Cha, con và bóng bàn

06/07/2019 - 18:36

PNO - Quyển hồi ký là kỷ niệm của gia đình với người đã khuất, nhưng cuốn sách cũng tỏa ra nguồn động viên tinh thần tích cực cho những người trẻ.


“Quyển hồi ký là món quà quý giá nhất mà bố để lại cho gia đình tôi. Nhưng không chỉ thế, tôi tin đây còn là cuốn sách rất ý nghĩa về lịch sử môn bóng bàn ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung” - MC Nguyệt Ánh chia sẻ về quyển sách - di nguyện của cha cô - ông Nguyễn Trọng Trúc.

Không biết phải gọi ông Nguyễn Trọng Trúc ở vai trò nào, khi ông có quá nhiều chức danh: Tổng thư ký Hội Bóng bàn Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Trưởng bộ môn bóng bàn Sở Thể dục - Thể thao TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM…

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - người đã giúp gia đình MC Nguyệt Ánh chấp bút cuốn hồi ký Nguyễn Trọng Trúc Bóng bàn một đời tôi đam mê (Phương Nam Book và nhà xuất bản Thế giới vừa ấn hành) - nói: “Cả cuộc đời anh, hình như chỉ có một tình yêu nghề nghiệp với quả bóng nhựa mà thôi. Anh xứng đáng được gọi là một chuyên gia, một từ điển sống của bóng bàn miền Bắc trước kia và cả nước sau này”.

Cha, con va bong ban

Tình yêu ấy gói trong những trang tư liệu được ông Nguyễn Trọng Trúc viết thành sách trong những năm tháng cuối đời. Bản thảo viết tay, được con trai ông đánh máy lại. Gia đình cùng thân hữu chia sẻ thêm đôi chút kỷ niệm, cảm nhận, để hoàn chỉnh chân dung về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trọng Trúc - bậc thầy của làng bóng bàn, đã qua đời vào tháng 11/2017.

“Ít ai biết, bố từng là huấn luyện viên trực tiếp dạy tôi môn bóng bàn. Tôi cũng từng vô địch bóng bàn toàn thành năm lớp Bốn, sau đó vào đội dự bị năng khiếu tập trung của TP.HCM. Nhà có cây vợt bóng bé tí xíu, bằng 1/3 cây vợt bóng bàn bình thường, bố được tặng trong chuyến đi công tác nước ngoài. Bố đã dạy tôi làm quen với bóng bàn bằng cách đánh bóng vào tường bằng cây vợt nhỏ xíu đó. Sau này, không trở thành vận động viên chuyên nghiệp, nhưng tôi luôn sát cánh cùng bố trong các giải thi đấu bóng bàn, dẫn chương trình, giúp bố tìm tài trợ, thay bố viết bài, chia sẻ thông tin về giải đấu gửi cho các báo...” - MC Nguyệt Ánh hồi tưởng.

Cô cho biết, “sự nghiệp bóng bàn” của cô bé Nguyệt Ánh 6 tuổi ngày trước dừng lại là do ở năm học lớp bảy, cô được chẩn đoán có vấn đề về tim mạch, mà sau này, khi cô ngưng tập bóng bàn một thời gian thì được chẩn đoán lại là do… lớn nhanh quá.

Thuở bé, Nguyệt Ánh hằng ngày đi bộ cùng bố đến sân vận động Hoa Lư, sớm gắn bó và hiểu được tình yêu, những cống hiến của bố Trúc dành cho bóng bàn. Lớn lên, cô học từ bố lòng yêu nghề, sự nỗ lực, học cả cách vượt qua khó khăn và biết đối nhân xử thế. “Thành công sẽ đến với những người có đam mê, chịu khó học tập và nỗ lực, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất” - cô nói. Quyển hồi ký là kỷ niệm của gia đình với người đã khuất, nhưng cuốn sách cũng tỏa ra nguồn động viên tinh thần tích cực cho những người trẻ.

Cha, con va bong ban
NSƯT Thúy Hoa và MC Nguyệt Ánh trong buổi ra mắt hồi ký Nguyễn Trọng Trúc

Nguyệt Ánh nói, trong phòng làm việc của bố cô chứa đầy sách, ảnh, tư liệu về bóng bàn. Ông có thói quen ghi chép từ khi còn trẻ nên cuốn hồi ký có đầy đủ tư liệu của cả những trận đấu trong và ngoài nước, tỷ số, tên tuổi các vận động viên trẻ qua từng giai đoạn. Là hồi ký, nhưng những trang viết về cuộc sống riêng của Nguyễn Trọng Trúc rất ít, chủ yếu là những tư liệu quý giá về lịch sử bóng bàn Việt Nam, bắt đầu từ năm 1957 - từ thuở ông còn là cậu bé Trúc mê bóng bàn ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) đến lúc vào đội tuyển, đi học và thi đấu ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Bình Nhưỡng (Triều Tiên) rồi trở về nước miệt mài làm việc, cống hiến. Qua tập sách, độc giả hôm nay biết, từng có đội tuyển bóng bàn đặc biệt: đội mũ tai bèo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập ngày 23/3/1972), với một cuộc đấu bóng bàn làm nhiệm vụ ngoại giao trong bối cảnh cam go, quyết liệt lúc bấy giờ.

NSƯT Thúy Hoa - vợ ông Nguyễn Trọng Trúc - nói gia đình muốn giữ nguyên vẹn bản thảo của ông, nên rất nhiều hồi ức liên quan đến cuộc sống riêng, kỷ niệm với các thành viên trong gia đình đã không được bổ sung vào quyển hồi ký. Hồi ký Nguyễn Trọng Trúc Bóng bàn một đời tôi đam mê gói trọn một đời đam mê của người đã có nhiều cống hiến cho bóng bàn Việt Nam. Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng, mà ông Nguyễn Trọng Trúc là một trong những thành viên sáng lập, vẫn tiếp tục. Mùa giải lần thứ 33 khai mạc ngày 4/6 tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao TP.HCM; còn người đã về bên kia núi… 

“Những năm mới vào Sài Gòn, gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng bố chưa bao giờ vì hoàn cảnh mà để ảnh hưởng tới công việc và cũng không than thở hay nhờ vả gì ai. Ông có một niềm kiêu hãnh riêng, không cho phép mình làm khác những gì mình đã tin tưởng.

Những ngày ở trong ngôi nhà không đồ đạc, bố vụng về nấu xong nồi xôi, nhưng lại chẳng có gì ăn cùng. Tôi một đứa trẻ 5, 6 tuổi hồn nhiên chạy sang nhà người hàng xóm tốt bụng, xin ít muối. Có những ngày, bố con đi bộ, chỉ dám mua một gói xôi khúc nhỏ ăn chung, vì bố chẳng còn đồng nào trong túi. Bố chỉ mua đồ ăn bù lại cho tôi khi được lãnh lương ở trường nghiệp vụ sau đó…” - MC Nguyệt Ánh tâm sự. 

Bây giờ, cô cũng đã là mẹ của bé cá Heo, 4 tuổi. Niềm vui có cháu ngoại của “bố Trúc” chỉ được vài năm ngắn ngủi. Năm 2015, ông bắt đầu trở bệnh nặng. Năm 2016, chuyến du lịch cùng gia đình của ông cũng là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI