Khu dưỡng lão nghệ sĩ: Không còn đủ sức gồng gánh

21/06/2019 - 07:00

PNO - Khi không đủ sức 'gồng gánh' Khu DLNS, trước nhu cầu bức thiết về nơi nương tựa của nghệ sĩ, có lẽ HSK, Ban AHNS cần có những hành động thực tế, rõ ràng, để các nghệ sĩ lão thành được chăm sóc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Khu Dưỡng lão nghệ sĩ một thời là niềm tự hào của giới nghệ sĩ TP.HCM, là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần tương thân tương ái của nghệ sĩ sân khấu dành cho nhau, của các Mạnh Thường Quân đối với nghệ sĩ. Đây là nơi nương tựa của những người đã dành cả tuổi xuân cho sân khấu, vào tuổi xế chiều cô đơn nghèo khó. Duy trì một ngôi nhà chung để chăm sóc, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn trong hơn 20 năm qua, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ từng gặp không ít khó khăn và đều đã vượt qua. Nhưng mới đây, mong muốn chuyển giao Khu Dưỡng lão nghệ sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã được những người có trách nhiệm ở Hội Sân khấu TP.HCM chính thức nêu ra.

12 người và hơn 5.000m2

Khu nhà ở của các nghệ sĩ nằm lọt thỏm giữa khuôn viên rộng mênh mông của Khu Dưỡng lão nghệ sĩ (DLNS). Bên hông trái, một công trình xây dựng dở dang đã bắt đầu xuống cấp, cây cỏ mọc um tùm. Ngoài nỗi lo muỗi mòng, côn trùng sinh sản, nhiều người đến thăm Khu DLNS e ngại khu vực bị bỏ hoang sẽ là nơi trú ẩn của rắn rết, có thể gây nguy hiểm cho các nghệ sĩ lão thành ở đây. Khoảng đất rộng phía bên phải, chỗ thì đầy cỏ dại, chỗ lổn nhổn hộp xốp, túi ni-lông, chai lọ, ly nhựa…

Khu duong lao nghe si: Khong con du suc gong ganh
21 năm nay, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ đã không thể xây dựng, mở rộng để đón thêm nghệ sĩ, vì vướng thủ tục pháp lý

Khu nhà ở được đưa vào sử dụng từ năm 1998 gồm 1 trệt, 1 lầu, với 22 phòng. Ước vọng ban đầu của những người thành lập Khu DLNS là xây dựng năm khu nhà, nuôi dưỡng được 100 nghệ sĩ già yếu, cô đơn. Tuy nhiên, do vướng nhiều khó khăn về thủ tục, kinh phí… nên chưa thể tiếp tục xây thêm. Hiện nay, Khu DLNS chỉ còn 12 nghệ sĩ (nghệ sĩ Hoài Dung vừa qua đời hôm 18/6), được sắp xếp chủ yếu ở khu vực tầng trệt. Tầng 1 khu nhà gần như bỏ trống, vì theo bà Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM (HSK) kiêm trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ (AHNS): “Phần do các nghệ sĩ già yếu không thể leo lầu, phần vì một số phòng ốc trên lầu xuống cấp nặng, không đảm bảo điều kiện sống cho các nghệ sĩ”.

Cách đây khoảng 10 năm, Khu DLNS đã được nâng nền, chống dột, từ nguồn kinh phí do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Trước nhu cầu bức thiết của các nghệ sĩ, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cũng đã có kế hoạch vận động xây dựng thêm 20 phòng ở mới, nhưng việc xây dựng đã phải tạm ngưng do vướng thủ tục pháp lý về chủ quyền của khu đất. Từ đó đến nay, khu nhà ở cũ tiếp tục xuống cấp. Sự hạn hẹp về phòng ốc, thiếu thốn kinh phí… đã làm nảy sinh nhiều bức xúc liên quan đến việc tiếp nhận thêm các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, già yếu, neo đơn.

Bà Hồng Dung cũng thừa nhận, rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi làm đơn xin được vào Khu DLNS, nhưng không đủ tiêu chuẩn, nên không được xét duyệt. Trong số các trường hợp bị từ chối, hai trường hợp khiến nhiều người băn khoăn nhất là nghệ sĩ Mai Lan và nghệ sĩ Tòng Sơn, bởi hai nghệ sĩ đều xin vào Khu DLNS khi ở đây còn rất nhiều phòng bỏ trống.

Clip Khu dưỡng lão nghệ sĩ cây cỏ um tùm

Nhắc lại trường hợp của nghệ sĩ Tòng Sơn, đại diện Ban AHNS giải thích: dù rất áy náy, Ban AHNS vẫn phải từ chối đơn xin vào Khu DLNS của nghệ sĩ Tòng Sơn do ông không phải hội viên HSK. Nếu nhận nghệ sĩ Tòng Sơn, Ban AHNS sẽ rất khó từ chối những trường hợp khác. Về lý, giải thích của Ban AHNS không sai; nhưng về tình, việc từ chối các nghệ sĩ từng là những tên tuổi quen thuộc của công chúng, nay gặp khó khăn, cô đơn, bệnh tật lúc xế bóng lại khiến nhiều nghệ sĩ lẫn công chúng buồn lòng.

Trước thực tế rất nhiều nghệ sĩ già yếu không nơi nương tựa, đang phải vật vạ ở thuê, ở trọ trong những căn phòng nhỏ hẹp, ẩm thấp, chợt thấy xót xa với một khuôn viên rộng hơn 5.000m2 mà chỉ có 13 người ở. Nghịch lý ở chỗ: khuôn viên rộng, Khu DLNS vẫn thiếu thốn, không đáp ứng điều kiện chăm sóc chuyên nghiệp cho người cao tuổi.

Khu DLNS hiện có 7 nhân viên, gồm: quản lý, kế toán, bảo vệ, làm vườn, vệ sinh phòng ốc, cơm nước… cho các nghệ sĩ. Chỉ một nhân viên phải chăm sóc cả khu vực hơn 5.000m2, khó có thể đòi hỏi một không gian xanh, sạch đẹp như mong ước. Riêng chuyện cơm nước, bảo vệ, theo bà Hồng Dung, cũng trăm thứ khó. Các nghệ sĩ đều có những căn bệnh tuổi già khác nhau. Phải làm sao có chế độ ăn uống phù hợp sức khỏe từng người, gói ghém trong mức 25.000 đồng/người/ngày là bài toán không dễ giải. Cái thiếu đáng ngại nhất là phần chăm sóc y tế tại chỗ, gần như bằng không.

Khu duong lao nghe si: Khong con du suc gong ganh
Khoảng đất trống, cây cỏ mọc um tùm ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ

Nên giao về cho thành phố

Từ năm 2010, Khu DLNS đã phải tự túc toàn bộ kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc các nghệ sĩ ở đây, từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, khán giả, các đoàn hát. Những năm gần đây, khi cải lương khó khăn, nhiều đoàn hát giải tán nên không thể tiếp tục hỗ trợ cho Khu DLNS. Trong buổi gặp gỡ các phóng viên sân khấu mới đây, chuyện chuyển giao Khu DLNS về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã được Chủ tịch HSK - NSND Trần Ngọc Giàu và bà Hồng Dung đặt ra, với mong muốn công tác quản lý và chế độ chăm sóc các nghệ sĩ sẽ chuyên nghiệp và tốt hơn, sau khi được chuyển giao.

NSƯT Nam Hùng - một trong những người từng phản đối việc bàn giao Khu DLNS về Sở LĐ-TB-XH ngày trước - nói: “Thực tế cho thấy, HSK và Ban AHNS không đủ sức quản lý Khu DLNS nên ở thời điểm này, giao Khu DLNS về Sở LĐ-TB-XH là lựa chọn tốt nhất”. Nhiều nghệ sĩ cũng đồng quan điểm với NSND Kim Cương, cho rằng sân khấu hiện nay là tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, không nên cứng nhắc, giới hạn Khu DLNS chỉ dành cho nghệ sĩ sân khấu mà có thể mở rộng cho mọi nghệ sĩ cần được giúp đỡ.

Cuối năm 2009, UBND TP.HCM từng có chủ trương đưa Khu DLNS về Sở LĐ-TB-XH, để xây dựng nơi đây thành trung tâm dưỡng lão dành cho văn nghệ sĩ TP.HCM. Tuy nhiên, chủ trương này đã vấp phải sự phản ứng của giới sân khấu. Hơn 100 nghệ sĩ đã cùng ký đơn kiến nghị gửi UBND TP.HCM, yêu cầu giữ lại Khu DLNS cho riêng giới làm sân khấu. Trước phản ứng đó, UBND TP.HCM đã có thông báo: chỉ khi nào HSK, Ban AHNS và các nghệ sĩ thấy việc bàn giao Khu DLNS cho Sở LĐ-TB-XH là cần thiết thì làm văn bản đề nghị và UBND TP.HCM sẽ xem xét, giao các đơn vị liên quan thực hiện.

Khi đã không đủ sức “gồng gánh” Khu DLNS, trước nhu cầu bức thiết về nơi nương tựa của nghệ sĩ, có lẽ HSK, Ban AHNS cần có những hành động thực tế, rõ ràng, để các nghệ sĩ lão thành được chăm sóc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. 

Khu duong lao nghe si: Khong con du suc gong ganh
Thế giới riêng của NSƯT Diệu Hiền ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ

“Nên giao Khu DLNS cho Nhà nước quản lý, để có thể mở rộng đối tượng nghệ sĩ được chăm sóc, nuôi dưỡng và có những chế độ, chính sách chăm lo tốt hơn cho văn nghệ sĩ. Chỉ còn một điều tôi hơi băn khoăn. Với diện tích hơn 5.000m2, liệu Khu DLNS có giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu của NSND Phùng Há và những người đồng sáng lập là giúp đỡ những nghệ sĩ ở tuổi già cô đơn, nghèo khó, hay sẽ được chia sẻ cho những mục đích khác? Cần có những quy định, chủ trương cụ thể, được sự đồng thuận của giới nghệ sĩ và công chúng khi xây dựng trung tâm dưỡng lão cho văn nghệ sĩ TP.HCM, tránh những chuyện không hay có thể xảy ra”.

NSƯT Thanh Vy

“Ai quản lý Khu DLNS không quan trọng bằng việc làm sao chăm lo cho nghệ sĩ tốt nhất. Khuôn viên Khu DLNS rất đẹp, nhưng hiện nay đang được sử dụng rất lãng phí. Khi đưa ra những quy định, tiêu chí cho khu dưỡng lão mới, cần chú ý một đặc thù của sân khấu cải lương - cuộc sống nghệ sĩ rày đây mai đó theo đoàn hát, không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nên một số nghệ sĩ lão thành có con nhưng lại không được các con nuôi dưỡng, chăm sóc. Hiểu vậy để có quy định, tiêu chuẩn xét duyệt vào ở khu dưỡng lão mới không gây thiệt thòi cho nghệ sĩ cải lương”.

Đạo diễn Kim Phương

Chuyển Khu DLNS về Sở LĐ-TB-XH là cách tốt nhất để có được những chế độ, chính sách chăm sóc căn cơ, lâu dài cho văn nghệ sĩ lão thành. Khi thống nhất việc giao Khu DLNS cho Sở LĐ-TB-XH, HSK phải có đề án gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Trên cơ sở đề án đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM sẽ trình UBND TP.HCM và UBND TP.HCM sẽ mời các sở ngành liên quan cùng ngồi lại, dựa trên tình hình thực tế để xác định nên giao Khu DLNS cho hội chuyên ngành hay sở ngành quản lý, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM)

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI