Hirokazu Kore-eda: 'Gia đình phiền hà nhưng vô giá'

21/05/2018 - 12:00

PNO - Qua 12 ngày tranh tài, liên hoan phim Cannes lần thứ 71 đã tôn vinh đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda ở vị trí cao nhất: giải Cành cọ vàng dành cho tác phẩm Shoplifters.

Điện ảnh châu Á nói chung cũng như Hirokazu Kore-eda dường như đã chờ đợi chiến thắng này ở Cannes quá lâu, bởi lần gần đây nhất một bộ phim châu Á đoạt Cành cọ vàng đã là tám năm trước (phim Thái Uncle Boonmee who can recall his past lives của Apichatpong Weerasethakul) và Hirokazu Kore-eda đã sáu lần có phim dự Cannes.

Hirokazu Kore-eda: 'Gia dinh phien ha nhung vo gia'

Tình người, góc khuất trong xã hội Nhật được miêu tả trong Shoplifters khiến khán giả xúc động

Shoplifters đưa người xem dõi theo câu chuyện của một gia đình nghèo, hành nghề trộm vặt ở các cửa hàng. Họ là vợ chồng: Osamu Shibata -  Nobuyo, hai đứa con: Aki, Shota và người bà lớn tuổi.

Các gia đình trong phim của Hirokazu không bao giờ êm thấm, luôn ẩn chứa mâu thuẫn. Nhưng sau tất cả, tình thân, ruột thịt là cái kết nối các thành viên, là món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng. Như ông từng trải lòng trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân: “Gia đình phiền hà, nhưng vô giá”.

Cuộc sống của năm người phần lớn trông chờ vào đồng lương hưu của bà và rồi “bần cùng sinh đạo tặc”, Osamu cùng con trai nhỏ Shota “kiếm thêm” bằng nghề trộm vặt.

Kịch tính mở ra khi cha con Osamu tình cờ phát hiện hoàn cảnh đáng thương của bé gái 5 tuổi - Yuri - bị bạo hành, nên dẫn về nhà, thuyết phục cả gia đình nuôi Yuri. Chuyện éo le xảy ra khi cảnh sát phát hiện, bắt giữ và thẩm vấn những thành viên trong gia đình.

Shoplifters là lần thứ tư đạo diễn Hirokazu làm người xem rung động với chủ đề tình cảm gia đình. Ở Cannes năm 2004, Nobody knows của ông gây chú ý bằng câu chuyện thương tâm về bốn đứa trẻ từ 5-12 tuổi bị mẹ dần bỏ rơi, sau khi đi làm xa. Bọn trẻ phải tự mình xoay xở để tồn tại giữa thủ đô Tokyo, trong điều kiện nhà cửa không điện, không nước, không gas, bản thân không được đến trường, thậm chí không được ra khỏi nhà. 

Hirokazu Kore-eda: 'Gia dinh phien ha nhung vo gia'
Năm 2004, Hirokazu khiến người xem rơi nước mắt vì câu chuyện của 4 đứa trẻ trong Nobody knows

Nhịp phim chậm, không có xung đột hay những nút thắt - mở thường thấy, nhưng vẫn khiến tim người xem thắt lại, bởi tình cảm ấm áp của đám trẻ và sự tàn nhẫn, thờ ơ của xã hội trước những thân phận nhỏ bé. Ai có thể cầm lòng trước cảnh một đứa trẻ phải nhai giấy vì quá đói hoặc bỏ xác em vào va-li, lén lút mang đi chôn, để tránh tai mắt người xung quanh.

Bối ảnh trong phim của Hirokazu Kore-eda đa phần tù túng, chật chội, nhưng từ trong tăm tối, vẫn có một thứ ánh sáng trong vắt lóe lên: tình người, tình thương. Nhân vật trong phim của ông có thể chẳng ruột rà gì với nhau, nhưng sự gắn kết qua thời gian đã khiến họ xích lại gần nhau như một gia đình.

Still working - tác phẩm ra đời bốn năm sau Nobody knows vẫn khai thác đề tài gia đình, qua câu chuyện nhà Ryota Yokoyama - một họa sĩ chép tranh. Ryota lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn mang nặng ký ức đau buồn về đứa con trai họ kỳ vọng đã chết đuối vì cứu người. 

Giá trị gia đình luôn được Hirokazu đặt lên hàng đầu, như câu chuyện về ba chị em gái sẵn lòng cưu mang đứa em cùng cha khác mẹ, dù còn hận người cha đã bỏ bê mẹ con họ, trong Our little sister (2015), hay câu chuyện về tình phụ tử ấm áp bắt đầu bằng bi kịch nuôi nhầm con trong Like father, like son (2013).

Hirokazu Kore-eda: 'Gia dinh phien ha nhung vo gia'

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda nhận giải Cành cọ vàng

Ngoài cách truyền tải tinh tế tư tưởng đầy nhân văn về gia đình, phim của Hirokazu còn mang đến những giây phút khắc khoải về số phận người nghèo trong xã hội. Sự tồn tại của những nhân vật trong phim của ông hoàn toàn đối nghịch với bức tranh kinh tế hùng mạnh của đất nước Nhật Bản - đất nước luôn được ca ngợi có an sinh xã hội cao.

Shoplifters được khen vì đã chạm đến góc khuất của xã hội, nhất là “giải quyết mối quan hệ trong gia đình theo một cách chưa từng thấy”, như lời Eamon Bowles - chủ tịch Magnolia Pictures - đơn vị mua bản quyền phát hành phim khu vực Bắc Mỹ. 

Thành viên ban giám khảo - đạo diễn Denis Villeneuve - cho biết, cả hội đồng nhất trí vinh danh bộ phim vì những trải nghiệm cảm xúc vô cùng sâu sắc. Trưởng ban giám khảo, Cate Blanchett, bày tỏ: “Phim hoàn toàn đốn gục tâm trí chúng tôi”.

Cùng với những đồng nghiệp cùng thời như Makoto Shinozaki, Shinji Aoyama, Naomi Kawase, Nobuhiro Suwa... Hirokazu Kore-eda được xếp vào “làn sóng đạo diễn mới của điện ảnh Nhật”.

Mối duyên giữa ông với điện ảnh được khơi mào từ mẹ ông - người không bỏ sót phim nào của các cô đào Ingrid Bergman, Joan Fontaine, Vivien Leigh… chiếu trên truyền hình.

Trailer Shoplifters

Hirokazu Kore-eda bắt đầu sự nghiệp làm phim vào cuối thập niên 1980, với vai trò trợ lý đạo diễn. Ông làm phim về những con người khốn khó vì đã có thời gian dài gắn bó với họ, khi thực hiện những bộ phim tài liệu cho đài truyền hình, về những người sống bên lề xã hội. 

 Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI