từ các chùa.

Thầy chùa lớn tuổi nhất dẫn đầu, theo sau là các chú tiểu trẻ măng. Mọi người cho xôi và trứng gà vào chiếc bình bát của các sư thầy. Để ý kỹ, họ chỉ ngắt một ít xôi tượng trưng thôi. Nhưng sau một vòng khất thực, các thầy chùa có được một bình bát xôi đầy. Họ cho lại những người dân hoặc trẻ nhỏ cũng quỳ hai bên đường với những chiếc rổ tre trống không.

Mọi việc diễn ra trong thầm lặng, đến 6g sáng thì đường phố trở lại vắng ngắt, như chưa hề có đoàn người âm thầm đi qua. Đây có lẽ là hình ảnh đẹp nhất để lại trong tôi sau tất cả các chuyến du lịch đến nhiều nơi.

Tuy không rõ tường tận ý nghĩa của việc này, nhưng theo cảm nhận của tôi, có lẽ đây là bài học cho và nhận đơn giản và dễ hiểu nhất. Damian, người Thụy Điển sống ở đây hơn sáu năm, chủ khách sạn chúng tôi ở nói, đây là hoạt động hàng ngày, chứ không phải màn biểu diễn câu khách du lịch. Nếu bạn thật tâm với nhà chùa thì hãy tham gia, chứ đừng tham gia vì tò mò hay chụp ảnh để đăng facebook.

Luang Prabang cũng tạo ấn tượng trong tôi hình ảnh chợ đêm. Chợ đêm sáng đèn và rất sạch sẽ. Sự thật thà, hiền lành của người Lào thì chắc đã có nhiều người nói đến, nhưng thật thà và tốt bụng như lòng tốt giản dị tôi được nhận thì quả thật đã làm tôi rất ấm lòng.

Sau khi nhận được ly nước xoài xay, tôi hậu đậu đánh rớt nó xuống lòng đường khi dắt xe xuống từ vỉa hè. Đang bối rối vì nước tung tóe trên mặt đường, tôi nghe tiếng một người đàn ông nói gì đó với chủ quán vừa quay vào nhà.

Chị lật đật nhanh tay gọt xoài làm cho tôi một ly khác, trong khi chủ một quán hàng khác lấy xô nước tạt rửa sạch mặt đường tôi làm bẩn. Chị chủ quán sinh tố từ chối số tiền tôi trả lần hai với nụ cười hiền lành. Tôi chỉ còn biết ấp úng mấy từ Châp kha lai lai (cảm ơn) mới học được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI