Khi bối cảnh 'hành' đạo diễn

08/11/2017 - 20:00

PNO - ĐD Phương Điền vừa một mình lặn lội về miền Tây, đến những nơi xa xôi hẻo lánh 'chưa có dấu chân' các đoàn phim trước, tìm mãi mới có được những bối cảnh tạm ưng ý cho bộ phim đề tài xưa.

Đến giờ thì ĐD Phương Điền đã có thể thở phào, vì mọi khâu chuẩn bị cho bộ phim truyền hình Giông bão (dài 30 tập, chuyển thể từ vở kịch Lôi vũ) của anh đã "xong hòm hòm", chuẩn bị khởi quay. Còn trước đó, anh hết đau đầu tìm bối cảnh xưa đến diễn viên phù hợp cho vai chính.

Lùng sục khắp nơi vẫn không đủ cảnh xưa

Phim đề tài xưa luôn thu hút sự chú ý của khán giả. Giữa cơn sóng gameshow, truyền hình thực tế lấn át, phim xưa vẫn có được rating (tỷ suất người xem) khá cao. Điều đó khiến cho các Đài truyền hình, nhà sản xuất đặt hàng, khai thác dòng phim này. Nhưng đó cũng là thử thách, khiến các nhà làm phim phải đau đầu vì bối cảnh.

 Khi boi canh 'hanh' dao dien

Bối cảnh nhà gỗ, di tích lịch sử thường được tận dụng trong phim đề tài xưa

“Phim xưa đã có một vệt dài với rất nhiều phim được sản xuất, nhưng nhìn lại thì thấy hầu hết bối cảnh được tận dụng từ phim này đến phim khác. Muốn tìm bối cảnh hoàn toàn mới cho phim quả là không dễ dàng chút nào. Những ngôi nhà cổ phù hợp cho nội cảnh thì ngoại cảnh lại không ổn. Nơi đồng ý cho đoàn phim quay hình thì vật dụng bên trong lại thiếu thốn, mà không phải nơi nào mình cũng được tự ý cải tạo, dàn dựng kê thêm đồ đạc… Nói chung mình luôn phải liệu cơm gấp mắm, cân nhắc đủ bề” – ĐD Phương điền chia sẻ.

Đó là chưa kể, quay phim xưa là luôn phải “cân não” để ăn gian góc máy, tránh hết từ dây điện đến sự xuất hiện của các phương tiện hiện đại vào khung hình.

 Khi boi canh 'hanh' dao dien

Đình Bến Thế (Bình Dương)- một trong những không gian quen thuộc được chọn ghi hình trong nhiều phim xưa - Ảnh-T.Q

“Những không gian tôi từng chọn làm bối cảnh trong phim điện ảnh Bến không chồng từ năm 1999 đến nay đã mất hết theo tiến trình nông thôn mới. Nhiều cảnh trong phim phải ghép cảnh nội quay nơi này nhưng cảnh ngoài sân phải quay ở nơi khác. Bối cảnh của phim Thương nhớ ở ai? trải dài khắp các tỉnh, thành miền Bắc. Chỉ có mỗi chùa Thầy là được tận dụng từ phiên bản điện ảnh đến truyền hình” – ĐD Lưu Trọng Ninh chia sẻ.

Phim Thương nhớ ở ai? – hiện vừa lên sóng hai tập, theo tin từ VTV là đang có rating cao nhất so với các chương trình phát sóng của VTV hiện nay – cũng là phim truyền hình hiếm hoi được đầu tư lớn cho khâu kỹ xảo. Mà nói theo ĐD Lưu Trọng Ninh thì nếu không dùng kỹ xảo sẽ không thể nào tái hiện được không gian thuần làng quê Bắc bộ những năm thập niên 50, 60.

 Khi boi canh 'hanh' dao dien

Một góc làng quê Bắc bộ xưa được tái dựng trong phim Thương nhớ ở ai?

“Nhưng với kinh phí dành cho mỗi tập phim hiện nay (khoảng 180 triệu đồng/tập phim – PV), cũng khó nói được là đủ rộng rãi để chúng tôi nghĩ đến việc đầu tư kỹ xảo. Nếu có thì cũng chỉ là những thao tác đơn giản hơn như xóa dây điện, chứ còn chưa dám nói đến chuyện là muốn chuyển đồng lúa xanh thành đồng lúa vàng. Bối cảnh xưa đa phần phải tận dụng những ngôi nhà cổ, khéo léo dàn dựng ở một mức độ có thể tạm chấp nhận được. Nếu ĐD chịu khó tìm kiếm, lùng sục khắp nơi thì vẫn may ra tìm được, nhưng tốn thời gian và vất vả hơn nhiều so với những bộ phim đề tài hiện đại khác” – ĐD Phương Điền chia sẻ thêm.

 Khi boi canh 'hanh' dao dien

Bối cảnh thôn quê dễ tìm hơn tái hiện không gian đô thị xưa trên màn ảnh nhỏ

Cũng chính vì những khó khăn, tốn kém này mà không nhiều ĐD chọn theo đuổi đề tài “hay nhưng khó nhằn” này. Quanh đi quẩn lại màn ảnh nhỏ cũng chỉ có những tên tuổi ĐD còn tâm huyết với những câu chuyện cũ. Phim tâm lý xã hội thời hiện đại có khi chỉ cần quay ở TPHCM, còn phim xưa đòi hỏi đoàn phim phải “lăn lóc” qua rất nhiều tỉnh thành. Mà sơ suất một chút là lại bị khán giả chê... bối cảnh phim không giống, không thật.

Dựng đại cảnh vẫn là thử thách

Điều khiến các nhà làm phim xưa đau đầu nhất chính là làm đại cảnh như tạo một khu làng, một khu chợ, đường phố… Thời làm phim Tơ hồng vương vấn, ĐD Hồ Ngọc Xum cho dựng một khu chợ xưa trong phim trường Hòa Phú (huyện Củ Chi).

Phim trường này cũng được ĐD Trần Mỹ Hà tận dụng quay bối cảnh đào kênh (dài đến 25m) của lực lượng thanh niên xung phong trong phim Không có gì và không một ai. Nhưng trong nỗ lực của các nhà làm phim, thì khán giả vẫn không cảm thấy thuyết phục, hài lòng với những thước phim tái dựng còn đơn giản, thiếu hẳn sự sinh động của một bối cảnh xưa thật sự.

 Khi boi canh 'hanh' dao dien

Phim Không có gì và không một ai tái hiện cảnh đám cưới thời... máy cày

Đó cũng là lý do vì sao trong hầu hết phim khai thác đề tài xưa chỉ có cảnh nội, cận cảnh mà rất thiếu những góc quay ngoại cảnh, toàn cảnh. Không gian đồng quê ít nhiều còn hoang sơ, phù hợp nhưng với không gian đô thị- nhất là Sài Gòn xưa- thì xem như… bó tay.

Một trong những phim hiếm hoi tái hiện được cảnh vòng xoay chợ Bến Thành từ trên cao là Không có gì và không một ai. ĐD Trần Mỹ Hà đã cho làm kỹ xảo để xóa hết các băng-rôn, bảng hiệu… nhưng cảnh kỹ xảo này cũng chỉ lướt qua trong chớp mắt, còn lại vẫn là nhờ đến những tiểu tiết làm cứu cánh: bàn ghế, sách báo cũ, nhạc xưa, trưng bày hậu cảnh là các thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn cách đây hàng thập kỷ…

 Khi boi canh 'hanh' dao dien
Rất ít đại cảnh đường phố được tái dựng trong phim xưa

Nhiều khi bối cảnh cũng “làm khổ” đoàn phim, như chia sẻ của ĐD Võ Việt Hùng – người “chuyên trị” dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh: Có khi quay cảnh nhân vật từ trong nhà bước ra sân, vào gara lấy xe mà phải quay ba nơi. Như trường hợp trong phim Khóc thầm, nhân vật Vĩnh Thái (Trương Minh Quốc Thái) tập xe, ngôi nhà quay ở Thủ Đức, sân quay ở Bình Dương, còn gara quay ở Bến Tre. Với sự kết nối bối cảnh… không có liên quan như vậy, ĐD, diễn viên và cả thư ký trường quay đều đau đầu. Chỉ cần sơ suất một chút thôi sẽ sai rắc-co, tâm lý…

 Khi boi canh 'hanh' dao dien
ĐD Võ Việt Hùng thời quay phim Khóc thầm . Ảnh - T.Q

Làm phim xưa đã khó trăm bề, nhưng bỏ qua bối cảnh, trang phục, đạo cụ, lời thoại… thời điểm này, nhà làm phim lại còn đối mặt với một thử thách mới không ngờ tới: là tìm diễn viên vào vai người xưa cũng không dễ vì “người đẹp bây giờ sửa nhiều quá không còn đẹp tự nhiên được nữa!”.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI