Hồng Vân: 'Chúng tôi đơn độc bươn chải để sân khấu được sáng đèn'

05/10/2019 - 07:43

PNO - 'Có lúc tôi thấy mình giống bà mẹ đơn thân phải bươn chải để nuôi lớn đàn con còn thơ dại. Để nuôi con, bà mẹ đơn thân sẵn sàng làm mọi việc để có tiền, kể cả làm thuê, làm mướn, bán vé số...'- NSND Hồng Vân.

Sân khấu SuperBowl đóng cửa, học viên khóa 7-8-9 dồn hết sang sân khấu Phú Nhuận tập lại hai vở diễn vừa tốt nghiệp là Con nhà nghèo, Bỉ vỏ để ra mắt khán giả từ ngày 5/10.

Nhóm diễn viên của vở Con nhà nghèo đang say sưa tập luyện trên sân khấu, các diễn viên còn lại ngồi quan  sát các bạn, thỉnh thoảng lại chạy về phía trước hỏi NSND Hồng Vân về những tình huống của vở diễn, những sáng tạo mới về nhân vật... hoặc chỉ đến cạnh NSND Hồng Vân để kể một câu chuyện dí dỏm nào đó rồi mè nheo, nhõng nhẽo như đứa trẻ.

Tạm nghỉ giải lao chờ thay cảnh để bắt đầu chạy vở, các diễn viên trẻ quây quần bên NSND Hồng Vân tíu tít nói chuyện, cười đùa. Các em gọi NSND Hồng Vân là u, là mẹ... Giữa họ không còn khoảng cách. Góc sân khấu Phú Nhuận bỗng ấm áp trong không khí của một gia đình… đông con. Những ai nhìn thấy cảnh này sẽ hiểu hơn những giọt nước mắt của NSND Hồng Vân trong đêm diễn cuối cùng, khép lại chặng đường 14 năm của sân khấu SuperBowl.

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
NSND Hồng Vân trong ngày giỗ Tổ sân khấu ở sân khấu Hồng Vân

Phóng viên: Sân khấu (SK) đang cực kỳ khó khăn, hầu hết SK kịch phải bù lỗ cho từng suất diễn, đóng cửa SuperBowl phần nào gỡ bớt cho chị một gánh nặng nhưng cũng không khỏi chạnh lòng, đau xót...

NSND Hồng Vân: Thực tế nhiều năm nay hầu hết các SK xã hội hóa (XHH) đều phải bù lỗ và SK SuperBowl cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu vì bù lỗ mà phải buông thì tôi đã buông SuperBowl lâu rồi. Tôi biết mình chưa thể chia tay SK dù có trăm ngàn khó khăn. Cố gồng gánh để gìn giữ một điểm diễn đã quen thuộc với công chúng, cố gắng gầy dựng và duy trì để SK sáng đèn thì khi phải chia tay sao tránh khỏi cảm giác tiếc nuối, ngậm ngùi.

Với tôi, SuperBowl không đơn thuần chỉ là một điểm diễn mà còn là nơi nhiều thế hệ diễn viên (DV) được đào tạo, gắn bó và trưởng thành. Có lúc tôi từng nghĩ SuperBowl như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi tôi có những đứa con có chung đam mê, khát vọng trên con đường nghệ thuật. Tôi vẫn tự hào rằng, mình đã có một thế hệ DV trưởng thành từ nơi đây như Xuân Nghị, Đinh Mạnh Phúc, Tuấn Dũng, Lê Lộc, Di Dương, Lạc Hoàng Long, Hữu Đằng… Từ khóa 7 các em đã trụ lại đây diễn hằng đêm và tự lực cánh sinh, tự chi trả tiền cho các bộ phận trong khâu tổ chức biểu diễn, phụ trả tiền mặt bằng…

SuperBowl sẽ được xây dựng mới, nhưng dẫu có thay hình đổi dạng như thế nào thì nơi đây vẫn là một phần ký ức đẹp không thể quên của tôi và các em.

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
NSND Hồng Vân cùng mọi người đã có một đêm diễn cuối cùng tại sân khấu SuperBowl đầy cảm xúc

* Như chị nói, học viên của các lớp đào tạo DV ở SK Hồng Vân được lên SK từ rất sớm, có khi chỉ sau 3 - 4 tháng học biểu diễn và trở thành DV chính không lâu sau đó. Nhiều ý kiến cho rằng việc được lên SK sớm, dễ dàng tìm được một vị trí ở SK sẽ khiến các bạn có cảm giác làm nghệ thuật quá dễ?

- Đúng là thời chúng tôi, sau bốn năm học, để được bước lên SK biểu diễn không dễ. Mỗi người sẽ phải bước từng bậc thang, phải chứng minh tài năng của mình trong từng vai diễn dù chỉ là rất phụ để có thể được bước lên bậc thang cao hơn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, trách các em mới học vài tháng đã được đẩy ra SK là chưa công bằng. Thực tế, nhiều người không hề được học biểu diễn ngày nào đã nghiễm nhiên trở thành DV, thậm chí là DV chính.

Được đào tạo vài tháng, nhưng học hành, tập luyện nghiêm túc, ít nhất các em cũng có những tư duy cơ bản để sáng tạo nhân vật và cũng được trang bị cả ý thức, đạo đức làm nghề trong từng buổi lên lớp với giảng viên. Dù đã lên SK nhưng quá trình học nghề vẫn tiếp diễn, những vai diễn trong suốt quá trình học nghề là cơ hội để các em thực hành những bài học lý thuyết và trưởng thành hơn, nhiều kinh nghiệm hơn trong diễn xuất, tư duy nhân vật. 

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
Nhìn lại những gương mặt thân thương của sân khấu SuperBowl

* Thành phố đang có quá nhiều lớp đào tạo và liên tục chiêu sinh nhưng công tác đào tạo rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Ai cũng có thể trở thành “thầy” dù “thầy” vẫn chưa chỉn chu trong diễn xuất. Có những bài tốt nghiệp của học viên làm người xem giật mình vì quá dễ dãi từ cách chọn đề tài, dàn dựng đến cho học viên giả gái gây cười…  

- Việc giả gái trên SK như một trào lưu gần như ở đâu cũng thấy. Tôi không phản đối việc giả gái, nhưng không chấp nhận kiểu giả gái vô tội vạ, cốt chỉ để gây cười. Giả gái vẫn duyên dáng, hóm hỉnh và cũng là vai diễn không dễ diễn nếu đó là tình huống hợp lý, việc giả gái có mục đích, có tính toán cho diễn tiến câu chuyện kịch.

Riêng với những bài thi tốt nghiệp, tôi luôn hướng các em đến những vở diễn đề tài tâm lý xã hội với thông điệp rõ ràng. Dù kịch kinh dị được xem là “thương hiệu” của SK Hồng Vân nhưng tôi không đồng ý làm những vở diễn tốt nghiệp theo phong cách này. Bài tốt nghiệp phải là những tác phẩm nghiêm túc, là cơ hội để các em được hóa thân vào những nhân vật mà trong điều kiện làm nghề hiện nay các em sẽ ít có cơ hội được thử sức. 

* Hai trong ba vở tốt nghiệp mới nhất của học viên lớp đào tạo đều được chuyển thể từ tác phẩm văn học là Con nhà nghèo, Bỉ vỏ, ước mơ về một SK kịch văn học dường như vẫn còn đầy ắp trong chị? 

- Hơn 20 năm trước, khi bắt tay gầy dựng SK Hồng Vân, tôi đã xác định SK của mình sẽ đi theo dòng kịch văn học. Nhưng con đường đã chọn của tôi không trơn tru, có những ngã rẽ nằm ngoài dự tính mà mình không thể lựa chọn. Kịch hài, kịch kinh dị là những thể loại tôi buộc phải chọn để lấy ngắn nuôi dài trong tình hình SK hiện nay.

Dường như học trò đồng cảm được với tôi khát khao đó nên khi chọn kịch bản tốt nghiệp, chính các em là người đề xuất dựng kịch văn học. Vẫn biết kịch văn học là sự lựa chọn khó vì các em chỉ mới được học biểu diễn hơn một năm, dựng kịch văn học cho các em tốt nghiệp tôi cũng sẽ cực hơn, nhưng đổi lại, tôi có được niềm hạnh phúc không dễ tìm vì đã gieo thêm cho các em tình yêu với kịch văn học và nhìn thấy các em trưởng thành hơn trong suốt quá trình tìm hiểu tác phẩm, tác giả, nhân vật…

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
Cùng các diễn viên, học viên của sân khấu Hồng Vân

* Có những vở diễn của SK Hồng Vân gây ý kiến trái chiều, và khán giả  đã bắt gặp chị đứng khóc sau cánh gà khi xem DV của mình diễn...

- Có lúc tôi thấy mình giống bà mẹ đơn thân phải bươn chải để nuôi lớn đàn con còn thơ dại. Để nuôi con, bà mẹ đơn thân sẵn sàng làm mọi việc để có tiền, kể cả làm thuê, làm mướn, bán vé số... Việc gì cũng không từ nan, miễn đó không phải là việc làm vi phạm pháp luật hoặc chuẩn mực đạo đức. Kịch hài, kịch kinh dị là hoạt động lấy ngắn  nuôi dài. SK chúng tôi vẫn có những vở diễn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. DV trưởng thành từ SK kịch Hồng Vân có thể chưa xuất sắc, chưa nổi tiếng nhưng không một ai gây scandal hoặc biểu diễn những tiết mục nhảm nhí, dung tục.

Như đã nói, tôi không có sự lựa chọn nào khác khi những người làm SK XHH cứ mãi phải đơn độc bươn chải mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước. Gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền buộc chúng tôi phải tính toán, xoay xở đủ mọi phương án để SK sáng đèn.

* Từng là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM (Ban Văn hóa - Xã hội), lẽ ra chị có nhiều thuận lợi hơn trong đề xuất những chế độ đãi ngộ và sự quan tâm của thành phố dành cho SK XHH?  

- Trong suốt nhiệm kỳ ở Hội đồng nhân dân thành phố, tôi đã chờ đợi nhưng chưa có một khoảnh khắc nào những vấn đề về văn hóa văn nghệ được đưa ra trong các cuộc họp. Bức xúc, có nhiều ý kiến muốn phát biểu nhưng tôi hoàn toàn không có cơ hội. Mọi chia sẻ, trình bày… chỉ có thể diễn ra ngoài hành lang với tư cách cá nhân. Cũng có lãnh đạo rất chia sẻ với khó khăn của SK XHH, nhưng chỉ một, hai cá nhân.

Thú thật, cho đến giờ phút này, tôi cũng không hy vọng gì, chỉ tự nhủ cứ cố gắng hết sức mình, đến bao giờ không còn đủ sức nữa thì đành buông. Hai mươi năm gầy dựng SK XHH, đến giờ phút này, điều mong muốn còn lại là có thể giữ lửa và truyền lại ngọn lửa nghề, tình yêu SK cho thế hệ DV trẻ, mong các em đủ sức tiếp nối để giữ lại những gì SK XHH đã gầy dựng được. Mong có một ngày văn hóa nghệ thuật sẽ được nhìn nhận đúng giá trị của nó. 

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
Giọt nước mắt hạnh phúc sau buổi thi của học trò

* Không phủ nhận vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ và phát triển SK XHH, nhưng SK hiện nay kém hấp dẫn một phần cũng do một thời gian dài thiếu vắng những nghệ sĩ tài năng?

- Đúng là SK ngày nay hiếm những tài năng như các thế hệ trước. Nhưng ngày xưa thế hệ chúng tôi làm nghề cũng rất khác. Thời chúng tôi, DV tốt nghiệp chỉ biết có SK và dốc toàn tâm, toàn lực cho SK. Thời nay DV bị phân tán bởi quá nhiều thứ khác nhau, từ phim ảnh, game show đến phối hợp làm kênh YouTube… SK lại khó khăn, không đủ nuôi sống DV nên các em khó sống chết với SK như thời chúng tôi.

Nghề diễn rất lạ, người nghệ sĩ không thể chỉ biết “ăn” mãi vào tài năng mình đang có mà phải học hỏi, rèn luyện không ngừng. Học không chỉ là đọc, là nghe, là xem… mà phải học từ cả những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ở các lớp đào tạo của SK Hồng Vân, có những trường hợp rất đặc biệt mà tôi luôn lấy các em làm “bằng chứng sống” cho các học viên khác. Ngày bắt đầu khóa học, các em nằm trong top yếu nhất lớp. Do hoàn cảnh khó khăn, tôi đưa các em vào tổ âm thanh, ánh sáng, hậu đài… để có thêm thu nhập. Tiếp cận SK mỗi ngày, tích lũy thêm kinh nghiệm từ quan sát, làm việc với các anh chị nghệ sĩ, DV các em tiến bộ rất nhanh và thuộc top học viên khá nhất cho đến ngày tốt nghiệp.

Nghề này rất lạ, đừng xem thường bất kỳ vị trí nào cấu thành tổng thể vở diễn. Mỗi vị trí là một góc nhìn với những bài học khác nhau và đều trang bị kỹ năng cho người DV. 

* Không ít bạn trẻ đang bị hoa mắt trước chút thành công ở game show hoặc những lời nhận xét “hoa mỹ” của ban giám khảo. Là một nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm, làm công tác đào tạo và cũng ngồi ghế giám khảo game show, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ? 

- Rất khó có thể cho các bạn “mơ mộng” này lời khuyên bởi tâm lý chung các bạn luôn cho mình là đúng, nhận xét hay lời khuyên của những người đi trước là cũ kỹ, không hợp thời. Chỉ đến khi các em tự tìm được bài học cho mình thì bài học đó mới có giá trị. 

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
Trong vở Cưới dùm

* Trong đám cưới Xí Ngầu, con gái chị, lời cảm ơn của con rể dành cho ba Tuấn Anh vì đã dạy cho con rất nhiều để có thể trở thành người đàn ông trưởng thành, người chồng, người cha tốt làm mọi người càng thêm thán phục “nội tướng” Hồng Vân. Chị đã rất giỏi khi kết nối các con với ba dượng và xóa nhòa mọi khoảng cách.

- Tôi không nghĩ mình tài giỏi đến vậy. Tôi chỉ kết nối anh Tuấn Anh và các con trong một, hai năm đầu tiên. Tôi rất may mắn khi anh thương yêu Xí Ngầu và Trê Phi như con ruột của mình. Trẻ con không thể dạy bằng lời nói nhưng trẻ lại cảm nhận rất nhanh những điều thật, giả diễn ra trong cuộc sống gia đình. Anh thương yêu các con bằng tình yêu chân thật nên mọi khoảng cách nhanh chóng bị xóa  mờ.

Anh giỏi hơn tôi trong việc trở thành “leader” của các chuyến du lịch gia đình. Anh chịu khó dẫn các con khám phá mọi ngóc ngách của điểm đến từ văn hóa ẩm thực đến danh lam thắng cảnh… cứ vậy, “họ” gần gũi và thân thiết với nhau nhiều hơn. Anh chịu khó tâm sự, chia sẻ với các con mọi vấn đề trong cuộc sống, ngay cả chuyện Xí Ngầu chọn thời điểm có baby, anh cũng là người đặt ra các tình huống, thuận lợi, khó khăn… để các con suy nghĩ và quyết định.

Hong Van: 'Chung toi  don doc  buon chai  de san khau  duoc sang den'
Những đứa con, điểm tựa của chị

* Dường như SK đã lấy hết thời gian của chị, chị ở bên cạnh các con lúc nào?

- Mọi thứ không lệ thuộc vào việc mình có ở cạnh con mỗi ngày hay không. Ở cạnh con, bảo bọc, canh chừng, giám sát… để luôn chắc chắn con sẽ làm theo ý mình chưa chắc cha mẹ đã có được điều mình mong muốn ở các con. Thời nay phương tiện để giữ liên lạc với con cũng không thiếu. Hơn nữa, tôi cho rằng điều quan trọng không phải là thời gian ở bên con nhiều hay ít mà là “chất lượng” của khoảng thời gian gần gũi các con.

Mỗi gia đình có cách chăm sóc, giáo dục con khác nhau, khó có thể đưa ra một mẫu số chung. Nhưng với tôi, việc kiềm chế những cơn nóng giận khi dạy con là điều cực kỳ quan trọng. Cha mẹ có thể yêu thương con hết lòng, hy sinh cho con tất cả, nhưng những lời nói, cách ứng xử thiếu kiềm chế của cha mẹ trong cơn nóng giận lại có thể làm trẻ quên mất mọi sự yêu thương mà chỉ nhớ những gì đã bị tổn thương khi cha mẹ nóng giận. Những cơn nóng giận lặp đi lặp lại khiến trẻ sống thu mình, không còn muốn gần gũi, chia sẻ với cha mẹ. Tôi đã học được rất nhiều bài học về cách dạy con, chăm sóc gia đình… từ những tình huống trong các vở diễn SK để biết cách tự điều chỉnh mình và sắp xếp mọi việc chu đáo hơn.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện và chúc chị cùng các học trò của mình giữ được đam mê, nhiệt huyết với SK để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó của SK kịch XHH. 

Thảo Vân (thực hiện) 
Ảnh: Quỳnh Trang - Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI