Kiều Maily - Nàng, hoa của cát

08/12/2019 - 13:30

PNO - Nghiên cứu, gìn giữ văn hóa dân tộc mình không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu, lý tưởng sống của Kiều Maily.

Một buổi sáng mát trong ở Hội An, tôi tình cờ gặp Kiều Maily trên phố cổ. Trang phục Chăm xinh đẹp, Maily ngồi sau xe đạp, đội lu nước trên đầu. Hình ảnh ấy nhanh chóng được khách du lịch ghi nhớ, rồi xuất hiện trên mạng xã hội, các trang tin tức. “Cô gái đội lu đạp xe vòng quanh phố cổ” dần trở thành hình ảnh thân thuộc với nhiều người. 

Đó là những ngày Kiều Maily bắt đầu hành trình về mở không gian văn hóa Chăm tại Hội An. Bây giờ, những buổi chạng vạng, lại thấy cô gái ấy ngồi ven đường bán Sakaya - món bánh cao quý nhất trong tất cả các món bánh Chăm. Khách du lịch đã ngồi xuống cùng mâm bánh, những câu chuyện mở ra bắt đầu bằng sự giản dị, chân tình và những nụ cười…

Cô gái bán bánh ven đường phố cổ

“Ngày đầu tiên chuẩn bị “ra quân”, tôi đạp xe vòng quanh phố, xem mình có thể ngồi chỗ nào được, nghe ngóng cả “phép tắc” bán ở lòng lề đường nữa. Nhưng không sao, tìm chỗ nào có đèn sáng là mình ngồi, cũng có nhiều người bán các loại bánh gần đó. Khoảng 6g chiều, tôi mặc bộ áo dài truyền thống Chăm và mang bánh ra ngồi bán, không biết rao thế nào, tôi cứ cười thật tươi là khách sẽ đến” - Kiều Maily chia sẻ.

Kieu Maily - Nang, hoa cua cat
Trong không gian văn hóa Chăm mà Kiều Maily gầy dựng tại Hội An

Phố cổ nhỏ như lòng bàn tay, chỉ một lần nàng con gái Chăm ấy xuất hiện làm xôn xao một góc phố với món bánh truyền thống đặc biệt là đã được nhớ đến. Khách nước ngoài cũng tìm đến thưởng thức, tìm hiểu về món bánh. “Vậy là thành công. Hôm sau, tôi tiếp tục ra chỗ cũ thì nơi ấy đã bị người khác ngồi bán bánh xoài... Lần khác, dễ thương hơn là được rất nhiều khách đến hỏi thăm” - Kiều Maily nói vui.

Thật ra, đó là hoạt động khá ngẫu hứng của cô - muốn làm điều gì đó “khuấy động không khí cổ kính” của phố cổ, góp thêm sắc màu văn hóa cho Hội An mà cũng là cách quảng bá nét ẩm thực của dân tộc mình. 

“Sakaya là tên gọi loại bánh cao quý nhất trong tất cả các món bánh Chăm, thường được dâng lên cho vua chúa và bậc cao nhân thưởng thức. Bánh này chỉ làm trong dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Chăm” - Kiều Maily cho biết. Sakaya là một trong muôn vàn món ăn độc đáo của Chămpa mà Kiều Maily muốn giới thiệu. Cô từng viết quyển sách Độc đáo ẩm thực Chăm (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, 2014), sau ba năm dày công đi điền dã, nghiên cứu những món ăn của đồng bào Chăm sinh sống ở nhiều vùng miền.

Không để câu chuyện ẩm thực chỉ dừng lại trên những trang sách, Maily vào TP.HCM mở quán ăn. “Nhưng có lẽ duyên chưa tới, một phần thiếu phương tiện nên việc quảng bá món ăn Chăm chưa thành, tôi đành gói ghém về Hội An làm lại từ đầu”, cô tâm sự. 

Kieu Maily - Nang, hoa cua cat
Kiều Maily trên phố cổ Hội An

Lần này, không phải mở quán ăn nữa mà là gầy dựng một không gian tổng quan về văn hóa Chăm. Trong không gian nhỏ của Maily cách phố cổ Hội An khoảng 5km, khách đến thăm sẽ được nhìn ngắm, tìm hiểu về các nhạc cụ, trang phục, những vật dụng thường được sử dụng trong sinh hoạt thường ngày của người Chăm. Khách cũng được trải nghiệm những nghi thức xưa mang ý nghĩa tinh thần, tâm linh theo phong tục của người Chăm; được nghe chuyện về những món ăn, những bài thuốc nam, chuyện cái chén - đôi đũa trong phong tục Chăm; nghe trống Paranưng, cùng vỗ khúc dân ca xứ Panduranga, thưởng thức các món ăn do chính tay Kiều Maily nấu.

“Tôi muốn xây dựng hình ảnh Chăm để góp thêm một góc nhỏ văn hóa bản địa Hội An thêm sắc màu phong phú. Tôi vẫn cố gắng trong hành trình này và đang tìm hiểu nghiên cứu thêm về những dấu ấn Chămpa xưa để làm hành trang cho con đường của mình”, Kiều Maily bày tỏ.    

Tìm dấu văn hóa và gìn giữ

Nhiều người nói Kiều Maily đẹp nhất khi mặc trang phục Chăm. Quả đúng như vậy. Trong những chương trình thơ ca, giao lưu văn nghệ, cô đều xuất hiện nổi bật, ấn tượng. Nhưng cho dù là thơ, là múa hay là nhạc, mọi hành trình của Kiều Maily đều dẫn đến con đường tìm dấu và gìn giữ văn hóa Chăm. 

“Thời hiện đại dễ làm văn hóa truyền thống mai một nhanh hơn nhưng lãng quên thì không. Văn hóa Chăm là văn hóa lễ nghi tôn giáo bản địa nên không dễ bị lãng quên. Còn lai căng hay mai một thì tùy thuộc thế hệ kế tiếp. Khái niệm khôi phục văn hóa truyền thống quá to lớn, ta chỉ có thể khôi phục lại tinh thần và truyền cảm hứng thì may ra giữ được giá trị văn hóa truyền thống” - Kiều Maily bộc bạch. 

Kieu Maily - Nang, hoa cua cat
Không gian văn hóa Chăm của Kiều Maily

Có lúc tôi nói với Maily, rằng hình ảnh “cô gái đội lu trên xe đạp vòng quanh phố cổ” thật đẹp nhưng sao cũng thật đơn lẻ. Phải chăng Maily vẫn cứ nỗ lực quảng bá hình ảnh Chăm, trong khi chỉ có một mình?

“Tôi có thể làm bất cứ điều gì tốt đẹp nhất để quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Hình ảnh cô gái đội lu nước trên đầu vòng quanh phố cổ như cách tôi chọn là một trong những hình ảnh đẹp. Một phần tôi muốn tái hiện hình ảnh người phụ nữ Chăm xưa với bộ áo dài cổ truyền đội lu đi lấy nước, bước nhẹ nhàng qua con đường làng có hàng rào tre, có tiếng cười gọi nhau. Hình ảnh đó cứ hiện lên trong ký ức của tôi. Ở Hội An thì có giếng vuông cổ Chăm, đó chính là thông điệp mà tôi muốn gợi lại cho du khách biết là Chăm đang tồn tại. Đường còn dài, những nỗ lực mỗi ngày chính là tinh thần để tôi tiếp tục bước đi dẫu lẻ loi mà không cô đơn” - câu trả lời khiến tôi tin vào nụ cười tỏa nắng của Maily, rằng cô sẽ còn làm được nhiều hơn thế. 

Nghiên cứu, gìn giữ văn hóa dân tộc mình không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu, lý tưởng sống của Kiều Maily. Như cách cô chia sẻ: “Tôi nhận được được niềm hạnh phúc to lớn trong hành trình quảng bá hình ảnh Chăm. Con đường tôi đang đi chính là tình yêu và sự khao khát, khiến tôi như thật sự thấy được chính mình”. Con đường ấy đang được Maily âm thầm chinh phục bằng những chuyến đi nghiên cứu, tìm hiểu trang phục Chăm để cô tiếp tục hoàn thành quyển sách mới về y phục Chăm qua các thời kỳ. 

Kieu Maily - Nang, hoa cua cat

Maily đã in nhiều tác phẩm, trong đó tập thơ đầu tay xuất bản năm 2013 có tựa đề Giữa hai khoảng trống. Maily cũng viết nhiều bài báo về văn hóa Chăm, thực hiện rất nhiều dự án quảng bá văn hóa dân tộc mình. Người ta gọi cô là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, là nghệ sĩ… nhưng tôi vẫn thích gọi Maily là “Nàng, hoa của cát” - như tên tập thơ của cô vừa xuất bản tháng 6/2019. Bởi từ cô luôn toát ra một vẻ đẹp mặn mà, lặng lẽ mà mạnh mẽ. Như cát. 

Biết đâu mai này tôi trở về Palei, hoặc ra nước ngoài...

Từ khi quyết định chọn hướng đi mới trong việc quảng bá văn hóa dân tộc mình, tôi chưa bao giờ nghĩ nơi nào sẽ là “điểm dừng cuối cùng” trong hành trình của mình. Hiện tại, tôi chọn Hội An, vì nơi đây tổng hòa nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có Chăm, là một nền văn hóa cổ và cũng là nơi tập trung nhiều du khách quốc tế muốn hiểu biết về Chăm và Việt Nam. Hơn nữa, Hội An còn rất nhiều dấn ấn văn hóa Chăm, là nơi giao thương sầm uất nhất của Chămpa xưa. Quảng Nam cũng là cố đô của người Chăm. 

Biết đâu sau Hội An, tôi lại trở về với quê hương Palei (Ninh Thuận) hay một điểm khác trong hoặc ngoài nước để tiếp tục hành trình của mình. Không nói trước được tương lai…

Kiều Maily

Bùi Tiểu Quyên
Ảnh: NVCC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI