Cấm bản ngày tết miền biên viễn

11/02/2019 - 12:00

PNO - Cộng đồng Hà Nhì nhỏ bé, chỉ khoảng hai vạn người, nhưng cuộc sống của bà con giữa rừng già lại hồn nhiên, diễm tình và nguyên sơ vào bậc nhất.

Sống nương nhờ thiên nhiên

Nhắc đến người Hà Nhì, không thể không nhắc đến tục cấm bản trong mỗi mùa tết của bà con; có được sống trong bầu không khí cấm bản ấy, mới thực sự cảm nhận được sự kỳ bí đến ngẩn ngơ.

Cam ban ngay tet mien bien vien
Những đoá hoa rực rỡ của mẹ rừng

Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, những ngày bà con Hà Nhì ăn tết, qua khắp các xã Mù Cả, Xi Nế, Gò Cứ, Leng Su Sìn… ở đâu bước chân cũng khựng lại trước những bản làng đang trong ngày cấm của bà con. Vạn vật hữu linh trong tâm thức hồn nhiên của người Hà Nhì, bà con cúng thần sấm, thần sét; cúng hòn đá ngoài bờ suối hay góc cái mó nước rêu phong; cúng cả thần lông mi, lông mày…

Từ thượng cổ đến nay, người Hà Nhì vẫn luôn quan niệm nơi nào cũng là nơi trú ngụ của thần linh, chỉ một bước chân qua bậu cửa thôi là sẽ gặp ngay thần rừng. Cũng vì quan niệm ấy mà người Hà Nhì không bao giờ phá rừng, cả cộng đồng luôn nương nhờ vào mẹ rừng, vào tự nhiên như cái cách loài người xưa kia vẫn sống. Hình như, đó mới là mạch nguồn văn hoá, tâm linh khiến những người vì hữu duyên mà có mặt phải giật mình thảng thốt.

Cam ban ngay tet mien bien vien
"Cổng chào" là thân cây gạo đầu bản, bà con đẽo súng, đẽo gươm rồi treo lên đó để ngăn chặn tà ma.

Ngày trước, mỗi mùa tết, lễ cấm bản của bà con diễn ra suốt chín ngày. Bây giờ dù ít nhiều tiếp cận đời sống hiện đại, song nghi lễ ấy cũng phải trọn vẹn cả ba ngày mới thôi. Những ngày cấm bản, bà con treo lựu đạn, súng, gươm, cung nỏ, các hình hài đáng sợ nhất lên cái “cổng chào” là cây gạo trước bản để dọa con ma, không cho nó vào bản.

Trên thân cây chi chít gai còn treo rất nhiều tua rua xanh đỏ, nan phên bùa chú; cái cổng ấy là ranh giới nội bất xuất, ngoại bất nhập tự tiện để bản làng được bảo vệ khỏi tà ma, khỏi thiên tai, thú dữ, địch họa.

Cam ban ngay tet mien bien vien
Lựu đạn gỗ.

Khách viễn xứ nào “trót” bước chân vào bản là phải ở trọn vẹn ba ngày, ai đã bước ra cũng phải đợi đủ ba ngày sau mới được về lại bản. Bà con thờ thần rừng, nên lễ cúng bản cũng là lễ cúng rừng. Mỗi người cõng đến phiến đá lớn ở cửa rừng một trong số các vật nuôi của gia đình: Có người hai tay xách hai con gà, có bác dắt theo chú lợn choai choai vừa đi vừa kêu eng éc… Chúng là vật hiến tế cho thần rừng.

Những vắt trong của tổ tiên loài người

Lễ cúng diễn ra theo cái cách hoang sơ nhất mà chúng tôi từng biết. Đám vật nuôi quay đầu về phía rừng, máu chúng thấm trọn vào lòng đất. Bà con cắt lá chuối, hái lá vả trải ra bìa rừng rồi bày lên thịt nướng, thịt luộc, rượu lá. Giữa “bữa tiệc” ấy vang lên lời ề à, kính cẩn, đó là lời thề giữ rừng; bà con thề không để cho con ma ám vào đầu những kẻ tham lam muốn ngả pơmu, hạ gỗ nghiến trên núi đá.

Cam ban ngay tet mien bien vien
Gươm, giáo được treo để doạ con "ma"

Sau lễ hiến tế, đầu các con vật được treo ở đầu bản để xua đuổi ma tà. Trước khi lễ cấm bản diễn ra, người Hà Nhì đã xách dao đi chặt gỗ, chặt nứa để đẽo, gọt thành chông, thành kiếm… Đi qua bao “gươm đao, súng đạn”, chúng tôi sửng sốt khi “bắt gặp” những bức tượng gỗ đẽo gọt hoặc đất nặn. Những nét đẽo, nặn trên “gương mặt” hoang sơ, nhang nhác như tượng nhà mồ Tây Nguyên.

Có khi là đất nặn hình người nam và người nữ bé xíu đang trong cuộc giao hoan, sinh thực khí lớn gấp mấy lần người. Chưa ở đâu, cái văn hoá phồn thực đặc trưng của nông nghiệp, nét hồn nhiên trong quan niệm sống từ tổ tiên loài người lại hiển hiện rõ như ở miền biên viễn này.

Cam ban ngay tet mien bien vien
Tượng đất nặn rất đỗi hồn nhiên.

Bên trong bản, những cô gái Hà Nhì áo khăn rực rỡ như bông hoa trên nền đất nâu vàng của bức tường trình đất, các cô đứng trước hiên, má đỏ ửng. Tôi hỏi em đang làm gì? Ánh mắt mênh mông như chứa đựng cả núi rừng ngước lên những sợi cỏ tranh buộc lơ ngơ trước mặt, hơi thở hòa vào hơi sương, cô bảo em đang tết những chiếc tổ để dụ chim én về. Với người Hà Nhì chúng em, mái gianh trước hiên càng có nhiều tổ chim én thì càng may mắn.

Cam ban ngay tet mien bien vien
Văn hoá phồn thực đặc trưng trong nông nghiệp được thể hiện rất rõ.

Chưa bao giờ tôi thấy sợi dây gắn kết giữa con người và thiên nhiên lại thân thương đến thế! Chim én đã không đơn thuần là “tin báo” sự trở lại của mùa xuân, mà đó như là lời chúc phúc của thiên nhiên gửi đến bản làng.

Mặc xã hội hiện đại nháo nhào đang quên đi mối quan hệ cộng sinh giữa tự nhiên và loài người; bà con Hà Nhì vẫn hồn nhiên sống, hồn nhiên thể hiện xúc cảm, mong ước và niềm tin của mình mà chẳng cần phải có một bàn tay nghệ nhân hay bất cứ cuộc trình diễn, thuyết giảng nào.

Uông Thượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI