Hoàng Thùy Linh 'báng bổ' thánh thần?

16/08/2019 - 07:53

PNO - MV 'Tứ phủ' (thơ Ngân Vi, nhạc Hồ Hoài Anh, Hoàng Thùy Linh hát) có lẽ là trường hợp thú vị nhất của đường đua V-pop tháng Tám khi gây những tranh luận trái chiều về sản phẩm giải trí lấy cảm hứng từ tín ngưỡng, tâm linh.

Tranh cãi ngay từ tên gọi

Việc âm nhạc khai thác chất liệu tín ngưỡng, tâm linh không có gì mới. Thậm chí trên thế giới, không ít ca khúc dạng này từng được trao những giải thưởng âm nhạc lớn. Tuy nhiên, với V-pop gần đây, có lẽ Tứ phủ là trường hợp gây tranh cãi dữ dội nhất. Nhiều người cho rằng, đặt tên là Tứ phủ nhưng làm chưa tới, ca khúc mới của Hoàng Thùy Linh đã “báng bổ” thánh thần, gián tiếp phá hoại di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không chỉ bị người hâm mộ đánh giá, MV mới còn bị cộng đồng những người thực hành nghi lễ đạo Mẫu mang ra mổ xẻ, bàn tán.

Một người thực hành tín ngưỡng này chia sẻ: “MV khá hời hợt, giống như bổ mít rõ thơm mà bên trong chưa chín, rất đáng tiếc”. Theo cắt nghĩa của người này, ca khúc tên Tứ phủ nhưng lại chỉ nói được Thoải phủ - đại diện cho nước; không thấy Thiên phủ - đại diện cho trời, Nhạc phủ - đại diện cho rừng núi, Địa phủ - đại diện cho đất. Ngay cả việc MV lấy chủ đề về Thoải phủ, những đặc tính riêng biệt trong các bản chầu văn dành riêng cho Thoải phủ cũng chưa thấy đâu. Hơn nữa, đạo Mẫu vốn gắn với không gian linh thiêng, để thể hiện sự tôn kính, các động tác “múa may quay cuồng” trong MV trở nên không ăn nhập, vô nghĩa.

Hoang Thuy Linh 'bang bo' thanh than?
MV Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh gây tranh cãi khi khai thác yếu tố tâm linh

Những cụm từ “A Di Đà Phật”, “Cửu Trùng Thiên” trong MV bị cho là khiên cưỡng, cố “nhồi” vào cho có màu. Hình ảnh thể hiện trong MV cũng không chính xác với tín ngưỡng dân gian này. Ca từ thì như nói về một cô gái thất tình, với câu than trách thân phận mình vô duyên được lặp lại. Dù có thể tìm thấy ở các giá hầu đồng hình ảnh người phụ nữ bình dân bị giết hại và sau đó hiển linh, nhưng đó là những hình mẫu của những người có tấm lòng bao la, có công với ít nhất một cộng đồng người về một lĩnh vực nào đó chứ không có hình mẫu nào thất tình và than trách bản thân cả.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nhận là lấy cảm hứng, hoàn toàn có thể tách lấy câu chuyện buồn và thi vị của vị thánh đó đưa vào MV; hay vẫn nội dung đó mà đặt tên khác, có lẽ MV vẫn chấp nhận được. Nhưng Tứ phủ, dù muốn dù không, đã động chạm đến tín ngưỡng này thì nên làm cho tới.

Cần rạch ròi chuyện thờ cúng và biểu diễn

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nếu cho đây là đạo Mẫu văn hóa Tứ phủ truyền thống của dân tộc là không đúng, vì MV này không phải văn hóa truyền thống, không phải đạo Mẫu, cũng không phải Tứ phủ. Ngay cả khi, giả sử nhóm tác giả có nói đây là Tứ phủ, là đạo Mẫu thì nó cũng không phải vậy. Tóm lại, ở đây, Tứ phủ chỉ là tên của bài hát, của MV. Đây là một ca khúc mới, có thể coi là dân gian đương đại, vì có khai thác yếu tố truyền thống trong văn hóa tâm linh của dân tộc.

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, NSƯT - tiến sĩ Hải Phượng - Phó trưởng khoa Âm nhạc Truyền thống, Nhạc viện TP.HCM - cho rằng: “Do người ta không phân biệt được rõ ràng chuyện thờ cúng và chuyện biểu diễn nên mới có những tranh cãi như vậy. Hai cái này khác nhau xa lắm”.

MV Tứ phủ - Hoàng Thuỳ Linh:

Theo nghệ sĩ Hải Phượng, phải rạch ròi và sòng phẳng chuyện đó là một sản phẩm giải trí để quảng bá du lịch hay là nghi lễ tâm linh. Nếu đem những nghi lễ tâm linh hoàn chỉnh và chính xác làm thành chuyện ca hát mua vui thì không nên, dễ làm cho khán giả ngộ nhận về bản chất của nghi lễ. Tuy nhiên, Tứ phủ là một ca khúc mới của Hồ Hoài Anh, phổ thơ Ngân Vi, lấy cảm hứng chứ chẳng dính dáng đến thực hành nghi lễ tâm linh.

Khi nói sản phẩm này hủy hoại di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta cũng phải xem lại. Dù vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng lưu ý: “Cách đặt tên một ca khúc, dù mang tính chất giải trí, hễ có liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh thì nên cân nhắc về câu chữ”.

Mấy năm trở lại đây, các nghệ sĩ trẻ bắt đầu chú ý tới việc khai thác yếu tố dân gian, dân tộc để đưa vào tác phẩm. Tất nhiên, so với kỳ vọng, những thành tựu vẫn còn khiêm tốn, nhưng đó là tín hiệu tích cực trong việc tiếp nhận, làm mới kho tàng văn hóa truyền thống của cha ông trong thời đại mới. Bỏ qua câu chuyện tín ngưỡng gây tranh cãi, nhìn ở góc độ là một sản phẩm giải trí đơn thuần, Tứ phủ chưa phải là sản phẩm xuất sắc. So với sản phẩm trước của Linh, câu “để Mị nói cho mà nghe” đã tạo được xu hướng, nhiều cô gái cũng thi nhau chụp ảnh mặc đồ kiểu “Mị” và chia sẻ lên mạng. Nhưng Tứ phủ, âm nhạc bắt tai mà lan man, chủ yếu nhờ hiệu ứng; nghe xong, khó đọng lại gì.

Dù sao, Hoàng Thùy Linh đã dần hình thành được con đường âm nhạc riêng, ít nhất qua Bánh trôi nước, Ngữ văn và bây giờ là Tứ phủ. Đó là hướng đi đáng được khuyến khích đối với nghệ sĩ trẻ.

Hoang Thuy Linh 'bang bo' thanh than?
Tạo hình của Hoàng Thuỳ Linh trong MV mới

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:

“Nên hết sức cân nhắc khi chạm đến yếu tố tín ngưỡng”

Phóng viênYếu tố tín ngưỡng, tâm linh được khai thác trong âm nhạc nước ta thế nào, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Yếu tố tín ngưỡng, tâm linh trong âm nhạc không phải là chuyện lạ. Nó là một trong những đặc trưng của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ngay cả những câu ca duyên dáng và tha thiết tình cảm đôi lứa, với những nhớ nhung vì xa cách và mong ngày tương phùng… tưởng chừng không liên quan gì đến nghi lễ tín ngưỡng tâm linh như Quan họ thì cũng có cả những câu ca để hát nơi cửa đình, có cả phần được gọi là hát thờ trong lề lối ca hát Quan họ. Yếu tố Phật giáo cũng được đưa vào tác phẩm kịch hát truyền thống như vở chèo Quan Âm Thị Kính hay vở cải lương Lan và Điệp

Nghe các tác phẩm Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến), Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến)… người nghe có thể cảm nhận được ngay yếu tố tâm linh trong đó. Cũng có lúc, thể hiện tinh thần của Phật giáo, dựa trên những đúc kết mang tính triết lý, qua lăng kính của người nhạc sĩ, để trở thành những tác phẩm để đời. Điển hình của cách làm này là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Đó chỉ là vài trong số vô vàn cách khai thác yếu tố tâm linh vào tác phẩm âm nhạc đã có từ xa xưa và vẫn đang hiện hữu trong đời sống tinh thần của chúng ta.

* Nhưng tôn giáo vẫn được xem là nội dung nhạy cảm, dễ bị phản ứng?

- Dù tôn giáo được xem là một trong những nội dung nhạy cảm, nhưng nghệ thuật là lĩnh vực có thể chạm tới sự tinh tế của cảm nhận. Vì thế, khai thác các yếu tố nhạy cảm để trở thành những tác phẩm độc đáo vẫn là một điều thú vị, góp phần tạo nên sự phong phú cho đời sống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Tuy nhiên, muốn khai thác được, ta phải hiểu về nó và biết nên khai thác ở điểm nào. Có những câu chuyện tưởng chừng quá khủng khiếp, không được chấp nhận trong đời sống xã hội khi xưa, nhưng đã được đề cập thẳng, mang tính phản biện mạnh mẽ mà vẫn có sức sống trường tồn như một tác phẩm nghệ thuật kinh điển của dân tộc. Câu chuyện Quan Âm Thị Kính là ví dụ điển hình.

Dẫu thế, vẫn phải nhấn mạnh, nên hết sức cân nhắc khi chạm đến yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, vì chạm đến nó là chạm tới một cộng đồng người. Có thể, cộng đồng đó sẽ không chấp nhận chuyện ai đó dùng chất liệu của tín ngưỡng mà họ tôn thờ để làm cái gì khác, trái với ý muốn hoặc với ý nghĩ mặc định về tôn giáo của họ.

* Xin cảm ơn anh.

Du Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI