Đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc: Phải kiên quyết với việc thay đổi nội dung bản công diễn

21/11/2018 - 06:00

PNO - Đã đến lúc phải mạnh tay và kiên quyết với việc tuỳ tiện thay đổi bản công diễn so với bản được phúc khảo. Phải có những quy định xử phạt nghiêm khắc và cụ thể cho từng mức độ vi phạm.

  Công tác hậu kiểm: Không thể xem nhẹ

Bản phúc khảo để xin cấp giấy phép một đằng, nhưng bản công diễn một nẻo đang ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động biểu diễn ở TP.HCM. Khi thiếu sự kiểm soát và chưa có những biện pháp xử phạt kiên quyết thì hiện tượng này đang có xu hướng trở thành “thông lệ” xấu, khó thay đổi.

Bài 1: Sân khấu kịch: Xong phúc khảo là... tự biến tấu

Liệu có thể chấm dứt hoặc hạn chế thực trạng bản phúc khảo và bản công diễn của một số chương trình, vở diễn có sự khác biệt đến khó chấp nhận? Báo Phụ nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT), Sở Văn hoá – Thể Thao TP.HCM về vấn đề này.

Dao dien – NSUT Tran Minh Ngoc: Phai kien quyet voi viec thay doi noi dung ban cong dien
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc.

Phóng viên: Thưa ông, quan điểm của ông ra sao trước thực trạng nhiều diễn viên tự ý thay đổi kịch bản, lời thoại… sau phúc khảo của sân khấu (SK) hiện nay?

ĐD - NSƯT Trần Minh Ngọc:  Trước đây nếu hiện tượng thay đổi  lời thoại chỉ có ở những tiểu phẩm hài thì giờ đây nó đã lan đến cả vở diễn SK. Có những SK, việc thay đổi tác phẩm sau khi phúc khảo đã trở thành chuyện “đương nhiên”. Bản công diễn được thêm thắt rất nhiều câu thoại, thậm chí thêm cả lớp diễn. Có những diễn viên (DV) có thói quen rất xấu, họ tùy tiện thêm lời, bất chấp những quy định của kịch bản về bối cảnh, không gian, tính cách nhân vật…

Sự tuỳ tiện này có thể vì muốn tạo tiếng cười, chạy theo nhu cầu của khán giả.  Nhưng trong một vài trường hợp, việc thay đổi, thêm bớt chỉ vì mong muốn chủ quan, đáp ứng cái tôi cá nhân của DV.

Nhưng cho dù vì lý do gì thì việc thay đổi này cũng không thể chấp nhận. Về nghệ thuật, sự thay đổi chủ quan của DV có thể phá vỡ ý đồ dàn dựng của đạo diễn. Tính xuyên suốt, nhất quán của tác phẩm cũng bị ảnh hưởng vì sự thay đổi tuỳ tiện của DV.

* Có ý kiến cho rằng người dẫn chuyện cũng chỉ là MC, giúp kết nối các tiết mục trong chương trình nên không thực sự cần có kịch bản?

Tôi nghĩ khác, người dẫn chuyện hay MC đều cần phải có kịch bản. MC dù chỉ giới thiệu tiết mục cũng không thể nói “vo” mà cũng cần có kịch bản. Với người dẫn chuyện thì kịch bản càng quan trọng hơn. Khi người dẫn chuyện là một phần không thể thiếu của tác phẩm thì kịch bản cho người dẫn chuyện là điều bắt buộc và họ phải tôn trọng kịch bản đó.

Dao dien – NSUT Tran Minh Ngoc: Phai kien quyet voi viec thay doi noi dung ban cong dien
Sự khác biệt của bản công diễn và bản phúc khảo của SK Hoàng Thái Thanh chỉ là độ thẩm thấu của các DV và chất lượng nghệ thuật được nâng cao hơn.

* Tôn trọng kịch bản, bản dựng của đạo diễn là ý thức của từng DV, nhưng khi không thể tìm được sự tôn trọng đó, phải chăng sự tuỳ tiện sẽ không có hồi kết?

Thực trạng thêm lời, thêm lớp đang diễn ra phổ biến, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ cá nhân hoặc đơn vị nào bị xử phạt. Mọi việc vẫn được thả nổi, sau phúc khảo, có giấy phép công diễn là xong. Đơn vị tổ chức hoặc DV muốn nhào nặn, thêm bớt ra sao cũng không ai kiểm soát do công tác hậu kiểm từ nhiều năm nay vẫn bị bỏ ngỏ.

Tất nhiên cũng khó có thể hậu kiểm tất cả các tác phẩm nghệ thuật sau khi phúc khảo. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Không nhất thiết phải hậu kiểm tất cả các tác phẩm nghệ thuật sau khi cấp phép. Việc hậu kiểm chỉ cần thực hiện ở những tác phẩm có nhiều khả năng sẽ xảy ra thay đổi; hoặc hậu kiểm dựa trên những phản ứng của dư luận, báo chí…

Dao dien – NSUT Tran Minh Ngoc: Phai kien quyet voi viec thay doi noi dung ban cong dien
SK Hồng Hạc - một trong những SK không chấp nhận những sáng tạo tự nhiên chủ nghĩa.

Nhân đây, tôi cũng xin được nói thêm về vai trò của báo chí trong công tác phê bình SK hiện nay. Báo chí cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn để chống lại cái xấu, cái sai, góp phần bảo vệ một đời sống SK lành mạnh.

Bên cạnh đó, hội đồng nghệ thuật (HĐNT) cũng phải có trách nhiệm và quan điểm rõ ràng khi góp ý cho các tác phẩm nghệ thuật. Không thể vị nể hoặc vì bất kỳ lý do nào khác mà nửa vời, thiếu dứt khoát đưa ra những quan điểm cá nhân.

* Khi phát hiện sai phạm, bước tiếp theo sẽ là?

Phải có những quy định xử phạt nghiêm khắc và cụ thể cho từng mức độ vi phạm. Ở mức độ cao nhất có thể rút giấy phép biểu diễn. Đã đến lúc phải mạnh tay và kiên quyết với vấn đề này.

* Xin cám ơn ông.

Thảo Vân (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI