Dương Triệu Vũ ‘tố’ Phương Dung: 'Tiếng bấc ném qua...' hay văn hóa tiếp nhận lời chê

21/10/2018 - 18:58

PNO - Việc ‘tiếng bấc ném qua tiếng chì ném lại’ giữa ca sĩ Phương Dung, Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ mới đây một lần nữa phơi bày mặt trái xấu xí của văn hóa tiếp nhận lời chê, cũng như cách ứng xử trên MXH.

 Mất lòng vì... lời thật

Tối 16/10, chương trình Tuyệt đỉnh song ca 2018 đã khép lại, đội của Đàm Vĩnh Hưng - Dương Triệu Vũ chỉ đoạt Á quân, cùng lời nhận xét của giám khảo Phương Dung về tiết mục biểu diễn rằng đây không phải là tiết mục khó, “không có chỗ diễn”. 

Sau 2 mùa liên tiếp đưa đội mình trở thành Quán quân với cơn mưa lời khen, thì lời nhận xét của ca sĩ Phương Dung lần này có vẻ đã khiến 2 huấn luyện viên Dương Triệu Vũ - Đàm Vĩnh Hưng “rát mặt”.

Duong Trieu Vu ‘to’ Phuong Dung: 'Tieng bac nem qua...' hay van hoa tiep nhan loi che
Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ hát cùng hai học trò trong đêm chung kết Tuyệt đỉnh song ca 2018

Tiết mục Thương quá Việt Nam của đội Dương Triệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng:

 

Dương Triệu Vũ ngay lập tức “bật” lại: “Hình như cô có thành kiến với chúng tôi và chê tiết mục này không có yếu tố khó để đi thi... Có lẽ cô hơi thiên vị hoặc nói thẳng ra là không ưa chúng tôi”. Nam ca sĩ cũng nghi ngờ khả năng chuyên môn của tiền bối, cho rằng ca sĩ Phương Dung không hiểu được tính chất của phong cách acapella.

Khi ca sĩ Phương Dung có sự phản hồi với công chúng về thái độ này, ngay lập tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vào cuộc. Dĩ nhiên, đối tượng bị anh công kích là ca sĩ Phương Dung. 

Duong Trieu Vu ‘to’ Phuong Dung: 'Tieng bac nem qua...' hay van hoa tiep nhan loi che
Phương Dung ngồi ghế giám khảo chung kết Tuyệt đỉnh song ca 2018 cùng với nhạc sĩ Đức Huy, ca sĩ Ngọc Sơn.

Một cách nào đó, văn hóa tiếp nhận lời chê có lẽ vẫn còn là điều xa xỉ trong showbiz Việt. Câu chuyện khiến nhiều người nghĩ đến nhận xét của nhạc sĩ Dương Cầm dành cho ca sĩ Miu Lê trong một chương trình gần đây, sau đó trở thành ngòi nổ cho một cuộc công kích nhau ngoài đời thực với những từ ngữ thoá mạ rất khó tin là xuất phát từ những người trong môi trường văn hóa. 

Và cũng mới đây, một đạo diễn sân khấu giãy nảy, dùng không ít từ ngữ khó chịu khi tác phẩm của chị trong một liên hoan bị chê. Hay một đạo diễn điện ảnh không ngần ngại quy chụp cho người đã chê phim của mình rằng “chắc vì không được mời đi xem phim”… 

Trở lại với trường hợp của Dương Triệu Vũ - Đàm Vĩnh Hưng, điều đáng nói ở đây là hai ca sĩ này cũng từng làm giám khảo của nhiều chương trình, nghĩa là hoàn toàn hiểu về trách nhiệm của một người ngồi trên ghế nóng với sự cần thiết của lời nhận xét thẳng thắn, không vị nể, không kiêng dè.

Đó là chưa kể, việc tham lam, nhờ sự hỗ trợ của dàn khách mời đông đảo gồm: nhóm 5 Dòng kẻ, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy, ca sĩ Thụy Vũ, Thiên Vương nhóm MTV cho tiết mục của đội mình, chỉ khiến tiết mục mang một bề ngoài hoành tráng nhưng lại thiếu đi cơ hội tạo sức bật cho các thí sinh, đã được ngay cả khán giả cũng nhìn thấy.

Có lẽ đây cũng là tâm lý chung của những “ông hoàng, bà chúa” trong làng giải trí Việt. Họ sẵn sàng giãy nảy khi nhận những bình luận không tích cực cho tác phẩm của mình. 

Duong Trieu Vu ‘to’ Phuong Dung: 'Tieng bac nem qua...' hay van hoa tiep nhan loi che
Tranh cãi của nhạc sĩ Dương Cầm và ca sĩ Miu Lê trong chương trình Sao đại chiến cho thấy sự hạn chế trong văn hoá tiếp nhận lời chê của nghệ sĩ Việt.

Đầu năm nay, Lệ Quyên bị nhạc sĩ Vinh Sử chê thẳng về cách hát bolero. Thế nhưng, cách ứng xử của nữ ca sĩ hoàn toàn trái ngược. “Mỗi người đều có quan điểm riêng, ngay cả khán giả bình thường cũng có người thích hoặc không thích, chứ đừng nói một tác giả gạo cội như chú Vinh Sử” - Lệ Quyên cho biết. 

Không phải ai cũng làm được điều này nếu mất đi sự bình tĩnh và đặt cái tôi lên trên quy tắc ứng xử thông thường. Sau một cuộc chơi, Phương Dung với Dương Triệu Vũ còn là đồng nghiệp, tiền bối - hậu nhân. Phản ứng của Dương Triệu Vũ vừa qua phần nào cho thấy sự thiếu bản lĩnh của nam ca sĩ.

Mạng xã hội: Vùng trũng của văn hoá ứng xử!

Việc lời qua tiếng lại có lẽ đã không xảy ra nếu ngay từ đầu Dương Triệu Vũ chọn cách phản biện trực tiếp và đối mặt, chứ không trút sự bức xúc của mình trên mạng xã hội. 

Khi thắc mắc, Dương Triệu Vũ có quyền đi tìm câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, anh quên mất rằng đáp án không nằm ở mạng xã hội với những từ ngữ có phần nặng nề. Đó là chưa kể, rất nhiều câu chuyện đã trở nên xấu đi khi được mang lên mạng xã hội vì bị sự can thiệp của bên thứ ba: dư luận. Người bênh vực thần tượng, kẻ hả hê thóa mạ, chỉ trích bên còn lại… 

Trước đó, nhiều điều thị phi giữa các nghệ sĩ đều xuất phát từ mạng xã hội. Duy Mạnh và Tuấn Hưng từng có màn đá xéo gay gắt bắt nguồn từ chia sẻ của Tuấn Hưng. Tháng 6/2015, Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê cũng lời qua tiếng lại trên Facebook về chuyện giành "gà". Hương Tràm đăng đàn tố Thu Minh vào năm 2013 khiến sự việc ầm ĩ một thời gian dài... 

Sau đoạn chia sẻ tố Phương Dung, Dương Triệu Vũ lại tiếp tục thanh minh, chỉ trích những người xen vào câu chuyện nhưng không đứng cùng chiến tuyến với mình.

Duong Trieu Vu ‘to’ Phuong Dung: 'Tieng bac nem qua...' hay van hoa tiep nhan loi che
Việc Dương Triệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng dùng mạng xã hội để "tố", phản pháo ca sĩ Phương Dung không phải là lựa chọn thông minh.

Những mâu thuẫn chất chồng, khó giải quyết khiến các mối quan hệ giữa nghệ sĩ ngày càng xấu đi. Riêng chuyện của Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê chỉ khi ngồi lại trực tiếp, mâu thuẫn mới được hoá giải. Bài học từ đàn anh thân thiết - cùng ngồi ghế giám khảo, Dương Triệu Vũ đã không kịp nhớ trước khi có động thái trên. Mất một mối quan hệ sau một cuộc vui, cái giá không rẻ cho sự nóng vội của nam ca sĩ. 

Cũng như cho rằng, đã qua rồi cái thời người lớn nhận định thì người nhỏ chỉ có thể “dạ vâng” mà không có quyền phản biện, nên mình hoàn toàn có quyền “cãi” lại nhận xét của Phương Dung, nhưng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ quên mất rằng phản biện cũng cần phải có văn hoá, và văn hoá đó trước tiên nằm ở chỗ phải đúng không gian. Mạng xã hội chưa bao giờ là không gian “đúng” đó. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI