Đường sách TP.HCM: Sẽ là gì nếu không chú trọng văn hoá đọc?

16/01/2019 - 15:00

PNO - Khác với định hướng thúc đẩy văn hóa đọc ban đầu, Đường sách TP.HCM đưa ra nhiều mục tiêu phát triển mới, trở thành điểm đến văn hóa. Tuy nhiên, nếu không chú trọng văn hóa đọc, liệu mô hình đường sách còn ý nghĩa gì?

Đường sách TP.HCM bước sang tuổi lên 3 với con số doanh thu cao, những hoạt động ấn tượng. Sau mỗi năm, con số đó tăng dần dù năm 2018, tỉ lệ tăng không vượt bậc như 2017 so với 2016. Nhưng tựu trung, hiệu quả vẫn tăng và Đường sách có quyền lẫn trách nhiệm phải nghĩ tới những mục tiêu cao hơn.

Ông Lê Hoàng- Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - cho biết Đường sách hiện không thể chỉ chú trọng vào việc bán sách, các hoạt động giao lưu mà “phải chú trọng đến mục tiêu cao hơn là con người – nhân văn, là sự nâng tầm từ không gian văn hóa đọc trở thành không gian văn hóa”. Ông khẳng định văn hóa đọc là mục tiêu ban đầu nhưng sau 3 năm, không thể chỉ tập trung vào mỗi mục tiêu đó mà phải đặt ra các cột mốc khác để phấn đấu.

Duong sach TP.HCM: Se la gi neu khong chu trong van hoa doc?
Đường sách ở tuổi lên 3 vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhẹ về mặt doanh thu. Trong năm 2018, Đường sách đã thu về 39,84 tỷ đồng (năm 2016 là 26,4 tỷ đồng, năm 2017 là 39,51 tỷ đồng)

Mỗi thời điểm có những thử thách khác nhau, chưa kể Đường sách từ một mô hình chỉ nằm trên bàn giấy, mạo hiểm thực hiện và giờ, sau 3 năm trở thành một điểm đến không thể thiếu với du khách ở khu vực trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Đường sách hiện vẫn chưa đúng tầm như kỳ vọng. Đường sách đặt mục tiêu cao hơn trong khi những tồn tại vẫn còn, khác gì diều muốn bay nhưng dây thì vướng?

Theo bà Quách Thu Nguyệt- Phó giám đốc Đường sách TP.HCM- hiện Đường sách kín lịch hoạt động, trung bình có từ 3 – 4 sự kiện/tuần. Sự dày lịch cũng dẫn đến những bất cập về diện tích lòng đường. Đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn khi không gian đọc cần sự yên tĩnh thì những âm thanh từ chương trình giao lưu, ca hát, ký tặng sách ồn ã vang lên. Chưa kể nhiều đơn vị thiết kế gian hàng ngay giữa lòng đường để bán những thứ ngoài sách như túi vải, kẹp nơ, cài tóc, quà lưu niệm... nên nhìn chung không gian Đường sách cứ như một điểm bán hàng dành cho khách du lịch

Duong sach TP.HCM: Se la gi neu khong chu trong van hoa doc?
Những quầy sách được bày bán giữa lòng đường mỗi dịp có hoạt động liên quan, nhưng ngoài sách còn có quà lưu niệm, túi vải, kẹp cài...

Người ta kháo nhau nếu muốn biết không khí Đường sách thật sự thì đừng đến vào dịp cuối tuần. Các ngày đầu tuần sẽ là sự lựa chọn tốt để ngắm dòng người qua lại, để thư thả đọc sách mà không bị âm thanh ồn ào làm phiền, không phải chen lấn ở khu vực sân khấu trung tâm.

Nếu trong 2 năm đầu, đến Đường sách để đọc sách là một lựa chọn hợp lý vì nơi đây chưa trở thành điểm đến của các đoàn khách du lịch ngoại quốc đông đảo; chưa mở thêm những không gian công cộng như khu vui chơi cho trẻ em... thì sang năm thứ 3, không gian dành cho văn hóa đọc nơi đây đã bị chia 5 sẻ 7 cho những hoạt động khác. 

Duong sach TP.HCM: Se la gi neu khong chu trong van hoa doc?
Không gian cà phê vài dịp giữa tuần. Vào cuối tuần, khách sẽ đông hơn và vào giờ trưa mỗi ngày, bàn ghế sẽ được kê thêm để bán đồ ăn trưa.

Đường sách kê thêm vài hàng ghế để du khách dừng chân, nhưng các ngày cuối tuần luôn chật kín người ngồi. Hai không gian cà phê cũng hoạt động hết công suất ngày cuối tuần. Âm thanh từ những nhóm du khách ngoại quốc dội sang, âm thanh từ vài ca khúc văn nghệ mở màn chương trình giao lưu dội ngược lại, như một hội chợ.

Duong sach TP.HCM: Se la gi neu khong chu trong van hoa doc?
Không gian lòng Đường sách được sử dụng cho những buổi triển lãm, trưng bày

“Đường sách TP.HCM phải là không gian khiến người ta vào đó cảm thấy nhẹ nhàng, suy nghĩ được những điều tốt đẹp. Đây là không gian sâu lắng, đi vào chiều sâu, thuộc về tâm hồn, về văn hoá nên chúng ta tránh những hoạt động ồn ào, không phù hợp với không gian đường sách. Mặc dù, khi tổ chức các sự kiện khó lòng tránh khỏi nhưng cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất. Một gia đình người ngoại quốc vào quán cà phê, khi âm thanh từ sân khấu bật lên, họ đứng dậy và đi nơi khác”, ông Đặng Hữu Vinh- Phó trưởng đại diện văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông - nói.

Bên cạnh đó, dù nhiều lần điều chỉnh, nhưng  Đường sách vẫn còn một số hạn chế về bãi giữ xe, nhà vệ sinh, gặp khó trong việc ngăn cấm người hút thuốc... Trong thời gian tới, những khó khăn về mặt chủ quan lẫn khách quan được ban quản lý Đường sách hứa hẹn sẽ khắc phục bằng việc thương thuyết với nhiều đơn vị/cá nhân liên quan. Nhưng, xem ra những vấn đề trên cũng chưa được cải thiện tuyệt đối.

Duong sach TP.HCM: Se la gi neu khong chu trong van hoa doc?
Những tiết mục văn nghệ thường xuyên diễn ra trong mỗi sự kiện, dù khó tránh nhưng nếu không hạn chế tiếng ồn, sẽ ảnh hưởng đến không gian văn hoá đọc

Đường sách TP.HCM ở tuổi lên 3 nghĩ về những định hướng sắp tới, đương nhiên, mục tiêu phải càng cao để mỗi năm phát triển hơn nhưng nếu hoạt động cốt lõi vẫn chưa làm tốt thì mơ xa ắt khó thành hiện thực. Xây dựng không gian văn hoá đọc phải được chú trọng hơn nữa bên cạnh những hoạt động thu hút du khách đến với Đường sách, để đây không chỉ là nơi chụp hình, uống cà phê, tán gẫu mà còn là không gian lý tưởng cho việc xem - mua - đọc sách.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI