Họa sĩ Nguyễn Thành Phong : “Bao điều nghiêm túc mà cười ra nước mắt”

24/09/2013 - 07:53

PNO - PN - Tác giả đình đám của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau đổi thành Phê như con tê tê) - họa sĩ Nguyễn Thành Phong đã trở thành một thương hiệu “hot”, bận rộn cùng các dự án truyện tranh tới tấp gối đầu nhau, thu nhập đủ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi thường làm việc kiểu cuốn chiếu, song song vài dự án, nên việc này kết thúc là có ngay việc khác cần hoàn thiện. Đôi khi cách làm này tạo ra rất nhiều áp lực, nhưng vì còn trẻ và bởi sự mới mẻ, hấp dẫn của từng dự án nên tôi luôn cố gắng hết sức mình. Dự án tôi đang thực hiện là cuốn sách tập hợp những câu nói, những thành ngữ thời bao cấp. Tôi nghĩ đây không chỉ là dự án hấp dẫn vì sự sáng tạo mà còn có giá trị về mặt lịch sử. Thời bao cấp, ngôn ngữ chủ yếu truyền miệng trong từng cộng đồng nhỏ, việc thu thập lại khá khó khăn. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ là một món quà thú vị cho những người từng trải qua thời bao cấp và cả những bạn trẻ thế hệ hậu đổi mới.

* Các dự án truyện tranh của anh thường có cùng “định dạng”, bộ truyện này có sự đột phá nào không?

- Trong từng dự án, từng tác phẩm, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những cách tiếp cận mới. Tôi thích những thử nghiệm trong sáng tác. Nếu cứ phải làm đi làm lại một kiểu, một định dạng chắc chắn tôi sẽ là người chán đầu tiên.

* Vì sao anh “chia tay” với dòng truyện tranh dành cho thiếu niên để “bắt tay” với truyện tranh hiện đại dành cho người lớn?

- Tôi tự cảm thấy mình không còn đủ trải nghiệm thực tế và hứng khởi với truyện tranh cho các độc giả nhỏ tuổi. Tôi muốn kể những câu chuyện về cuộc sống xung quanh, những điều đang hiện hữu mà mình cảm nhận rõ ràng nhất. Cuộc đời hữu hạn, tôi nghĩ không nên mất thời gian để làm những điều mình không thực sự muốn hay những điều phù phiếm chỉ để tồn tại.

* Tranh của anh gây tiếng cười thú vị, đồng thời rất thấm thía. Nhưng, trong thời buổi có quá nhiều thứ để quan tâm, những tác phẩm mang yếu tố thời sự dễ bị người đọc lướt qua nhanh, cả thèm chóng chán?

- Tôi nghĩ mỗi phong cách sáng tác đều có độc giả riêng. Tôi sáng tác và lựa chọn nội dung cho tác phẩm theo cảm hứng của mình, từ những điều mình quan tâm, trăn trở chứ không vì độc giả muốn tôi làm như vậy. Đối với tôi, mối quan hệ giữa tác giả và độc giả là cái duyên, hợp thì đến với nhau, trân trọng nhau; không hợp thì coi như không có duyên, vậy thôi!

Hoa si Nguyen Thanh Phong : “Bao dieu nghiem tuc ma cuoi ra nuoc mat”

* Anh đang làm tốt việc dùng truyện tranh để bạn đọc, nhất là người trẻ, “tiêu hóa” các vấn đề xã hội hiện đại như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, văn hóa ứng xử… Anh có nghĩ việc thể hiện các vấn đề nghiêm túc bằng sự tếu táo hài hước, dễ vượt qua ranh giới của sự bông phèn, làm lệch mục tiêu mà tác phẩm muốn hướng đến?

- Điều tôi băn khoăn là đôi khi những việc thực trong đời sống, những vấn đề tưởng như phải hết sức nghiêm túc thì còn “hài hước” hơn cả những tác phẩm hài mà ta vẫn thấy, khiến ta cười ra nước mắt. Tôi luôn cố gắng để thông điệp và sự thật được truyền tải rõ ràng và chân thực nhất, dù cách tiếp cận là hài hước hay nghiêm túc. Tôi nghĩ, ít nhiều gì thì những dự án mang tính xã hội đều có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Tôi chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất trong khả năng chuyên môn của mình.

* Làm nghề chuyên nghiệp, anh có phải chịu áp lực, thậm chí có lúc bế tắc khi phải thể hiện chất hài hước đối với nhiều vấn đề chẳng có gì hài hước, mềm hóa những điều “khó nhằn”?

- Chắc chắn không ai thoát khỏi những lúc bế tắc trong công việc, đặc biệt là khi sáng tác, nhưng không phải vì đề tài tế nhị. Đôi khi đề tài càng bình thường, càng gần gũi với cuộc sống hàng ngày càng khó, phải làm sao để đề tài tuy bình thường nhưng cách thể hiện, tiếp cận không tầm thường. Đôi lúc tôi cũng rất đau đầu khi lựa chọn nội dung cho các câu chuyện. Truyện càng ngắn càng khó.

* Truyện tranh Việt bao năm vẫn lép vế so với nước ngoài ngay trên sân nhà, nguyên nhân nói đã nhiều, là người trong cuộc, anh làm được những gì?

- Với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề, tôi nghĩ làm sao để truyện tranh Việt trở nên quen thuộc với độc giả Việt là một quá trình lâu dài và chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất. Theo tôi, giữa nội dung và nét vẽ trong truyện tranh, nội dung truyện đóng vai trò quan trọng hơn. Nội dung có hấp dẫn thì mới hy vọng giữ chân được bạn đọc. Mỗi tác giả cần nỗ lực nhiều trong quá trình tìm tòi và tự làm mới bản thân để có thể đi xa trên con đường sáng tạo của mình. Khi có đủ số lượng tác giả tốt và tác phẩm tốt thì mới mong truyện tranh Việt Nam có chỗ đứng trong lòng độc giả.

 Võ Tiến (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI