Cha là trời cho mây trắng con bay...

11/01/2018 - 15:28

PNO - Cảm nhận đọng lại trong khán giả sau khi xem cả hai phim là sự xúc động, dễ chịu vì cốt truyện mộc mạc, cách kể sinh động, chuyển tải thông điệp nhân văn về tình phụ tử, tình người.

Không dễ thấy như tình mẹ, tình cha thương con thường thầm lặng, nhưng sâu thẳm như trời đêm. Có lẽ đó là cái khiến Khi con là nhà (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, khởi chiếu ngày 28/12/2017) và Ở đây có nắng (đạo diễn Đỗ Nam, khởi chiếu ngày 12/1) gây ấn tượng mạnh.

Cha la troi cho may trang con bay...

Dù là anh nhà quê hay một ngôi sao nổi tiếng, tình cảm của người cha dành cho con vẫn mộc mạc, sâu lắng

Cảm nhận đọng lại trong khán giả sau khi xem cả hai phim là sự xúc động, dễ chịu vì cốt truyện mộc mạc, cách kể sinh động, chuyển tải thông điệp nhân văn về tình phụ tử, tình người.

Khi con là nhà có bối cảnh làng quê, đề cập tới những con người lam lũ. Hình ảnh người cha trong phim hiện lên đúng với xuất thân của nhân vật: có máu cờ bạc, thô kệch, vô tâm. Quang sẵn sàng vì mấy con gà đá, mấy sòng bạc hay vì lời lả lơi của cô Liễu hàng xóm mà bỏ mặc cu Bi. Bi cũng chẳng được đến trường vì nhà nghèo. Thế nhưng, không phải vì vậy mà Quang không thương con hay Bi không thương cha.

Khi biến cố xảy đến, Quang dắt con trốn lên phố, người ta mới cảm nhận tấm lòng cha con họ dành cho nhau. Hành trình hai cha con lưu lạc trong thành phố đầy nước mắt, tủi nhục nhưng cũng lấp lánh niềm hạnh phúc của tình phụ tử, nghĩa đùm bọc của con người.

Đoạn Quang hốt hoảng chạy chân trần đuổi theo chiếc xe lam chở Bi vì sợ mất dấu con và lời van xin: “Mẹ mất rồi, con chỉ còn có ba, con muốn đi theo ba” của Bi khiến người xem rơi lệ. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến phân đoạn hai cha con xếp hàng nhận cơm từ thiện. Hành động lao vào ẩu đả với người thanh niên chen chân, để bảo vệ con, của Quang vừa “đời” vừa “đẹp”.

Khi con là nhà đã chuyển tải thông điệp sâu sắc: cha không hoàn hảo nhưng luôn yêu con và đối với cha, con cái là ngôi nhà - nơi để về, để trao trọn yêu thương.

Có một nơi để về, đó là nhà, có những người để yêu thương, đó là gia đình và có được cả hai đó là hạnh phúc. Người cha Tùng Nhân trong Ở đây có nắng may mắn có được những điều đó.

Trailer Ở đây có nắng:

 

Tùng Nhân là một ngôi sao, một người dẫn chương trình được yêu mến. Cao trào chuyện phim bắt đầu khi một ngày nọ có người đến giao cho anh một cậu bé và khẳng định đây là kết quả tình yêu giữa anh và người tình cũ Mai Chi - người hiện đang ngồi tù.

Giữa sự nghiệp đang lên và cu Bin - đứa con rơi - mà bản thân mình không hề biết, Tùng Nhân chỉ có một lựa chọn. Những diễn tiến liên quan đến chuyện nhận con trong phim không khó đoán nên phim dẫn dắt người xem bằng việc cài cắm những tình huống; khai thác tâm lý nhân vật kỹ; lời thoại gần gũi, để thuyết phục khán giả.

Tùng Nhân cũng không  phải là hình mẫu người cha hoàn hảo, cũng có lúc suy nghĩ ích kỷ, sợ sự nghiệp tiêu tan vì có con rơi… nhưng tình yêu thương dành cho con của anh là không thể nghi ngờ. Hai cảnh đặc sắc nhất phim là cảnh cha con Tùng Nhân ôm nhau trong mưa và Tùng Nhân ngắm cu Bin chơi dù lượn, bởi nó mở ra hai chương mới trong mối quan hệ của hai cha con: sự bắt đầu gắn kết và sự sẵn sàng chấp nhận một cuộc chia ly.

Qua Khi con là nhàỞ đây có nắng, có thể thấy đề tài gia đình đang là hướng khai thác hợp lý của phim Việt vì chủ đề gần gũi, kinh phí không quá tốn kém và chỉ cần một kịch bản tốt để chạm tới trái tim người xem. 

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI