Điện ảnh Hàn 2017 dồn dập 'nói chuyện' chính trị

18/10/2017 - 12:30

PNO - Năm nay, với sự sụp đổ của chính quyền bà Park Geun Hye, giới làm phim Hàn lại càng năng “nói chuyện” chính trị.

Chuyến viếng thăm bất ngờ của Tổng thống Moon Jae-in như thổi một làn gió mới vào Liên hoan phim (LHP) Busan lần thứ 22 (ngày 12/10 - 21/10) sau ba năm ảm đạm vì bàn tay can thiệp thô bạo của chính quyền thành phố vào sự độc lập, tự do của LHP (khơi mào từ vụ ban tổ chức LHP Busan 2014 bất chấp cảnh báo từ chính quyền Busan, chiếu phim tài liệu The truth shall not sink with Sewol - chỉ trích chính quyền Tổng thống Park Geun Hye trong việc xử lý vụ đắm phà Sewol).

Lời tuyên bố chính phủ cam kết hỗ trợ hết mình và tôn trọng hoạt động của LHP từ tân tổng thống có vẻ khiến các nhà làm phim tăng tốc khai thác những câu chuyện phim đề tài chính trị/lịch sử.

Dien anh Han 2017 don dap 'noi chuyen' chinh tri

A Taxi Driver - phim đại diện Hàn dự tranh Oscar 2018 - hiện đứng thứ 10 trong top 10 phim ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc

“Hiện tượng” màn ảnh Hàn hiện nay là A Taxi Driver - tác phẩm nói về phong trào đấu tranh dân chủ ở Gwangju. Ra mắt vào tháng Tám, phim thu hút hơn 11 triệu người xem, trở thành phim ăn khách nhất tại Hàn từ đầu năm đến nay và sẽ đại diện xứ kim chi dự Oscar năm tới.

Vụ thảm sát Gwangju từng được thể hiện trên màn ảnh Hàn qua phim Peppermint Candy (1999) hay May 18 (2007), nhưng A Taxi Driver vẫn gây sốt, bởi đến nay vấn đề pháp lý và sự thật về sự kiện đẫm máu này vẫn chưa được tỏ tường nên một sự lột tả tinh tế, nhân văn về cách nhìn của người dân (đại diện là nhân vật người lái taxi ở Seoul đã giúp phóng viên ảnh của Đức thâm nhập vào Gwangju để chụp những hình ảnh đầu tiên về cuộc tấn công của quân đội Tổng thống Chun vào người dân nổi dậy) với phong trào dân chủ Gwangju như trong phim lập tức được dân chúng quan tâm.

Lần giở lại sự thật xấu xa sau các sự kiện chính trị lớn; phô bày những thối nát, bất công trong xã hội, nhất là bê bối quyền lực của các chính trị gia đang là mối quan tâm của các nhà làm phim xứ Hàn.

Điều này cũng không có gì khó hiểu khi chính trường Hàn Quốc luôn biến động. Năm nay, với sự sụp đổ của chính quyền bà Park Geun Hye, giới làm phim Hàn lại càng năng “nói chuyện” chính trị. Mở màn là The King - một trong những phim Hàn ăn khách năm nay - xoáy vào thực trạng các công tố viên bị chính trị chi phối.

Dien anh Han 2017 don dap 'noi chuyen' chinh tri
Phim The King

Những tình huống trong phim như các buổi tiệc tùng xa hoa, đi cầu thầy cúng... của giới chính trị gia cũng không phải là chuyện xa lạ trong thực tế nước này.  Tiếp theo đó, những phim như Ordinary Person, The Mayor, Fabricated City, New Trial… tố cáo sự lạm quyền, ức hiếp dân từ nhà cầm quyền, sự tha hóa nhân cách của những người thực thi công lý cũng như thái độ lộng hành của những kẻ có tiền khiến người xem hết sức hả hê.

Theo nhà phê bình phim Kang Yoo-jung: “Những phim dựa trên sự kiện chính trị xã hội thường ra rạp vào những năm bầu cử tổng thống, bởi vì những tác phẩm này đánh trúng vào khát khao của người dân muốn có sự thay đổi để cuộc sống được tốt đẹp hơn”. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI