Gameshow Việt 2017: Bức tranh xấu xí và ‘lỗ hổng’ văn hóa

25/12/2017 - 07:53

PNO - Tỷ lệ thuận với sự gia tăng vượt trội về số lượng trong năm 2017 của gameshow Việt là những ồn ào, tranh cãi và thị phi khiến công chúng ngán ngẩm, nghệ sĩ lao đao...

Năm 2017 tiếp tục là một năm chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của gameshow giải trí trên sóng truyền hình với việc ra đời của hàng loạt các chương trình mới thuộc nhiều thể loại đa dạng. Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng vượt trội về số lượng thì trong năm qua, gameshow Việt cũng “sở hữu” không ít ồn ào, thị phi khiến công chúng ngán ngẩm, nghệ sĩ lao đao.

Gameshow về bolero vẫn chiếm sóng

Trong vài năm gần đây, dòng nhạc bolero đã chiếm lĩnh hầu hết các phân khúc giải trí từ âm nhạc khi hàng loạt các ca sĩ thử sức hát bolero và ra mắt sản phẩm thuộc dòng nhạc này... cho đến các gameshow về bolero cũng lũ lượt ra đời để bắt kịp trào lưu đó.

Nếu tính trên tổng số các gameshow ca nhạc năm nay thì chương trình thuần về bolero đã chiếm khoảng 80% thị phần, gồm một số cuộc thi như Solo cùng bolero, Tình Bolero, Người hát tình ca, Thần tượng Bolero, Cặp đôi hoàn hảo – Trữ tình và bolero, Người kể chuyện tình, Hãy nghe tôi hát...

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa
Gameshow về bolero vẫn thống trị trên truyền hình năm 2017

Ngoài ra, những gameshow âm nhạc như Tuyệt đỉnh song ca, The Voice, The Voice Kids, Vietnam Idol Kids, Ai sẽ thành sao, Ai sẽ thành sao nhí... hay các chương trình ở địa hạt khác như Kịch cùng bolero, Cười xuyên Việt, Én vàng, Gương mặt điện ảnh... cũng ra sức khai thác dòng nhạc đang rất được lòng công chúng gắn kết với chương trình. Tất cả đã tạo nên một sự bùng nổ mạnh mẽ gameshow về bolero trong năm 2017.

Với sự phát triển nhanh đến “chóng mặt” đó, trong năm 2017 hàng loạt các diễn viên, MC hay ca sĩ ở những dòng nhạc khác đã “lấn sân” và thử sức với bolero khi trở thành thí sinh tham gia tranh tài ở nhiều gameshow âm nhạc về bolero. Nhưng cũng từ đây, những tranh cãi về bolero, về chất lượng thí sinh lẫn giám khảo chấm thi gameshow bolero bắt đầu nổ ra và trở thành đề tài nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Điển hình là phát ngôn của nhạc sĩ Vinh Sử về NSƯT Hoài Linh khi nói rằng, Hoài Linh thì biết gì về nhạc, về bolero mà chấm thi gây bức xúc dư luận một thời gian. Có thể nói, với đà phát triển như hiện tại, sức nóng về dòng nhạc bolero trên truyền hình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục lan rộng trong năm 2018.

Trào lưu khai thác chuyện đời tư nghệ sĩ lên ngôi

Ngoài sự bùng nổ của gameshow về bolero trong năm 2017, khán giả truyền hình Việt còn chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của talkshow nhờ vào việc khai thác triệt để đời tư của nghệ sĩ nhằm kích thích sự tò mò cũng như thu hút sự quan tâm từ công chúng. Đây cũng được xem là một dạng gameshow giải trí thú vị được thể hiện dưới hình thức talkshow.

Trong đó, phải kể đến những chương trình đình đám như Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành, Gương hai chiều, Hát câu chuyện tình, Chuyện của sao... Với số lượng chương trình đã lên sóng, có thể thấy thể loại giải trí mới này đang nắm giữ khoảng 40% thị phần gameshow Việt trên truyền hình năm 2017.  

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Thế nhưng ra đời chưa bao lâu thì sự nở rộ của các talkshow dạng này đã vấp phải ý kiến trái chiều từ khán giả, trong đó người ủng hộ thì ít mà người phản đối lại nhiều. Việc cùng lúc xuất hiện hàng loạt các chương trình trò chuyện na ná nhau, khách mời trùng lắp và sự thiếu kiểm duyệt nội dung đã khiến gây nhiều ồn ào và bức xúc trong dư luận, thậm chí khán giả còn đòi tẩy chay một số chương trình.

Đa số công chúng cho rằng việc trưng bày, phanh phui chuyện đời tư, những góc khuất trong cuộc đời người nghệ sĩ để mua vui cho người xem, “câu view”... là điều không nên và vô tình khiến nghệ sĩ trở thành đề tài bán tán của dư luận. 

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Nguyên nhân gây tranh cãi thường xuất phát từ tính xác thực của mỗi câu chuyện cuộc đời mà người nghệ sĩ mang đến chương trình. Từ đó dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường sau khi chương trình phát sóng, thậm chí là kiện tụng lẫn nhau.

Điển hình là vụ lùm xùm giữa hai nghệ sĩ Lê Giang và Duy Phương mới đây sau khi những chia sẻ của Lê Giang về chồng cũ được công khai trong chương trình Sau ánh hào quang. Theo Duy Phương cho biết, Lê Giang đã nói nhiều chuyện không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của anh. Bức xúc trước hành động của vợ cũ và không hài lòng về khâu kiểm duyệt thông tin trước khi lên sóng, Duy Phương đã lên tiếng đính chính trên mặt báo, đồng thời gửi đơn kiện đài truyền hình TP.HCM cùng nhà sản xuất chương trình

Gameshow hẹn hò nở rộ, xu hướng tìm kiếm tình yêu công khai lên ngôi

Nếu như cách đây vài năm có rất ít các chương trình “se duyên” cho người chơi trên truyền hình thì năm 2017, hàng loạt những “ông tơ, bà nguyệt” đã ra đời như Xe buýt tình yêu, Nhà chung, Bạn muốn hẹn hò, Vì yêu mà đến, Yêu là chọn, Lựa chọn của trái tim... và tạo nên xu hướng tìm kiếm tình yêu một cách công khai.

Sự nở rộ của trào lưu này đã phần nào cho thấy văn hóa ngại ngùng khi xuất hiện trước công chúng để tìm kiếm “một nửa” hay nói lời tỏ tình của người Việt xưa nay là không còn nhiều, bởi đa phần những người chơi tham gia chương trình đều là các bạn trẻ với lối suy nghĩ phóng khoáng.

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Nhìn chung ngay tại thời điểm vừa ra mắt, đa phần các gameshow hẹn hò trên truyền hình đều hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều từ người xem. Chẳng hạn như trong gameshow Vì yêu mà đến, một số khán giả Việt chưa quen với chuyện con gái là người bày tỏ tình cảm và công khai thổ lộ, thậm chí là “cưa cẩm” chàng trai mình thích trên sóng truyền hình nên họ đã có những bình phẩm không hay về chương trình.

Hay mới đây nhất, công chúng bày tỏ sự không hài lòng chuyện người chơi bị hóa trang xấu xí quá đà, người nam ngồi vắt chân trên ghế để đưa ra quyết định lựa chọn bạn gái trong chương trình Lựa chọn của trái tim...

“Món ăn” mới lạ trong địa hạt gameshow Việt năm 2017 này được dự báo sẽ còn lan rộng và là xu hướng thời thượng của lĩnh vực giải trí trên truyền hình những năm tiếp theo.

"Xài chùa" tác phẩm trong gameshow Việt

Thẳng thắn mà nói, thực trạng “xài chùa” tác phẩm đã tồn tại từ lâu và diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Và trong năm 2017, khi gameshow giải trí bùng nổ, kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm nghệ thuật như ý tưởng kịch bản, nhân vật, âm nhạc... để đưa vào tiết mục trong chương trình nhưng lại “quên” trả tiền bản quyền, tác quyền hay thậm chí chưa xin phép tác giả.

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Điển hình là sự vụ diễn viên Gia Bảo mượn nội dung vở Tía ơi má dìa và hình ảnh nhân vật do NSƯT Thành Lộc thủ vai nhưng không xin phép Thành Lộc và sân khấu Idecaf – đơn vị sở hữu bản quyền tác phẩm, để biểu diễn trong chương trình Sao nối ngôi 2017 đã khiến NSƯT Thành Lộc vô cùng bức xúc. Hay gần đây nhất là tiết mục của một thí sinh trong chương trình Thử tài siêu nhí được nghệ sĩ Bình Tinh dàn dựng và chuyển thể lại từ bộ phim điện ảnh Lô tô nhưng chưa hỏi qua ý kiến nhà sản xuất phim cũng vướng phải sự bất bình từ đơn vị sở hữu bản quyền.

Trước những ồn ào vi phạm của nghệ sĩ về vấn đề bản quyền, tác quyền tác phẩm, đài truyền hình – đơn vị cho phép phát sóng chương trình chỉ giữ trạng thái im lặng mà không lên tiếng phản hồi, nhận trách nhiệm hay giãi bày các sự vụ liên quan.

Gameshow làm phát lộ những lỗ hổng về văn hoá ứng xử của người làm nghề

Có thể nói năm 2017, công chúng đã chứng kiến nhiều “lỗ hổng” về văn hóa ứng xử giữa những người làm nghệ thuật và sự “thoái trào” đạo đức của một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay. Điều này không chỉ mang đến cho khán giả cái nhìn tiêu cực về gameshow nói riêng và làng giải trí Việt nói chung.

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Sự vụ ồn ào nhất liên quan đến văn hóa ứng xử của nghệ sĩ và khiến báo giới tốn không ít giấy mực chính là việc ca sĩ Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân khiến nam diễn viên tức giận bỏ về trong gameshow Siêu sao đoán chữ. Hành động của Hương Giang Idol bị dư luận tại thời điểm đó chỉ trích thậm tệ và gọi đó là sự “vô học của người trẻ”.

Dù có lên tiếng xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân và khán giả về cách ứng xử kém của mình nhưng Hương Giang Idol khó có thể khiến người hâm mộ quên đi sai phạm này. Không chỉ Hương Giang phải hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng mà cả gameshow Siêu sao đoán chữ cũng bị khán giả quay lưng sau đó.  

Trước đó vào khoảng đầu năm 2017, khi dư luận phản ứng mạnh mẽ về thực trạng hài nhảm bát nháo trong nhiều gameshow hài thì MC Trấn Thành đã lên tiếng nói rằng "khán giả ai không thích xem hài nhảm thì hãy tắt tivi". Phát ngôn này của Trấn Thành đã nhanh chóng hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ công chúng. Nhiều người nhận định rằng câu nói trên thể hiện sự coi thường khán giả của Trấn Thành và cho biết nam MC đã quá cao ngạo.

Sự việc này khiến Trấn Thành phải đối diện với nguy cơ đẩy sự nghiệp xuống bờ vực thẳm khi Giám đốc đài truyền hình Vĩnh Long cho biết sẽ hạn chế phát sóng các chương trình truyền hình có sự xuất hiện của Trấn Thành.

Gameshow Viet 2017: Buc tranh xau xi va ‘lo hong’ van hoa

Bên cạnh đó, “lổ hổng” về văn hóa ứng xử của người làm nghề còn được thể hiện qua những ồn ào tranh chấp quyền lợi cá nhân khi cùng tham gia một chương trình truyền hình giữa các nghệ sĩ.

Có thể điểm qua vài trường hợp thu hút sự quan tâm của công chúng như việc ca sĩ Hồ Quỳnh Hương bỏ ghế nóng và rút lui đột ngột khỏi vai trò giám khảo trong cuộc thi âm nhạc Be a star – Bạn là ngôi sao vì... không được ngồi vị trí ở giữa các giám khảo còn lại.

Hay tin đồn Hồ Ngọc Hà chèn ép Minh Hằng để giành ghế nóng tại The Face đã phần nào phản ánh rõ nét sự ganh đua ngầm đầy khốc liệt giữa các nghệ sĩ khi thương hiệu cá nhân được đặt trên tất cả và việc “bằng mặt không bằng lòng” là sự thật xấu xí đang tồn tại trong showbiz Việt nhiều năm qua.

Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI