Điện ảnh Việt về chiến tranh: Ám ảnh những đôi mắt

30/04/2019 - 12:00

PNO - Năm tháng qua đi, người nằm lại, người già đi nhưng những câu chuyện được kể trong đôi mắt họ luôn là ký ức đẹp với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, gói trọn một phần lịch sử.

Từ Trà Giang - "đôi mắt biết nói”...

Ngày cuối tháng 4, những thước phim đen trắng ngày xưa lại trở về như một lời nhắc nhớ cho năm tháng đã qua. 

Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thuở ban đầu nhiều khó khăn, nhưng không thể ngăn cản những diễn viên tài năng cùng những thước phim chất lượng. Kho tài sản vô giá ấy được lưu giữ trong những đôi mắt “sống” mãi với thời gian. Năm tháng qua đi nhưng trong ký ức khán giả vẫn mãi lưu giữ những điều đẹp đẽ mà NSND Trà Giang, Phi Nga, Thuý An... từng cống hiến cho màn ảnh.

Ở tuổi 78, NSND Trà Giang vẫn thu hút người đối diện bởi đôi mắt sâu thẳm. Ngay từ thuở còn ngồi trên giảng đường, nhiều bạn bè đồng trang lứa đã nhận ra ánh mắt đen láy như ẩn chứa nhiều câu chuyện là “viên ngọc quý” của Trà Giang. Đạo diễn - NSND Bạch Diệp, bạn học cùng khoá với NSND Trà Giang, gật gù bảo: “Trà Giang không phải người đẹp nhất khóa, nhưng đôi mắt thì vô địch”. 

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Ở tuổi 78, đôi mắt của NSND Trà Giang vẫn là "vũ khí" chinh phục khán giả nhiều thế hệ.

Chị Tư Hậu trong bộ phim truyện cùng tên vẫn được nhắc đến là dấu mốc vàng son trong sự nghiệp diễn xuất của NSND Trà Giang. Năm đó, bà chỉ mới 20 tuổi. Nhưng đôi mắt có hồn cùng trái tim ấm lửa đã giúp Trà Giang thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ Nam bộ bản lĩnh trong khói lửa chiến tranh.

Nỗi đau vợ xa chồng, mẹ lìa con trong ánh mắt ngấn lệ của Trà Giang giúp hình ảnh nhân vật trên màn ảnh rất đời và thật. Đó không chỉ là nỗi đau của một cá nhân, mà là của một thế hệ đương thời. Trong cái ánh sáng nhá nhem của hai mảng màu đen tối, sự tuyệt vọng trong đôi mắt chị Tư Hậu sau nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần khiến hàng triệu trái tim rung động. Niềm hạnh phúc khi được gặp lại con nhỏ, loé lên hy vọng trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng được Trà Giang khắc hoạ đậm nét qua ánh mắt biết nói.

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Ánh mắt nhiều cảm xúc từ khắc khổ, cùng cực đến mạnh mẽ, anh hùng của Trà Giang trong Chị Tư Hậu đã chinh phục nhiều khán giả.

Đoạn trích phim Chị Tư Hậu:

 

Để rồi, mọi thương đau như được dồn nén để đôi mắt của người phụ nữ từ đau khổ, tuyệt vọng trở nên mạnh mẽ, sắc bén theo từng viên đạn tiêu diệt quân thù. Chất buồn tự nhiên, mộc mạc trong đôi mắt của Trà Giang như thôi miên người xem. 

Chỉ non 10 năm sau đó, Trà Giang lại khiến người xem thán phục với Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ánh mắt của Trà Giang một lần nữa gói trọn tâm tư thời cuộc. Cảnh Dịu chứng kiến làng quê bị quân giặc giày xéo, phải gập người để bảo vệ bào thai khi bị tra tấn trong tù, băng qua sông Bến Hải giao con cho chồng trong đêm rồi quay trở lại với công việc cách mạng… đều hiện lên đẹp đẽ bởi đôi mắt hừng hực lửa của Trà Giang. 

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
NSND Trà Giang trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

… đến Phi Nga, Thuý An, Lan Hương

Không sở hữu đôi mắt sắc sảo như Trà Giang nhưng chất mộc mạc lại giúp diễn viên Phi Nga hoá thân thành công vào vai Hoài trong phim Chung một dòng sông, một tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh Việt Nam. Tình yêu trong sự ngăn cách bởi thời cuộc với những nhớ thương, hy vọng xen lẫn uất ức, căm thù đều được Phi Nga thể hiện trọn vẹn trong ánh mắt biến chuyển đa dạng một cách tự nhiên, giản dị, sôi động - đậm chất điện ảnh.

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Diễn viên Phi Nga ghi điểm với chất mộc mạc, tự nhiên trong Chung một dòng sông.

Khán giả có thể cùng cười với Phi Nga trong những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi và cũng có thể cùng khóc cùng Hoài trong đêm khuya thanh vắng với hai hàng nước mắt lăn dài. Những nỗi niềm trong cảnh chia cắt của Hoài và Vận cũng nói lên hoàn cảnh đất nước trong những ngày bị phân chia hai miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17 với những nỗi đau không của riêng ai.

Hành trình của những đôi mắt ghi dấu lịch sử còn gọi tên Thuý An, nữ chính trong Cánh đồng hoang. Năm đảm nhận vai này, Thuý An chỉ mới 17 tuổi và chưa qua bất kỳ trường lớp nào. Tuy nhiên, chất mộc mạc của nữ diễn viên lại vô cùng phù hợp với vai diễn trong tác phẩm này. Đôi mắt hiền, có chút đượm buồn nhưng cương nghị của Thuý An đã hoà quyện vào cảnh Đồng Tháp Mười mênh mông biển nước tạo nên một bức tranh hai màu đen trắng ấn tượng. Cũng từ đó, hình ảnh Sáu Xoa - vợ Ba Đô hiện lên bằng những nét vẽ rất đỗi chân chất, hiền hoà nhưng cũng không kém phần dũng cảm.

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Vẻ đẹp chân phương nhưng đầy cuốn hút của Thuý An trong Cánh đồng hoang đã trở thành một phần ký ức khó thể phai nhòa với nhiều thế hệ khán giả Việt.

Trích đoạn phim Cánh đồng hoang:

 

Nét hạnh phúc bình dị đời thường của Sáu Xoa hay sự linh hoạt, thông minh, nhanh nhạy khi đối diện với quân thù đều được Thuý An ôm trọn vào cửa sổ tâm hồn, trong nét diễn mà không diễn. 

Trong khi đó, ánh mắt mở trừng của Vân (NSƯT Thuỵ Vân thủ vai) khi bị tra tấn với 10 ngón tay bị quấn băng gạc, tẩm cồn rồi đốt vẫn là một trong những khoảnh khắc ám ảnh trong phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành. Nỗi đau gia đình chia cắt, mất mát vì những lý tưởng khác biệt tác động bởi thời cuộc cũng được Thuỵ Vân để hiện đặc sắc qua vai diễn này.

Ánh mắt như điên dại của người mẹ mất con, sự bình thản đến lạ lùng của Vân giữa hai hàng súng mác của quân giặc cùng nụ cười hé nở trong đôi mắt ở giờ phút sinh tử… mang trọn bi thương lẫn bi hùng của thời đại. Những cùng cực, gian khổ vẫn không thể làm tắt lịm niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Hình ảnh không thể quên của Vân trong phim Nổi gió.

Nếu như nỗi đau của người trưởng thành được gói gọn vào bên trong thì với con trẻ mọi thứ đều thể hiện rõ ràng, rành mạch qua đôi mắt chưa nhuốm bụi đời. Sự hoang mang, nhung nhớ về gia đình trong những ngày chia cắt hay niềm hạnh phúc trong giây phút hồi tưởng của cô bé Ngọc Hà (NSND Lan Hương thủ vai) trong Em bé Hà Nội cũng là những khoảnh khắc khó thể phai nhoà.

Nụ cười hay giọt nước mắt trong ánh mắt buồn xa xăm, vời vợi của nữ diễn viên lúc bấy giờ chỉ mới 10 tuổi được đặt trên phông nền của hai mảng màu đen trắng buồn hiu hắt mang đến cho người xem cảm giác nao lòng. Trong sự vụng dại của trẻ thơ, người ta vẫn thấy được nỗi buồn thương của thời cuộc bởi những chia ly, mất mát bao trùm lên nhiều thế hệ.

Dien anh Viet ve chien tranh: Am anh nhung doi mat
Một trong những khoảnh khắc đẹp của NSND Lan Hương trong Em bé Hà Nội với đôi mắt đẹp long lanh nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm.

Mỗi câu chuyện đều mang trong mình những nỗi niềm riêng nhưng đều lột tả được nỗi đau chung mà không ai mong muốn bởi chiến tranh. Ở đó, dù chia ly, cách trở hay niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong phút chốc đều dễ khiến người xem ám ảnh bởi những đôi mắt như ôm trọn một phần lịch sử. Giờ đây, có người đã về với cát bụi, có người già đi theo năm tháng, nhưng những diễn viên tài năng với đôi mắt biết nói vẫn là minh chứng cho một thời kỳ đẹp, nhiều dấu ấn của điện ảnh Việt gắn liền với lịch sử. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI