Giang Trang: 'Tôi là người hát nghiệp dư có tư tưởng'

17/12/2018 - 06:00

PNO - Giang Trang là người có thể 'trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất' nhưng chưa bao giờ mong muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Chị thích tham dự vào âm nhạc bằng vị trí của một người nghiệp dư có tư tưởng hơn.

Vài năm trước, ở  L’Espace Hà Nội, tôi đã bị “dán mắt, dán tim” vào sân khấu tối giản của đêm nhạc Nguyệt hạ. Trong vùng ánh sáng đẹp và tĩnh lặng đó, đối thoại với tiếng guitar của Lê Thu, tiếng sáo của Lê Thư Hương, giọng hát Giang Trang nổi lên như một “dòng suối uốn quanh” bảng lảng, mênh mang trong không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn.   

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'
 

Giang Trang là người có thể “trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất” nhưng chưa bao giờ mong muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Chị thích tham dự vào âm nhạc bằng vị trí của một người nghiệp dư có tư tưởng hơn. Thế nhưng, khép lại hành trình đi tìm chân dung âm nhạc Trịnh Công Sơn suốt bảy năm qua, bằng đêm nhạc Nguyệt hạ 2 vừa diễn ra tại Hà Nội, Giang Trang nói, đây là lần đầu tiên, chị có cảm giác muốn hát.

Lần đầu có cảm giác muốn hát

Phóng viên: Nhớ có lần, chị nói chưa bao giờ thích hát, chỉ vì quá yêu âm nhạc nên mới bước vào con đường này. Giờ đây, sau nhiều năm đi hát, chị lại có cảm giác muốn hát. Vì sao lại có thứ cảm giác ấy?

Giang Trang: Từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình là một người thích hát. Vì tôi quá yêu âm nhạc nên muốn đến với âm nhạc, vào vai một người hát để kết nối, để thể nghiệm một cuộc chơi và thể hiện tư tưởng của mình. Nhưng đến đêm nhạc này, khi hành trình thể nghiệm với không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn đang dần khép lại, khi sức khỏe cũng không tốt lắm, tôi lại có cảm giác muốn hát.

Có lẽ vì đây là đêm nhạc cuối với nhạc Trịnh chăng? Tôi không hợp lắm với đám đông nhưng lần này, trước mắt tôi, đám đông hay một người không còn quan trọng nữa; thay vào đó, là nội tại của mình. Tôi đã tự hỏi mình có cảm nhận được mình phải hát bằng mọi cách hay không? 

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'

* Cảm giác đó đến khi chị hát ca khúc nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? 

- Chính là bài Bay đi thầm lặng. Khi đó, tôi ngồi xuống, chống tay, nhìn thẳng xuống khán giả và cảm thấy làm ca sĩ cũng… hay phết. Có lẽ tôi đã đi một hành trình khá trọn vẹn và hạnh phúc với âm nhạc. Nói như vậy không có nghĩa, sau lần này, tôi muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Tôi muốn làm những điều mình thích trong âm nhạc, trên một cuộc chơi tinh thần. Có thể, sau Trịnh Công Sơn, tôi sẽ tiếp tục một cuộc thể nghiệm khác, với một chân dung âm nhạc khác nhưng chưa bao giờ tôi có ý muốn trở thành ca sĩ. 32 tuổi, tôi mới bắt đầu cuộc thử nghiệm với âm nhạc Trịnh Công Sơn và ngay từ Lênh đênh nhớ phố, tôi đã xác định con đường mình sẽ đi.

* Giang Trang lúc nào cũng nhận mình là “kẻ ngây ngô”, là kẻ nghiệp dư như thế ư? Suốt hành trình bảy năm bền bỉ, để làm một cuộc thể nghiệm chỉ với một chân dung âm nhạc, có thể thấy, chị đã đưa vào đó toàn bộ đời sống tinh thần của mình…

- Về nghĩa đen, tôi luôn nhận mình là người “amateur”. Tôi không được đào tạo bài bản, cũng không dư dả thời gian để tập trung quá nhiều cho âm nhạc; nên tôi chọn cách giữ tình cảm của một người hát “amateur” để hiểu sự tự nhiên trong âm nhạc của một người viết “amateur” như Trịnh Công Sơn.

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'

Sự quyến rũ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn nằm ở sự tự nhiên. Cách nhả từ, giai điệu gần gũi với tâm thức của người Việt là biệt tài của ông ấy. Phải phổ quát như thế nào thì mới có một đám đông công chúng lớn, công chúng của nhiều thời như thế. Với ca khúc Trịnh Công Sơn, ở cuộc thử nghiệm này, tôi chọn lối hát thẳng, gần với hát nói, mang tính tự sự, không trau chuốt cũng không luyến láy quá, không bắt mình đi vào thế giới học thuật nhiều.

Tôi hát trong tâm thế chẳng buồn chẳng vui nhưng đủ thông điệp trong bài hát để chia sẻ, gửi trao... Tôi muốn xem thử, với một người nghiệp dư, một người đứng bên ngoài chuyên môn âm nhạc, chỉ có tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ cá nhân thì khả năng thuyết phục của mình như thế nào. Tôi nghĩ, đó cũng là một hành trình thú vị.

* Tôi muốn hỏi chị tâm trạng của một người đã đi đến chặng cuối của cuộc hành trình? 

-  Có lẽ, tôi là người may mắn khi tìm thấy những người đồng hành trong cuộc thử nghiệm này nên hành trình kết thúc sớm hơn dự định. Nhẹ nhõm, hạnh phúc. Tôi nghĩ năm đêm nhạc là đủ. Nếu làm, cũng chỉ là sự phát triển thêm từ góc nhìn của mình. Lúc đầu, tôi đặt ra con số năm, gắn với năm lối thách thức để biểu đạt âm nhạc và nhìn lại, hành trình đã có tất cả các thử nghiệm. 

 Giang Trang hát Mưa hồng:

Nhạc Trịnh có phải là di sản?

* Chân dung âm nhạc Trịnh Công Sơn dần hiện lên như thế nào qua năm đêm nhạc đó?

- Từ thời 18 tuổi, tôi đã hát nhiều loại nhạc của nhiều nhạc sĩ khác nhau. Thế nhưng, khi chạm vào ca khúc Trịnh Công Sơn, tôi lại có cảm giác muốn rũ bỏ hết vấn đề học thuật và kỹ thuật sang một bên. Tôi tự hỏi, vì sao nhân vật này đi qua được lằn ranh của nhiều thời?

Ngoài việc đó là thứ âm nhạc hay ho và quyến rũ, tôi từng tự hỏi một câu hỏi hoàn toàn mang tính cá nhân, liệu những ca khúc của ông có thể coi là di sản không? Nếu có, thì nó phải có sự kế thừa ở góc độ văn hóa, tình cảm. Tất cả những gì được xem là di sản, nói cho cùng, phải chạm vào một điều gì chung nhất trong đời sống tình cảm của con người. Trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn, tôi nhìn thấy tính kế thừa về mặt thời gian; ông còn là người vẽ và viết rất giỏi về nỗi niềm thân phận. Con người ở thời kỳ nào cũng đối diện với tất cả cảm xúc đó.

Chính những điều ấy tạo nên sức sống lâu dài cho ca khúc của ông. Bây giờ, các bạn trẻ cũng hoàn toàn có thể làm ra một thể thức, một không gian âm nhạc khác. Quan trọng là khi bước vào không gian âm nhạc, bước vào thế giới ca khúc ấy, họ ứng xử ra sao, có đồng sáng tạo được không. Nếu họ cho rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn quá đơn giản, không có gì để làm thì không thể nào bước vào cõi riêng đó được; bởi Trịnh Công Sơn là một cõi riêng.

Nếu bước vào, tôn trọng, không định kiến, biết nâng niu những góc nhìn của ông, đặt đúng cảm xúc, tự nhiên sẽ thấy nó đẹp. Tâm hồn đó đi giữa mọi người, nói những câu chuyện mà kiếp người cảm thấy. Nói theo lối hiện đại, nó gần với các ca khúc phương Tây nhưng được viết nên bởi thứ tiếng Việt rất giỏi, không trúc trắc. Sự giản dị trong giai điệu là sự giản dị có thẩm mỹ. 

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'
 

* Chị nói âm nhạc Trịnh Công Sơn là một cõi riêng. Trong vị trí đồng sáng tạo, hẳn Giang Trang cũng đã tìm thấy được cõi riêng cho mình?

- Tôi đứng ở vai trò kết nối các nghệ sĩ, tạo ra cuộc chơi đó. Suốt hành trình bảy năm, tôi cũng đặt mình vào vị trí một người thử nghiệm khi người ta cho rằng, rất khó làm mới nhạc Trịnh Công Sơn. Khi có ý định làm Hạ huyền 1, tôi gửi kế hoạch cho Viện Goethe, họ bảo, Trịnh Công Sơn không có gì để làm được nữa.

Sau đó, tôi làm một đêm nhạc ở Chula, ông giám tuyển Liên hoan nhạc Jazz châu Âu tại Hà Nội năm đó bảo: “Tôi xin lỗi chị, tôi không nghĩ đây là âm nhạc viết trên ca khúc của Trịnh Công Sơn”. Sau đó, Hạ huyền 1 được mời chơi ở Viện Goethe, mở màn lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt.

Liên hoan nhạc Jazz châu Âu cũng ngỏ lời nhưng tiếc là tôi không tham gia được. Ý tôi muốn nói ở đây, sự sáng tạo là không giới hạn. Bản thân tôi là người kết nối, cũng là người mạnh dạn. Tất nhiên, giữ mình ở vị trí amateur, tôi có quyền thử nghiệm mà không sợ phán xét. Ngay cả vị trí amateur đó, tôi cũng muốn là kẻ amateur có tư tưởng.

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'
 

Sau Trịnh Công Sơn, có lẽ là… Văn Cao

* Người ta hay lấy luôn tên ca khúc của Trịnh Công Sơn để đặt tên album, tên chương trình. Giang Trang thì khác. Tôi rất ấn tượng với những cái tên mang tính biểu tượng như Hạ huyền, Nguyệt hạ…   

- Người ta hay bị một tư duy… lười. Khi mặc định âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ hay ở mặt ngôn từ, họ luôn dùng chính tên ca khúc của ông để đặt tên chương trình, album. Có lẽ, tôi là số ít người không dùng lại từ của ông để đặt tên cho chương trình của mình. Khi làm đêm nhạc đầu tiên, ý thức được hai không gian rất rõ trong thế giới âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh là dòng sông (không gian tự sự) và phố (không gian hẹn hò), tôi đã lấy ra để làm thành tựa Lênh đênh nhớ phố.

Sau đó, tự thấy mình phải đi xa hơn về mặt đồng cảm với thế giới âm nhạc ấy, phải thể hiện bằng từ ngữ hoặc ý niệm của mình, cuối cùng, tôi chọn các pha của mặt trăng. Bản thân Hạ huyền là một pha tối từ ngày 21. Mặt trăng vẫn tròn đầy cũng như âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn thế, nhưng mình vẫn nên tìm những vẻ đẹp khác trong âm nhạc của ông mà mình muốn khám phá. Tương tự, Nguyệt hạ, cũng là pha tối của mặt trăng theo một cách như thế.

* Hình như xuyên suốt hành trình này là hình ảnh ánh trăng? Bóng nước lênh đênh trong Lênh đênh nhớ phố, thực ra cũng chính là trăng lênh đênh mà thôi…

- Phương đông có Lý Bạch, cả cuộc đời chơi với trăng và chết cũng vì trăng. Mặt trăng là âm tính, gần với nghệ thuật. Thiền tông cũng dùng ngón tay chỉ trăng, rất hư không. Đó là một kiểu thiện cảm, cũng là cách diễn tả ưu phiền của mình trên con đường đi tìm chân dung Trịnh Công Sơn. Hiểu về ông là một điều không dễ dàng. Phải lao động tinh thần thực sự. Nhạc của ông vừa gần gũi vừa xa xôi, khó hiểu - như mặt trăng vậy.

Giang Trang: 'Toi la nguoi hat  nghiep du co tu tuong'
 

* Giờ mà hỏi về cuộc thử nghiệm tiếp theo có vẻ hơi mơ hồ, nhưng ngoài Trịnh Công Sơn, chị có hứng thú với chân dung âm nhạc nào khác?

- Ngoài Trịnh Công Sơn, tôi cũng rất thích âm nhạc của Văn Cao. Đó là một người có tư tưởng, có nội lực đặc biệt; tôi nhìn thấy trong âm nhạc của ông có gì đó liêu trai theo kiểu rất đặc trưng của Hà Nội một thời. Màu sắc mộng mị, bay bổng, chất liệu thi ca, hình ảnh, giai điệu, điển tích, điển cố… trong ca khúc của Văn Cao rất quyến rũ mà cũng rất hiện đại.

Những câu chuyện âm nhạc của ông vẫn hết sức mới mẻ, gần gũi với tâm thức con người ngày nay. Với những chân dung như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, chúng ta có nhiều chất liệu để sáng tạo. Tôi đang mong đủ duyên được gặp những nghệ sĩ phù hợp để có thể đi cùng mình trong hành trình thứ hai này.

Giang Trang hát Tình sầu:

Giang Trang: Nhạc Trịnh không phải là thứ âm nhạc yếm thế

Trốn trong âm nhạc thì phải đẹp. Cuộc đời làm gì có trọn vẹn vui, ở đây có niềm vui thì nơi kia có nỗi buồn. Những trải nghiệm tình cờ trong cuộc sống khiến tôi hiểu âm nhạc Trịnh Công Sơn hơn. Tôi không cho rằng đó là thứ âm nhạc yếm thế, không phải một thứ nhạc buồn. Vì thế, tôi hát nhẹ thôi, hát một cách thảnh thơi. Tư duy của tôi là nếu làm nghệ thuật thì phải trung thực với sự ngẫu nhiên, đừng tô vẽ, lấp liếm, không đánh bóng, kiễng chân, gồng mình. 

Trong những chân dung âm nhạc của tân nhạc, Trịnh Công Sơn là một người tài. Ông đi với một cách thức rất đại chúng. Mọi nơi, mọi miền văn hóa, nghe đông cũng được, nghe những khi một mình cũng được. Tôi nói điều này dưới góc độ một người quan sát, chứ không phải người dấn thân, quay lại tìm kiếm tư liệu cuộc đời, gặp gỡ gia đình, bạn bè ông ấy. Tôi nhìn thẳng vào chân dung tác giả thông qua tác phẩm của ông.

Bản ngã con người của Trịnh Công Sơn luôn là cặp phạm trù đối nghịch: trong vui có buồn, trong hân hoan có đau khổ, trong sáng có tối. Ông là người hiểu thân phận, hiểu cõi sáng tối, cõi được mất này. Trong âm nhạc của ông, đó là những phạm trù bình đẳng với nhau. Ông đi được ở giữa, cân bằng và là người ở lại. Người ta bảo âm nhạc Trịnh Công Sơn mang tính triết lý cũng đúng thôi nhưng điều quan trọng nhất, tôi nghĩ, cảm nhận của ông đối với đời sống và con người vô cùng tinh tế và sâu sắc.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

  Đậu Dung (thực hiện) 
 Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI