Hồn Việt chơi vơi

04/02/2019 - 06:00

PNO - Điện ảnh Việt Nam đương đại phải chăng thiếu những cuộc trở về khiến người ta phải giật mình sâu thẳm như vậy. Đạo diễn Việt Linh nói, hồn Việt vẫn còn... chơi vơi ở đâu đó trên con đường kiếm tìm mình.

Trở về để lắng nghe một tiếng nói thiết thân thầm thì cất lên. Trở về để “vẫy gọi những giấc mơ”, để tỏ tường chính ta, trong thứ ánh sáng, khuôn mặt, vóc hình dân tộc. Trở về, cũng là bám víu lấy những gì đẹp đẽ còn sót lại trong khoảng rơi vô cùng vô tận của đất trời. Điện ảnh Việt Nam đương đại phải chăng thiếu những cuộc trở về khiến người ta phải giật mình sâu thẳm như vậy. Đạo diễn Việt Linh nói, hồn Việt vẫn còn... chơi vơi ở đâu đó trên con đường kiếm tìm mình.  

Hon Viet choi voi

Phóng viên: Trong thời đại điện ảnh Mỹ thống lĩnh với kiểu làm phim đồ sộ, kỹ xảo… vẫn có vài nền điện ảnh như Iran, Rumani với những câu chuyện nhỏ, thuyết phục khán giả quốc tế bằng sự sâu sắc riêng. Điện ảnh Việt Nam đương đại hình như thiếu những cái riêng như vậy?

Đạo diễn Việt Linh: Nhà phê bình Đức Rudiger Tomczak gọi Thương nhớ đồng quê là một trong những phim hay nhất ông từng xem. Rằng “những nhân vật không thể nào quên và những đồng lúa tràn đầy ánh sáng đã in sâu trong trí nhớ của tôi, đến mức không hiếm khi tôi đã mơ về chúng”. Đạo diễn phim nói cái làm ông bị mê hoặc ở truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là tính thẩm mỹ, không gian rất gần điện ảnh; và rằng với ông như vậy là quá đủ.

Tôi thì tin Đặng Nhật Minh còn bị mê hoặc bởi niềm “thương nhớ” đồng quê. Một bộ phim chỉ làm ta vương vấn khi tác giả vấn vương điều gì đó chân thành, dù vương vấn nỗi buồn. Đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha chí lý khi cho rằng “chính cái nhìn buồn bã về xã hội đang sống mới thôi thúc trong chúng ta khát vọng đổi thay, hoàn thiện nó”.

Hon Viet choi voi
Thương nhớ đồng quê - một bộ phim được nhiều bạn bè quốc tế và khán giả đánh giá cao

* Nhà văn Bảo Ninh từng nói, đại ý, thế hệ chúng tôi là một thế hệ “làm bộ làm tịch, chẳng còn biết buồn”. Có phải vì thế mà cái gì cũng đèm đẹp nhưng thiêu thiếu, nhàn nhạt?

- Cụm ngữ “làm bộ làm tịch” của Bảo Ninh ngậm ngùi xác đáng, nhưng  không chỉ riêng thế hệ nào, không chỉ trong nghệ thuật. Đó là bi kịch lớn của xã hội. 

* Phim Việt Nam bây giờ cái gì cũng có, chỉ thiếu… tư tưởng. Chị có đồng tình ý kiến này của một đồng nghiệp?

- Nhận xét đó đúng về số đông sản phẩm giải trí. May mắn, vẫn còn vài phim độc lập quan tâm khía cạnh nhân văn, thẩm mỹ. Những phim đó ít nhiều cho thế giới thấy bản sắc điện ảnh Việt Nam chưa tuyệt tích. Đề cập chuyện làm phim - của phụ nữ trên tạp chí Đẹp - tôi có dùng chữ “mê” khi định mức say mê cách kể chuyện bằng âm thanh, hình ảnh…

Nhưng theo tôi, đằng sau cảm xúc mê say đó còn phải có một “tiếng gọi” vô hình nhưng mãnh liệt. Tiếng gọi đó kéo ta về phía con người, phía ký ức, phía phẫn nộ/yêu thương mà ta là chứng nhân. Không có tiếng gọi ấy thì cánh đồng đẹp đến đâu, cao ốc sang đến mấy câu chuyện cũng lướt qua không để lại gì...

Hon Viet choi voi
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bị mê hoặc bởi niềm “thương nhớ” đồng quê

* Vài năm trước chị có nói “phong cách điện ảnh Việt Nam vẫn còn chơi vơi”. Đến giờ, chúng ta phải chăng vẫn chưa đi qua cảm trạng chơi vơi đó?

- Ngữ cảnh câu nói kia là khi bàn về bản sắc Việt trong điện ảnh. Bản sắc “chơi vơi” bởi nó hoặc không được lưu ý, hoặc không xuất phát từ sự gắn bó, yêu thương đất nước, con người - thứ tâm cảm ăn sâu vô thức vào từng khung ảnh, câu thoại… Chơi vơi là bởi hầu hết tác phẩm điện ảnh, hoặc không đoái hoài tính cách con người Việt, hoặc cực khác, có nhiều tác phẩm “nhân dịp”, mang sứ mệnh cao siêu nhưng không có nhân vật thuyết phục, không có thân phận đáng tin…  

* Trong một lần nói chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông chia sẻ: “Giờ có những bộ phim khi xem xong, tôi chả biết phim Việt Nam hay phim Hàn Quốc. Thậm chí, những diễn viên người Việt đóng đấy nhưng mình cứ ngờ ngợ như nước ngoài. Phát âm hình như cũng lơ lớ một thứ tiếng Việt ở đâu đó”. Chị nghĩ sao?

- Thì cũng từ sự thiếu vắng “tiếng gọi” mà tôi đề cập ở trên - tiếng gọi kéo người làm phim đến gần, sẻ chia, gắn bó với cuộc sống của dân tộc mình như một tình yêu hiển nhiên, thiết thân. Khi có tình yêu đó thì dù bạn làm đề tài gì, khung cảnh gì cũng sẽ chứa đựng cốt cách Việt một cách nhuần nhuyễn, chân thành. Đề tài nào, thể loại nào cuối cùng cũng phải là mối quan tâm - dù nhỏ - của tác giả về số phận đất nước, tâm cảm đồng bào…

Gần đây có khá nhiều phim tưởng đơn thuần giải trí, nhưng nhờ tiếng gọi bên trong đó mà các tác giả trẻ đã để lại trong người xem những thông điệp nhân văn tích cực. Song lang, Sài Gòn anh yêu em là những ví dụ. Theo tôi, thể hiện có khác nhau, nhưng tiếng gọi đó trong thế hệ già hay trẻ đều như nhau, cấp thiết như nhau.

Hon Viet choi voi

- Cũng như yêu có nhiều cách, khi một bộ phim mang cái nhìn trách nhiệm của những người làm nên nó, thì dù không trực diện/chăm chăm các chỉ dấu dân tộc, nó vẫn mang tới cho khán giả sự đồng cảm. Tôi không dám nói mình đã làm được gì lớn lao, nhưng tôi biết bên cạnh lòng mê nghề, bên trong tôi luôn có “tiếng gọi” thôi thúc chia sẻ sâu sắc những vấn đề của xã hội tôi đang sống. * Là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của miền Nam, ghi dấu với một loạt phim chất lượng, có bản sắc, chị có thể nói sơ qua về khát vọng vẽ nên một Việt Nam (hữu hình và vô hình) trong tác phẩm của mình không?

Có lẽ vì vậy mà một vài phim của tôi - dù đề tài khác biệt - đã nhận được sự quan tâm của khán giả quốc tế. Quanh vấn đề này tôi lại thích một câu khác của đạo diễn Giả Chương Kha: “Bạn hỏi vì sao phim của tôi thuyết phục khán giả quốc tế ư? Tôi nghĩ đó là tính xác thực và sự chân thành. Chính chúng đã làm nên sự khác nhau giữa các nền văn hóa” .

Hon Viet choi voi
Đạo diễn Việt Linh trò chuyện với khán giả trẻ

* Khoan nói tới chuyện to tát như dấu ấn dân tộc để nhận diện mã vạch điện ảnh quốc gia ra ngoài nước, dấu ấn dân tộc cũng là yếu tố để chúng ta tỉnh thức, tỏ tường về chính chúng ta?

- Tôi có thể trả lời gián tiếp bằng vài câu nói của vài người nổi tiếng mà tôi thích: “Nghệ thuật là một trong những cách để chúng ta bước vào cuộc sống của người khác, từ đó hiểu được người khác, và chia sẻ các ý tưởng cùng nhau” - cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Văn hóa là khả năng duy nhất giúp các dân tộc trên hành tinh này có thể lắng nghe nhau” - đạo diễn, cựu Bộ trưởng Văn hóa Mali Cheick Oumar Sissoko. “Khoái cảm thưởng thức một bộ phim hay không chỉ giúp ta mở cánh cửa nhìn ra thế giới, mà còn giúp ta tự soi rọi nội tâm. Có những bộ phim làm thay đổi chúng ta và khiến chúng ta muốn sống khác” - nhà phê bình điện ảnh Mỹ Roger Ebert.

Hon Viet choi voi

* Phim Chung cư của chị, dù không có phong cảnh hay âm nhạc mang bản sắc Việt như cách hiểu đơn giản, nhưng vẫn được chào đón và trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên phát hành thương mại ở Pháp năm 2000. Chị có thể lý giải tại sao?

- Đầu tiên tôi nghĩ vì nó mang tới cho khán giả một góc nhìn lịch sử Việt Nam trong thời bao cấp một cách tinh tế, chân thực. Tham luận tôi đọc tại Trường đại học Đông phương học Paris tháng 3/2014, nhân dịp Chung cư được mời chiếu trong hội thảo về Việt Nam đổi mới, có đoạn cuối thế này: “Không thể nói Chung cư là sự nuối tiếc, tô hồng quá khứ dù trong nhiều mặt nó rất đẹp. Chung cư chỉ như chứng từ về một thời đáng nhớ chứ không phải sự nấn níu một quá khứ xưa cũ.

Chính tính nhập nhằng trong tâm lý chủ quan của những người làm ra nó - lưu luyến nhưng vẫn phải quay lưng - đã khiến bộ phim, bên cạnh tính tư liệu, vẫn còn gây rung cảm cho đến tận những ngày này...”. Hồn Việt ở mọi nơi, nếu người sáng tác thực sự tơ tưởng, trân trọng.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị. 

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI