Khó hình sự hóa vi phạm bản quyền tranh

22/05/2019 - 14:30

PNO - Chỉ trong một thời gian rất ngắn của tháng Năm, những vụ “đạo tranh” công khai, quy mô, đã bị giới họa sĩ phát hiện. Đáng nói, đây là lần thứ… n của một câu chuyện cũ mà không hề cũ: vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Vi phạm tăng dần, đều

Đầu tháng Năm, tranh của các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh… đã bị nhiều công ty áo dài sử dụng, cắt ghép trái phép vào hàng trăm mẫu thiết kế, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội. Vì tính chất ngang nhiên, công khai, trắng trợn của sự việc, các họa sĩ đã phải nhờ tới luật sư, nhằm xử lý rốt ráo vụ việc. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” nhằm mục đích cùng các họa sĩ bảo vệ tác phẩm của mình. Dù mới hoạt động, nhóm này đã nhận được nhiều phản hồi từ các họa sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên gia về tình trạng vi phạm bản quyền ở khắp nơi.

Kho hinh su hoa  vi pham ban quyen tranh
Nhiều tác phẩm mỹ thuật bị sao chép thành tranh tường trang trí ở các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê…

Vụ việc đạo tranh lên áo dài chưa kịp nguội thì họa sĩ Hà Hùng Dũng phát hiện hàng chục bức tranh sơn dầu, màu nước của anh bị một đơn vị tại Hà Nội chép lại thành tranh tường và tranh treo trang trí cho một khách sạn 5 sao ở Sa Pa. Trước đó, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Đặng Tiến, Lâm Đức Mạnh… cũng là “nạn nhân” của  tình trạng này. Rất nhiều tác phẩm hội họa đã bị các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ.

Xử lý hình sự: còn trên giấy

Trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay, nhiều người đặt vấn đề phải hình sự hóa vi phạm bản quyền. Thực ra, hành lang pháp lý của chúng ta hiện tương đối đầy đủ. Điều 225, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tổ chức và cá nhân có hành vi xâm phạm quyền và thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đã có thể bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù đến 5 năm; với pháp nhân thương mại thì có thể bị phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm. Bên cạnh xử phạt hành chính, Nghị định 28/2017 quy định mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Kho hinh su hoa  vi pham ban quyen tranh
Tranh của Hà Hùng Dũng bị sử dụng để trang trí cho một nhà hàng, khách sạn lớn tại Sa Pa.

Thế nhưng, diễn tiến của thực tế đời sống lại không như luật. Hầu hết vụ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung đều được giải quyết bằng mức phạt hành chính nhẹ nhàng hoặc một câu xin lỗi cho xong; thậm chí, nghệ sĩ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không thể làm gì. Tháng 9/2018, trả lời phóng viên nhân vụ làm giả chữ ký cố họa sĩ Vũ Giáng Hương ở nhà đấu giá Chọn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Trần Khánh Chương - cho rằng, đó là cơ hội để đưa vụ làm tranh giả đầu tiên ra trước pháp luật, vì rất dễ truy ra thủ phạm. Thế nhưng đến nay, vụ việc này vẫn mịt mù.

Luật sư Trần Thị Tám, người có nhiều năm đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức cho rằng, các vụ việc xâm phạm bản quyền ở Việt Nam “rất khó giải quyết bằng biện pháp hình sự”. “Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản. Những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là những vi phạm về quyền tài sản. Đây là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, do đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ là loại tài sản vô hình, nên pháp luật Việt Nam và nhiều nước trên thế giới mới quy định có cơ quan hành chính xử lý về mặt hành chính. Do đó, thanh tra văn hóa (và các cơ quan hành chính khác) cũng có thẩm quyền xử lý xâm phạm.

Ở nước ngoài, ví dụ Hoa Kỳ, những tranh chấp dạng này đều được giải quyết tại tòa án. Tại Việt Nam, rất ít vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bằng biện pháp hình sự, nếu có thì thường là các vụ việc để lại hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho cộng đồng”, luật sư Tám nói thêm.

Kho hinh su hoa  vi pham ban quyen tranh
Tranh của Bùi Trọng Dư được sử dụng in hoạ tiết lên vải áo dài.

Trong điều kiện giải quyết vi phạm bản quyền bằng hành chính bất lực, hình sự hóa mới dừng trên giấy, các họa sĩ thường được khuyên hãy tự bảo vệ tác phẩm, nhất là thời internet phát triển, hở ra là có “chôm chỉa” như bây giờ. Nhưng bảo vệ ra sao, phải làm gì khi bị xâm phạm, vẫn là một câu hỏi khó. 

Sở dĩ những vụ xử lý xâm phạm bản quyền không đi đến đâu là do người bị xâm phạm chưa làm đúng trình tự pháp luật và chưa thực sự muốn đi đến cùng sự việc. Thông thường, trình tự sẽ là:

1. Thu thập chứng cứ.

2. Liên hệ bên xâm phạm để thông báo (yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có).

3. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý (nếu bước 2 không hiệu quả).

Trình tự này có thể thay đổi, nhưng bước số 1 là cực kỳ quan trọng.

 Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom Việt Nam)

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI