Hô biến quảng cáo thành phim truyện

11/07/2018 - 12:03

PNO - Tuần qua, phòng vé Bắc Mỹ chứng kiến thành công của bộ phim đề tài thể thao ‘Uncle Drew’ khi tác phẩm hài này xếp ở vị trí 4/10 phim ăn khách nhất.

Điều này mở ra tín hiệu tốt cho các nhà làm phim Hollywood trong việc phát triển một bộ phim dựa trên các mẩu quảng cáo. Uncle Drew, do tập đoàn PepsiCo đầu tư sản xuất, vốn lấy ý tưởng từ các đoạn phim quảng cáo nước ngọt Pepsi.

Ho bien quang cao thanh phim truyen
Logo của Pepsi xuất hiện trong một cảnh phim Uncle Drew

Trước Uncle Drew, Hollywood từng thử hô biến các nhân vật trong chiến dịch quảng cáo thành nhân vật chính trong phim. Bắt đầu từ loạt phim Ernest goes to camp (1987), Ernest saves Christmas (1988) lấy cảm hứng từ nhân vật quảng cáo Ernest P. Worrell do công ty quảng cáo Carden & Cherry tạo ra cho các mẩu quảng cáo của thương hiệu nước uống Coca-Cola, thức ăn nhanh Chex, Taco John’s…

Tiếp đó, mẩu quảng cáo Michael Jordan đóng vào năm 1992 cho hãng Nike được phát triển thành phim Space Jam, nội dung hư cấu về việc một giống loài từ bên ngoài đến trái đất, trộm tài năng của vài ngôi sao bóng rổ để lập đội Monstars, thách đấu bóng rổ với Looney Tunes đại diện cho xứ sở Looney Tunes huyền bí nhằm giành quyền thống trị, khiến Looney Tunes phải cầu cứu huyền thoại bóng rổ Michael Jordan.

Khi trình chiếu vào năm 1996, tác phẩm hoạt hình kết hợp người thật đóng này đã thu 230 triệu USD trên toàn cầu và phần hai của phim được công bố sẽ ra rạp vào năm 2019. Tuy nhiên, được khán giả biết đến nhiều nhất là loạt phim hài Johnny English (đã chiếu tại Việt Nam với tựa Điệp viên không không thấy).

Ý tưởng phim được cây hài Anh Rowan Atkinson thai nghén từ khi ông đóng vai một điệp viên vụng về, hay gây rắc rối trong chiến dịch quảng cáo cho một hãng thẻ tín dụng tại Anh năm 1992. 11 năm sau, Johnny English xuất hiện và thắng lớn với 160 triệu USD trên toàn cầu, dẫn đến sự ra đời của phần hai (năm 2010) rồi  tháng Mười tới đây là phần ba.

Việc phát triển đoạn phim quảng cáo thành một tác phẩm điện ảnh là cách khai thác đề tài mới mẻ. Về phía các nhãn hàng, đây là cách quảng cáo sản phẩm khôn ngoan, thay cho những mẩu quảng cáo “hô hào” về các tính năng, lợi ích ngày càng bị “dị ứng”.

Phim lấy cảm hứng từ chiến dịch quảng cáo giúp doanh nghiệp cộng hưởng với khách hàng ở tầng cảm xúc, cho khách hàng trải nghiệm gần gũi hơn, từ đó có tình cảm hơn với sản phẩm. Thêm vào đó, số tiền làm một bộ phim có tính kinh tế hơn làm các mẩu quảng cáo, vì sẽ có được doanh thu từ rạp.

Theo tính toán, đoạn phim quảng cáo 30 giây Pepsi trình chiếu tại sự kiện Super Bowl năm nay tiêu tốn của hãng này 5 triệu USD, trong khi 103 phút phim Uncle Drew tốn từ 17 - 20 triệu USD. Ngay trong tuần mở màn (khởi chiếu từ ngày 29/6) phim đã thu lại 15,5 triệu USD và đến nay, sau gần hai tuần ra rạp, đã mang về hơn 26 triệu USD. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI