Diễn viên múa Đỗ Hoàng Khang Ninh: phải tỏa sáng ngay từ sàn tập

03/03/2019 - 13:00

PNO - 20 tuổi, Đỗ Hoàng Khang Ninh là một trong những diễn viên trẻ nhất của đoàn Vũ kịch Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO), được đánh giá là ngôi sao đầy triển vọng

Không phải con nhà nòi nhưng Khang Ninh yêu múa lạ kỳ. Sau một năm học lớp múa năng khiếu, tám tuổi, Khang Ninh vào hệ trung cấp sáu năm ở Trường múa TP.HCM. Cô bé tám tuổi ngày ấy không chịu bỏ một buổi học nào, kể cả khi đau bệnh không tập được vẫn nhờ ba chở đến lớp xem các bạn tập vì không muốn bị mất bài. 

Choáng ngợp với mọi thứ 

Phóng viên: Không phải “con nhà nòi”, tại sao Khang Ninh lại yêu múa đến như vậy?

Diễn viên múa Đỗ Hoàng Khang Ninh: Hồi tôi 7 tuổi, trong lớp của tôi có vài bạn được ba mẹ cho đi học múa. Thấy vậy, tôi bắt chước, về xin ba cho đi học múa ballet. Khi con gái tha thiết muốn học múa, lại là múa ballet, cha tôi đã chạy khắp nơi tìm chỗ cho con học. Từ đó đến nay, cha mải miết đồng hành cùng tôi trong từng buổi tập và từng show diễn để giờ đây tôi được bay nhảy cùng những điệu múa, được xúc động với tình cảm của khán giả sau mỗi đêm diễn.

Dien vien mua Do Hoang Khang Ninh: phai toa sang ngay tu san tap

Biết cơ thể là cực kỳ quan trọng đối với diễn viên múa nên cha luôn đưa đón, không cho tôi chạy xe để giảm nguy cơ té ngã. Không sinh ra là con nhà nòi cũng được, thậm chí không ủng hộ cũng được, miễn là cha mẹ đừng ngăn cản con cái sống với ước mơ của mình.

Còn nhớ thời tôi mới vào trường múa, lớp học cho con nít chỉ dạy ép dẻo và một số tư thế cơ bản. Lúc đó tôi còn nhỏ quá, chưa biết đúng sai, đẹp xấu trong múa, chỉ biết mình đặc biệt thích ép dẻo nên luôn đi học đúng giờ để không bỏ lỡ 30 phút ép dẻo đầu giờ học. Cho tới bây giờ, tôi vẫn thích cảm giác đau khi ép dẻo mà không hiểu vì sao. Một tuần tập sáu buổi, tôi không muốn bỏ buổi nào dù bất cứ lý do gì vì sợ bỏ tập sẽ bị thụt lùi và luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu ngày nào không được múa.

Sau khi học xong năm nhất, tôi mới nhận ra mình thích múa và quyết tâm theo đuổi con đường này. Khi vừa tốt nghiệp Trường múa TP.HCM, tôi casting được một vai trong vở múa Cô bé búp bê (Coppélia) và có cơ hội đến với môi trường múa hàn lâm như Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch. 

Dien vien mua Do Hoang Khang Ninh: phai toa sang ngay tu san tap

* Có vẻ bạn khá may mắn khi vừa về nhà hát bạn lại “lọt vào mắt xanh” của biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant?

- Biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant đã tài trợ cho tôi sang đó tu nghiệp một tháng ở Nhà hát The Norwegian National Opera & Ballet. Thật sự tôi thấy mình khá may mắn. Khi sang học, tôi mới biết mọi người ở đó rất giỏi. Sau chuyến đi, tôi muốn biết thêm ở nước ngoài người ta múa như thế nào nên lục tung các clip trên mạng xem. Thật sự, tôi như… sáng mắt ra. Thì ra, ở các nước Âu - Mỹ có rất nhiều trường nghệ thuật và công ty múa mà ai cũng ở đẳng cấp cao. Họ cho tôi thấy khi làm diễn viên thì phải được diễn những vở diễn lớn, phải có vai chính và đặt mục tiêu vào đó.

Trước đó, tôi như “ếch ngồi đáy giếng”, còn không biết người múa đẹp sẽ được chọn đứng giữa, thậm chí cũng không biết trên thế giới có rất nhiều loại giày và hãng giày ballet. Mỗi năm có ngày The world ballet day, các công ty múa ở các nước như Nga, Anh, Úc, Mỹ… sẽ đồng loạt livestream về buổi tập cơ bản hằng ngày của họ. Tôi thích thú nhìn cách họ tập hằng ngày, thấy được không khí sôi nổi, mỗi người một phong cách và nghĩ… còn lâu mình mới tập được kỹ thuật quay 4, 5 vòng, thậm chí 9, 10 vòng trên giày mũi cứng như họ…

* Khi tu nghiệp ở Na Uy, đâu mới thực sự là điều làm cho bạn choáng ngợp?

- Tôi choáng ngợp với mọi thứ. Khi sang đó, tôi 15 tuổi, các bạn ở đó cũng độ tuổi như tôi nhưng ai cũng xoay 3 vòng rất dễ, ai cũng giơ chân cao; hình thể họ rất cân đối, cao và ốm hơn tôi. Phòng tập của họ rất “đã”, rộng lớn, tường bằng kính, nhà hát gần cảng biển nhìn ra thấy rất gần gũi với thiên nhiên. Sàn tập ở đó rất tốt, có nhiều tầng độn nên khi nhảy không gây tiếng ồn, độ đàn hồi tốt ít lo chấn thương, bề mặt sàn không quá trơn cũng không quá rít.

Dien vien mua Do Hoang Khang Ninh: phai toa sang ngay tu san tap
 

Khi múa, nếu sàn tập quá trơn thì diễn viên dễ ỷ y vì không cần phải lấy đà mạnh; khi ra sân khấu bị rít sẽ không quay được. Nơi tôi học là trường học kết hợp với nhà hát được chính phủ Na Uy đầu tư, vào thứ bảy mỗi tuần học sinh được tập chung với nghệ sĩ. Hình thức này rất hay vì nhà hát sẽ chọn diễn viên từ trường học nên học sinh có nhiều cơ hội và nhà hát cũng có nhiều lựa chọn ngay tại chỗ. Tôi thích hình ảnh sáng sớm học sinh ở đó hay đứng nhìn qua cửa sổ xem các nghệ sĩ tập với ánh mắt ngưỡng mộ.

Đó chính là động lực để học sinh ngành múa có hứng thú với ngành học mình đã chọn mà phấn đấu. Tôi nghĩ Việt Nam có thể tìm hiểu hình thức này. Không hiểu tại sao ở mình trường múa lại tách biệt với nhà hát như vậy, như tôi đến năm học thứ năm mới biết đến HBSO.

* Bạn có nghĩ đến con đường xa hơn cho nghề nghiệp của mình là tìm học bổng đi học hay xin việc ở các công ty múa ở các nước khác như nhiều diễn viên đàn anh?

- Gần đây, tôi hay nghĩ về “con đường tu nghiệp” bằng cách xin làm việc ở các công ty múa. Tôi không có cơ hội sang tận nơi để tham dự vòng diễn thử vì vé máy bay sang châu Âu và chi phí sinh hoạt khá đắt nên tôi chỉ có thể gửi clip sang… Hiện nay, tôi chủ yếu học hỏi từ các diễn viên, biên đạo nước ngoài (Pháp, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản…) sang phối hợp với nhà hát làm chương trình. 

* Bạn có sốt ruột không khi tuổi nghề thì ngắn mà các cơ hội du học cứ trôi qua?

- Lúc trước mỗi lần rớt học bổng, tôi buồn vì thấy mình không đủ giỏi nhưng tâm trạng đổi khác qua mỗi năm, càng ngày càng sốt ruột vì các trường múa giới hạn học bổng ở độ tuổi tối đa là 18, 19; hiếm hoi lắm mới có trường chọn 20 tuổi. Trong khi đó, tôi muốn được đi học trước, sau đó mới nộp hồ sơ vào các công ty múa vì muốn vào được những đoàn lớn. 

* Ngoài những vai chính trong các vở múa lớn, ở những tiết mục múa nhóm, các diễn viên khác làm cách nào để tỏa sáng?

- Tôi nghĩ cách họ thể hiện qua công việc cơ bản hằng ngày. Đó là lý do cho đến giờ tôi không bao giờ bỏ tập. Những buổi tập đó giúp diễn viên nâng cao kỹ thuật, ví dụ nếu bạn liên tục xoay được 3 vòng ở các buổi tập cơ bản thì biên đạo sẽ cho bạn diễn chính ngay. Để một diễn viên tỏa sáng thì ngay trong cơ bản đã phải cố gắng chứ không phải khi lên sân khấu mới cố gắng, phải tập hằng ngày chứ không phải khi có vở mới tập và tận hưởng sự thích thú, phải có cảm giác mình là diễn viên chính hay solist nên sẽ tập khác mọi người - chẳng hạn cố gắng giơ chân cao hơn, xoay được nhiều vòng hơn… trong những buổi tập. Đó là cách của tôi. Tập cơ bản thường thử thách lòng kiên trì của diễn viên múa vì ngày nào cũng đi tập sớm, mấy bài đầu nhạc chầm chậm rất dễ buồn ngủ (cười).

* Trên sân khấu, bạn cảm thấy khoan khoái nhất khi múa solo, múa đôi hay múa nhóm…?

- Tôi thích và tự tin ở múa đôi nhất. Có lẽ một phần vì tôi thấy khả năng solo của mình chưa tốt bằng múa đôi.

* Ngoài kỹ thuật tự đánh giá là chưa tốt thì một diễn viên múa như bạn còn e ngại điều gì?

- Cân nặng. Tôi thấy mình vẫn dư cân nên phải tập Pilates, một môn phụ trợ cho diễn viên múa ballet mà học sinh trường múa ở nước ngoài được học từ nhỏ, còn ở Việt Nam thì chưa. Tôi biết đến môn này từ khi một biên đạo người Pháp sang làm việc với nhà hát và khuyên diễn viên nên tập.

Dien vien mua Do Hoang Khang Ninh: phai toa sang ngay tu san tap

Nghề múa giúp tôi trưởng thành

* Múa có lẽ giúp bạn hiểu cơ thể mình hơn?

- Vì múa sử dụng toàn bộ cơ thể nên có những thớ cơ, bộ phận mà người thường ít dùng nhưng chúng tôi lại sử dụng hằng ngày. Vì vậy, ở những chỗ như mũi chân, cơ đùi trong, sự nhanh nhạy ở đôi chân… chúng tôi mạnh hơn hẳn. Sau đó, đến với múa đương đại, tôi lại khám phá ra những chuyển động mà trước giờ cứ ngỡ mình sẽ không làm được, biết được cơ nào đang hoạt động khi mình làm động tác này và biết xương hông của tôi bị lệch, cơ lưng bên phải tốt hơn bên trái…

* Và hiểu hơn mọi chuyển động cùng các mối quan hệ xung quanh mình?

- Các động tác múa thật ra đều lấy chất liệu từ cuộc sống. Kinh nghiệm sống càng nhiều, hiểu biết càng phong phú thì càng có nhiều ý tưởng, chất liệu và cảm hứng để làm nên một động tác hay. Chẳng hạn vở Café Sài Gòn phản ánh mối quan hệ giữa con người từ lúc yêu đến lúc chán nhau. Vì vậy, tôi phải quan sát mọi thứ xung quanh trong cuộc sống từ các chi tiết nhỏ nhất để qua đó có thể cảm nhận được nhân vật trên sân khấu, hiểu được nhân vật đang nghĩ gì hoặc khi diễn vẻ ngạc nhiên thì mình phải tin là điều ấy làm mình ngạc nhiên chứ không phải cứ trợn tròn mắt, há to miệng.

Nghề múa đã cho tôi nhiều cơ hội lớn, giúp tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Có thể nói một nghiệt ngã của nghề múa là khi bạn “chín” về sự hiểu biết cuộc sống thì lại bị “lão hóa”, mà lúc mình hiểu cuộc sống nhiều hơn thì lại rất 
thèm diễn. 

Chẳng ngại ngùng khi diễn ở đám cưới

* Đỗ Hoàng Khang Ninh là một diễn viên múa chuyên nghiệp, là diễn viên vedette của các vở múa hàn lâm trong nhà hát lớn. Thế nhưng người ta vẫn thấy bạn chạy show diễn khắp nơi như múa ca nhạc, sự kiện, đôi khi cả đám cưới. Liệu có mâu thuẫn chăng?

- Ngoài lương của nhà hát, tôi phải chạy show thêm vì hiện tại còn phải chi tiêu khá nhiều cho việc học đại học. Chạy show liên tục như vậy nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải xin tiền mẹ đấy (cười). Tôi không mang tâm lý ngại ngùng khi diễn đám cưới vì sĩ diện của một diễn viên chuyên nghiệp. Chẳng qua, diễn ở đó không kiếm được bao nhiêu mà lại mất thời gian nên không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi, thỉnh thoảng có bạn bè nhờ thì tôi diễn giúp.

Dien vien mua Do Hoang Khang Ninh: phai toa sang ngay tu san tap
 

* Trong mắt bạn, bức tranh về nghề múa của Việt Nam như thế nào khi mà càng làm nghề thì bức tranh ấy càng hiện ra rõ nét hơn?

- Càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn về nghề nghiệp của mình nhưng cũng không suy nghĩ nhiều về cục diện của nghề múa ở Việt Nam. Tôi chỉ biết là hiện giờ mình vẫn đang rất tha thiết đi trên con đường múa, không một chút lung lay. Lớp của tôi ở trường múa, sau khi tốt nghiệp, chỉ 3, 4 bạn tiếp tục theo, trong đó chỉ có hai người được vào nhà hát. Sau thời gian dài gắn bó với múa, tôi càng thấy yêu nghề hơn. Chính những vở múa lớn là các liều thuốc tinh thần cho tôi. 

Những vết bầm là “chiến tích” của nghệ sĩ múa

Khi bạn hỏi chuyện tập thì diễn viên sẽ kể chuyện bầm chân, tróc móng, bong gân… nhưng hỏi muốn bỏ múa không thì không ai bỏ đâu. Khi chúng tôi tập vở Café Sài Gòn, rất nhiều người bị chấn thương, đùi thì đau nên đi lên cầu thang như một cực hình nhưng hễ đến phòng tập lại lao vào tập ầm ầm. Vở này tôi té từ trên bàn xuống nhưng nhờ cố thả lỏng người hết sức để tiếp đất bằng phần mềm trước nên may mà không bị gãy tay. 

Thật ra khi nghệ sĩ múa than là than cho vui thôi, thậm chí một số người còn thích cảm giác đau và một số khác thì thấy tự hào với những vết bầm khi tập. Tôi thuộc số người… thích bầm dập. Tôi xem vết bầm như “chiến tích” của mình vì khi mình tập với cường độ cao và dốc hết sức như thế mới có được thành quả như mong muốn. Tuy vậy, mỗi diễn viên đều biết giới hạn của mình và phải cố để giữ an toàn. 

Diễn viên múa Đỗ Hoàng Khang Ninh



 Lâm Hạnh (thực hiện)
Ảnh: Sơn Trần và nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI