Diện mạo sân khấu kịch nói nhìn từ Liên hoan

25/04/2018 - 14:40

PNO - Trái ngược với không khí ảm đạm, thưa vắng khán giả của các sân khấu kịch, Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 thực sự là những ngày hội của cả giới làm nghề lẫn công chúng.

Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp (LHSKKNCN) toàn quốc 2018 đã khép lại tối 24/4 với vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (TG Lưu Quang Vũ, ĐD: Nguyễn Sĩ Tiến) của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Lễ tổng kết trao giải LHSKKNCN 2018 sẽ diễn ra lúc 20g tối nay, 25/4, tại Nhà hát Quân Đội.

27 vở diễn với nhiều đề tài, phong cách dàn dựng khác nhau đã phác họa khá rõ nét diện mạo chung của sân khấu kịch nói cả hai miền Nam Bắc hiện nay. 

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Hoa cúc xanh trên đầm lầy khép lại một mùa LHSK rất thành công về sự quan tâm khán giả

Những niềm hy vọng mới

Khán giả là một trong những thành công lớn nhất của LHSKKNCN năm nay. 14 ngày diễn ra Liên hoan như đưa các nghệ sĩ (NS) và khán giả trở lại với sân khấu (SK) thời hoàng kim.

Hầu hết các suất diễn, kể cả những suất diễn vào giờ cao điểm nắng nóng của Sài Gòn (buổi chiều mở màn lúc 14g) khán phòng luôn chật kín. Nhiều suất khán giả phải đứng chen chân, khán phòng không thể đáp ứng hết số lượng khán giả đến xem.

Kịch chính luận vẫn là mảng đề tài không thể thiếu ở liên hoan, hội diễn nhưng cách làm kịch chính luận ở Liên hoan đã rất khác. Các nhân vật, tình huống kịch không còn khô cứng, chỉ hướng đến mục đích quan trọng nhất là tuyên truyền, nhắn gởi thông điệp của tác giả, đạo diễn. Kịch chính luận giờ đã mềm mại hơn khi được đan xen bằng những câu chuyện gần gũi về tình yêu, tình cảm gia đình...

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Châu về hợp Phố - vở diễn gần gũi và đầy ắp không khí mùa xuân Mậu Thân 1968

Với cách kể mới, một số vở chính luận đã chạm được vào cảm xúc của người xem  như: Vùng lạnh (Nhà hát kịch Hà Nội), Châu về hợp Phố (SK Hồng Vân), Bão tố Trường Sơn (Nhà hát  Kịch Việt Nam)…

Sức trẻ và tính kế thừa là một trong những dấu ấn đặc biệt của SK kịch TP.HCM ở LHSKKNCN lần này. Bên cạnh những tên tuổi đã khẳng định vị trí như tác giả Trần Văn Hưng, Bích Ngân, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, ĐD-NSND Hồng Vân, một số tên tuổi đạo diễn, tác giả trẻ cũng đã chinh phục được cả công chúng lẫn đồng nghiệp miền Bắc như: TG Như Thuỷ, ĐD Nhật Minh (Hiu hiu gió bấc), ĐD Lan Phương (Thiên thần nhỏ của tôi), Gia Bảo (Lũ quỷ sống).

Đội ngũ diễn viên trẻ của SK TP.HCM từng tạo được sự chú ý trong những đợt LHSKKNCN trước, nhưng có lẽ đây là lần “ra quân” rầm rộ nhất của những gương mặt dù không mới với khán giả TP.HCM nhưng lại là “tân binh” với đồng nghiệp phía Bắc. Những tên tuổi Khả Như, Hoàng Phi, Thu Trang, Diệu Nhi (Mua chồng ba mươi vạn), Công Danh, Tiến Khoa, Hồng Trang, Minh Trường (Hiu hiu gió bấc), Xuân Trang, Xuân Nghị (Đàn bà dễ có mấy tay, Châu về hợp Phố)…  đã phác hoạ khá sinh động sức trẻ của sân khấu kịch miền Nam.

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Các DV trẻ vở Mua chồng ba mươi vạn- một trong những ấn tượng đẹp của kịch Sài Gòn ở LHSKKNCN

NSND Trần Nhượng trầm trồ: “Tôi thực sự thán phục tài năng và nghề của đội ngũ DV trẻ ở TP.HCM. Thế hệ những người làm nghề trẻ tuổi ở TP.HCM luôn luôn mang đến cho chúng tôi những bất ngờ thú vị”.

Nếu kịch SK Sài Gòn thiên nhiều về tính ngẫu hứng trong biểu diễn, và rất chú trọng đến hành động sân khấu thì các NS, DV miền Bắc vẫn rất bài bản, học thuật. Nhưng, hai phong cách đó đã được kéo gần lại với nhau hơn, điều đó thể hiện khá rõ ở LHSKKNCN lần này.

Nhiều vở diễn của SK miền Bắc đã mềm mại hơn, đời thường hơn, các NS, DV thoại lời theo đúng tâm trạng, cảm xúc nhân vật hơn là tập trung quá nhiều cho việc phải nhấn trọng âm, phát âm tròn vành rõ chữ. DV cũng chọn lối diễn kết hợp giữa hành động SK với lời thoại nhân vật thay vì chỉ tập trung quá nhiều cho phần lời thoại.

Và với khán giả Sài Gòn, có vẻ như những diễn viên có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa hành động SK và lời thoại trong các vở kịch miền Bắc luôn mang lại khán giả nhiều ấn tượng thú vị nhất.

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Mảnh đất lắm người nhiều ma khá thú vị với lối diễn rất đời và sự sinh động trong khai thác hành động sân khấu của các NS

Ngược lại, ở nhiều vở diễn của kịch Sài Gòn, tính ngẫu hứng đã được kiểm soát khá tốt để tránh trở thành "tự nhiên chủ nghĩa". Kỹ thuật biểu diễn, hành động sân khấu, đài từ của DV được chăm chút để các DV có thể hoá thân thành nhân vật tốt nhất và chạm vào cảm xúc của người xem.

Và cả những…  hoang mang

Có những chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi" nhưng vẫn cư phải nói nữa ở LHSKKNCN năm nay là "tre" đã già mà "măng" vẫn chỉ mọc lác đác, ở đối tượng tác giả. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên nổi tiếng ở nhiều mùa Liên hoan trước như tác giả Xuân Đức, Chu Thơm, Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn NSND Lê Hùng, NSND Anh Tú, NSND Hoàng Dũng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trần Minh Ngọc…

Không phủ nhận tài năng của những tên tuổi “lừng danh” và cả quan điểm chọn những tên tuổi “lão làng” để có độ an toàn khi mang vở đi LHSKKNCN của một số đơn vị nghệ thuật nhưng những người quan tâm vẫn cứ canh cánh nỗi lo về một đội ngũ kế thừa. 

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Hiu hiu gió bấc - vở diễn nhiều cảm xúc của bộ đôi tác giả - đạo diễn trẻ Như Thuỷ- Minh Nhật

Khi không hạn chế số lượng tác phẩm của các thành phần sáng tạo, có một thực tế đã diễn ra ở LHSKKNCN khiến nhiều người hoang mang. Có những tên tuổi rất nổi tiếng xuất hiện trong thành phần sáng tạo của nhiều vở diễn khác nhau, nhưng gần như người ta chỉ nhận ra tác phẩm đó của tác giả A, đạo diễn B qua tấm poster giới thiệu vở diễn. Còn những gì được bày biện ở từng tác phẩm lại có độ chênh quá cao về chất lượng, tư duy… Khác đến mức đôi khi khó có thể tin những tác phẩm đó chỉ do một người thực hiện. 

Không ít những câu chuyện kịch rời rạc, phi lý cách xử lý khiên cưỡng, tự nhiên chủ nghĩa đến mức khó tin lại xảy ra ở ngay trong các vở diễn của tác giả, đạo diễn tên tuổi. Câu hỏi được nhiều người theo dõi LHSKKNCN đặt ra là: đâu mới là thực tài của những tên tuổi lừng danh?

Nhiều người làm nghề ở LHSKKNCN năm nay cũng khá bất ngờ với chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa một tác giả và một đạo diễn tên tuổi. Xem bản dựng của ĐD ra mắt, TG cho rằng sản phẩm trên SK kia khác quá xa cho với kịch bản gốc của mình và ông không hài lòng với sản phẩm đó. 

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Lỗi thuộc về ai nếu tác giả nói họ không "nhận diện" được đứa con tinh thần của mình từ bản dựng của đạo diễn?

NSND Lê Tiến Thọ: 

Trong sáng tạo, ĐD có thể điều chỉnh, thay đổi một số chi tiết của kịch bản gốc theo quan điểm sáng tạo, góc nhìn của mình, nhưng những thay đổi đó không thể làm sai lệch tác phẩm.

Những thay đổi ảnh hưởng đến tổng thể kịch bản cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa TG và ĐD. Nếu không thể thống nhất, cả 2 cần có quan điểm rõ ràng,  ĐD thôi không dàn dựng kịch bản đó hoặc TG phải kiên quyết bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.

Phản ứng của vị TG kia là hoàn toàn hợp lý bởi những gì được bày biện trên SK đầy rẫy những điều phi lý từ tình huống kịch đến cách xây dựng nhân vật. 

Nhiều nhân vật được đưa ra trong mạch kịch dường như chỉ để giải quyết vấn đề những người sáng tạo mong muốn, bất chấp sự xuất hiện của nhân vật đó có hợp lý, cần thiết hay không, số phận của nhân vật đó phải được giải quyết ra sao trong tác phẩm cũng bị bỏ quên.

Nhưng ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến thắc mắc, vì sao không thể thống nhất giữa TG và ĐD nhưng vở diễn vẫn cứ được cho ra mắt? Đưa một tác phẩm nghệ thuật không chỉn chu ra mắt khán giả, cả ê-kíp sáng tạo đều có lỗi. 

Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ (NS), diễn viên (DV) cũng không thể đứng “ngoài cuộc”. NS, DV là người trực tiếp đưa tác phẩm sân khấu đến với khán giả. Những bất cập, phi lý diễn ra trong vở diễn khiến nhiều người cảm nhận SK đang có không ít những NS , DV chỉ máy móc làm theo những gì đã được TG, ĐD sắp đặt.

Dien mao san khau kich noi nhin tu Lien hoan

Oái ăm nhất là khi DV kêu gào, la khóc trên SK thì khán phòng lại lạnh tanh, thậm chí khán giả phải phì cười

Họ dễ dàng chấp nhận những bất hợp lý trong tính cách, số phận… của nhân vật mà họ đảm nhận. Vì lẽ đó trên sân khấu NS, DV cứ gào khóc thảm thương, thì dưới khán phòng vẫn cứ lạnh tanh. Thậm chí có lần NS khóc la quằn quại trên SK nhưng khán giả lại… phì cười.

Những khoảng lặng trên SK kịch bây giờ cũng không còn nhiều. SK tràn ngập những tiếng kêu gào. Dường như có một mẫu số chung cho tất cả các nỗi đau, sự mất mát là… gào khóc. Rồi giận cũng hét, đùa giỡn, tếu táo nơi bến tàu xe cũng phải la hét… Nhiều lớp diễn chỉ tràn ngập những tiếng la với đều một “tông” của các nhân vật làm người xem mệt và đôi khi trôi tuột cảm xúc ở những lớp diễn lẽ ra phải rất xúc động.

Phương tiện kỹ thuật của sân khấu hôm nay vẫn cứ giống như 30 năm trước. Vẫn cứ phải tắt đèn, dọn cảnh. Nhiều đơn vị nghệ thuật cảnh trí đơn giản đến mức nghèo nàn. Liên hoan vẫn có những vở diễn hay, chạm vào cảm xúc khán giả, nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở đó. Tiêu chí tìm kiếm, phát hiện những sáng tạo mới mang tính đột phá thì… vẫn chỉ là tiêu chí.

Đừng nhìn đâu cho xa, chỉ so với phim ảnh Việt Nam thôi thì SK đang ở phía sau rất xa. Và, tác giả sân khấu– người mang “bột để gột nên hồ” đã ở tình trạng báo động từ những mùa Liên hoan trước. Sau LHSKKNCN lần này, có lẽ lại vẫn là “sẽ tìm giải pháp”… nhưng còn phải chờ bao lâu nữa mới có giải pháp thực sự? 

Thôi thì lại tiếp tục cùng nhau chờ… Chỉ e rằng khán giả sẽ không còn đủ kiên nhẫn.

Bài, ảnh: Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI