Lại chuyện vi phạm tác quyền sân khấu

04/12/2017 - 07:41

PNO - Chuyện tác quyền ở lĩnh vực sân khấu một lần nữa lại nóng lên với việc nhóm kịch Đời đã chuyển thể kịch nói một số vở cải lương kinh điển khi chưa có sự đồng ý của gia đình các tác giả.

Cải lương kinh điển lại bị vi phạm tác quyền

Nhóm kịch Đời thành lập cách đây hơn sáu năm, quy tụ những gương mặt diễn viên tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Dù chỉ là nhóm kịch cà phê, nhưng Đời đã ít nhiều là cái tên quen thuộc với khán giả trong một số gameshow truyền hình và được đánh giá là một trong số những nhóm kịch quy mô nhỏ nhưng làm việc khá nghiêm túc, diễn viên diễn xuất cảm xúc, nhiều triển vọng.

Mới đây, Đời khiến nhiều người làm nghề và khán giả rất quan tâm với thông tin đã chuyển thể kịch nói khá thành công một số vở diễn cải lương kinh điển như Áo cưới trước cổng chùa, Tô Ánh Nguyệt , Đời cô Lựu… Chưa kịp mừng với đam mê và nỗ lực của nhóm kịch chỉ toàn những người trẻ, những người quan tâm chưng hửng với thông tin tất cả những vở cải lương được chuyển thể đều chưa xin phép.

Lai chuyen vi pham tac quyen san khau

Đời cô Lựu được chuyển thể kịch nói nhưng lại chưa xin phép gia đình tác giả

Soạn giả Việt Thường, con trai cố soạn giả Trần Hữu Trang, cho biết ông rất ngạc nhiên với thông tin Tô Ánh NguyệtĐời cô Lựu đã được “kịch hoá”. “Tôi chỉ nhận được lời xin phép chuyển thể kịch nói vở Đời cô Lựu của một sân khấu đã có tên tuổi ở TP.HCM cách đây khá  lâu nhưng chưa đồng ý do chưa thể bàn bạc, thống nhất được với các thành viên trong gia đình – những người là đồng sở hữu thừa kế. Ngoài SK trên, chưa có bất kỳ ai liên lạc với gia đình về việc xin sử dụng hoặc chuyển thể các tác phẩm của ba tôi” – soạn giả Việt Thường cho biết thêm.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, người được gia đình soạn giả Trần Hữu Trang uỷ quyền thực hiện các vấn đề liên quan đến tác quyền của soạn giả Trần Hữu Trang, cũng  bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin Tô Ánh NguyệtĐời cô Lựu được chuyển thể kịch nói. “Chúng tôi không được biết gì về việc này cho đến khi đọc được thông tin trên báo chí” - Bà Hồng Dung nói.        

Đặt tất cả những thắc mắc của những người có liên quan với Hồng Trang – trưởng nhóm Đời, cô đã thừa nhận mình có chuyển thế kịch nói một số vở cải lương nhưng chưa xin phép tác giả!

Hồng Trang giải thích: “Với mô hình kịch cà phê, chúng tôi chỉ diễn để duy trì đam mê, để dược sống với nghề là chính. Có lẽ vì suy nghĩ đó mà tôi đã có những sai sót trong vấn đề tác quyền. Với một số tác giả mới hoặc hiện vẫn còn sống, trước khi dựng vở, tôi đều xin phép tác giả và chỉ dàn dựng khi được tác giả đồng ý. Nhưng với những tác phẩm của tác giả đã mất, tôi không biết phải liên lạc với ai, liên lạc ở đâu để xin phép. Ngoài nội dung hay thì những tác phẩm này còn là cơ hội để từng diễn viên rèn dũa nghề nghiệp khi được thể hiện những vai diễn hay, nhiều cảm xúc".

Lai chuyen vi pham tac quyen san khau

Tô Ánh Nguyệt từng "dính" chuỵện tác quyền ở chương trình Kịch cùng Bolero

"Quá thích các tác phẩm này nên tôi cứ làm mà không xin phép gia đình các tác giả. Hơn nữa, với thực tế hiện nay kịch cà phê không có nhiều suất diễn nên các vở diễn cũng chưa thường xuyên được xếp lịch diễn. Cũng từng nghĩ đến chuyện tác quyền, nhưng tôi vẫn nghĩ rất đơn giản, khi có một điểm diễn cố định, có thể biểu diễn thường xuyên, tôi sẽ đến Nhà hát Trần Hữu Trang để xin phép nhà hát! Tôi biết mình đã sai!” Hồng Trang nhìn nhận

Vi phạm tác quyền, lỗi không từ một phía

Lỗi đáng trách nhất ở Hồng Trang và nhóm kịch Đời là đã bỏ qua chuyện tác quyền, dù trước đó chưa lâu, chuyện tác quyền sân khấu từng gây rất nhiều ồn ào với quá nhiều sự vụ.

Thực tế, trừ khi đó chỉ là bài tập trong khuôn khổ nhà trường, còn một khi đã là dàn dựng để biểu diễn cho khán giả xem, thì bất kể đó là sân khấu lớn hay sân khấu nhỏ, dù nhiều hay ít khán giả thì đầu tiên vẫn phải xin phép tác giả. Điều này không chỉ là luật định mà còn là đạo lý, phép tắc ứng xử của những người làm nghề.

Những ai từng theo dõi hành trình của Đời hẳn sẽ vừa thương, vừa giận “thủ lĩnh” Hồng Trang và cả các thành viên trong nhóm. Thương vì suốt một thời gian dài, Đời long đong, lận đận hết quán cà phê này đến quán cà phê khác. Thậm chí có lúc Đời phải chạy đến tận quán cà phê ở Đồng Nai. Tất cả chỉ với khát khao được sống với nghề, được khóc cười với những nhân vật mà mình yêu thích. Chi phí của mỗi suất diễn đôi khi chỉ vừa đủ xăng xe cho các diễn viên. Dẫu vậy, những vở diễn của Đời luôn được chăm chút bằng thái độ làm việc nghiêm túc, bằng tình yêu của tất cả các thành viên dành cho sân khấu.

Lai chuyen vi pham tac quyen san khau

Gánh hát Chiều Xuân - một trong những tiết mục được đánh giá rất cao của nhóm Đời cả về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật lẫn khả năng diễn xuất của diễn viên

Càng thương sẽ càng giận Hồng Trang và Đời, nhưng nói đi, cũng phải nói lại, “lỗ hổng” trong ứng xử, đạo lý làm nghề ở những người trẻ hôm nay cũng có một phần trách nhiệm của những thành phần khác.

Đặt câu hỏi: “Biết sẽ phải xin phép khi dựng lại một tác phẩm nổi tiếng, tự nhận mình cũng rất hồi hộp khi diễn những kịch bản chuyển thể chưa xin phép, sao chị và các cộng sự không tìm người lớn để nhờ tư vấn, hỗ trợ về chuyện tác quyền?”. Hồng Trang nói: “Thực lòng tôi không biết mình phải tìm đến đâu để hỏi?”.

Càng ngỡ ngàng hơn khi Hồng Trang thú thật mình không biết Hội Sân khấu “là ai” (?!), chỉ biết có sân khấu 5B, mà giờ 5B đã đóng cửa nên không biết phải hỏi ai ở Hội!

Vì sao một diễn viên đã làm sân khấu năm, bảy năm lại không hình dung Hội Sân khấu gồm những ai, phòng ban nào, có chức năng gì? Hội Sân khấu TP.HCM đã hoạt động ra sao để người làm nghề năm, bảy năm vẫn không biết đến vai trò và sự tồn tại của Hội?

Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Hội nghề nghiệp “có mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả….”. Với tiêu chí này, lẽ ra Hội Sân khấu phải là địa chỉ đầu tiên những người làm nghề nghĩ đến khi cần giúp đỡ, hỗ trợ. Đồng thời Hội cũng phải có trách nhiệm định hướng, trang bị cho cả hội viên và những người làm nghề những hiểu biết, kiến thức cơ bản về những điều luật, quy định có liên quan đến ngành nghề của mình. 

Cho đến bây giờ, Hồng Trang vẫn lúng túng đặt câu hỏi về việc liên lạc để trả tác quyền cho đạo diễn, điều ấy có một phần lỗi ở công tác đào tạo của nhà trường, vai trò của Hội Sân khấu. Chuyện tác quyền sân khấu không phải mới lần đầu xảy ra. Nhưng sau lùm xùm của dư luận, mọi việc lại đâu vào đấy. Các bên vẫn tự dàn xếp với nhau là chính. Mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở ý thức và lòng tự trọng của người làm nghề mà thiếu hẳn bóng dáng vai trò của hội nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy nhiều người trẻ đang rất mơ hồ về chuyện tác quyền, nhiều người sai nhưng lại không biết mình làm sai. Một số khác muốn làm đúng, nhưng lại lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào.

Lai chuyen vi pham tac quyen san khau

Dù không đạt kết quả cao nhưng Đời vẫn để lại nhiều ấn đẹp tượng khi tham gia chương trình Cười xuyên Việt.

Chuyện tác quyền sẽ là một câu chuyện dài, khó có hồi kết. Những gì đã và đang xảy ra cho thấy không thể chỉ trông mong vào lòng tự trọng, ý thức của mỗi cá nhân những người làm nghề. Khoan vội chỉ biết trách những người trẻ khi cái sai nhan nhản, mạnh ai nấy làm và người làm đúng lại thường phải chịu thiệt thòi hơn những kẻ làm bừa, làm ẩu.

 Diễn viên Hồng Trang

Tôi biết mình đã sai, Tôi đã từng hiểu mình làm mà không xin phép là rất sai, nhưng lại không biết phải bắt đầu làm sao cho đúng. Cho đến hôm nay tôi mới biết mình nên làm thế nào và nơi nào mình cần phải tìm đến để xin được giúp đỡ. Biết mình sai thì phải sửa, có tội thì phải chịu phạt. Tôi không sợ bị phạt hay bị quở trách, tôi chỉ sợ nhất là không được sống với đam mê của mình. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI