Cải lương 2018: Dấu ấn 100 năm

31/12/2018 - 19:00

PNO - Nhiều giải pháp được đưa ra trong năm 2018 nhằm giúp cải lương vượt khó. Để giải pháp trở thành hiện thực cần phải có thời gian, những người làm nghề vẫn đang hy vọng họ sẽ không phải chờ quá lâu.

  Văn hóa- giải trí 2018: Những gam màu đối lập

Năm 2018 dần khép lại với nhiều chuyển động phong phú trong các hoạt động văn hoá - giải trí. Như hai mặt song hành của cuộc sống, có những sự kiện mang tính tích cực, tạo bước chuyển mới mẻ nhưng vẫn còn không ít góc tối, tác động không nhỏ đến tâm thế người thưởng thức. 

Bài 1Nhạc Việt 2018: Năm của những 'người lạ'

Bài 2Điện ảnh Việt 2018: Niềm vui đến từ thất bại doanh thu

Bài 3: Gameshow 2018: Vẫn chỉ 'ăn xổi'

Bài 4Kịch TP.HCM: Một năm vui ít buồn nhiều

Bài 5:Nhan sắc Việt 2018: Chỉ có 'chấm sáng' H'Hen Niê trên bức tranh màu xám

Năm 2018 kết thúc, khép lại một năm có khá nhiều sự kiện của sân khấu (SK) cải lương ở cột mốc 100 năm hình thành và phát triển. Cải lương sẽ tiếp tục hành trình của mình ra sao sau một thế kỷ, đó là điều được nhiều người làm nghề và khán giả quan tâm.

Những mảng màu sáng

Hai sự kiện quan trọng của sân khấu cải lương là Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 và Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển khiến 2018 trở thành một năm khá nhộn nhịp của sân khấu cải lương.

Cai luong 2018: Dau an 100 nam
Thầy Ba Đợi - vở cải lương đầu tiên đánh dấu sự kết hợp của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc

Điểm nhấn đặc biệt nhất của cải lương 2018 là sự kết hợp lần đầu tiên của nghệ sĩ cải lương hai miền Nam-Bắc trong vở Thầy Ba Đợi. Tuy chưa khắc họa rõ ràng những đóng góp của Thầy Ba Đợi đối với cải lương miền Nam như kỳ vọng, nhưng đây vẫn là bản hòa âm khá đẹp để kỷ niệm cột mốc mang nhiều ý nghĩa của cải lương và mở ra những kế hoạch hợp tác mới giữa nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc.

Lần đầu tiên liên hoan các đơn vị cải lương xã hội hóa (XHH) có cuộc đổ bộ khá rầm rộ ở Liên hoan sân khấu cải lương: công ty TNHH Vĩnh Lộc, SK Lê Hoàng, công ty truyền thông văn hóa VHT, công ty Hồng Lạc Xuân- SK Thanh Nga, công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long… Điều này cho thấy dù gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn nhưng cải lương của TP.HCM vẫn có một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đang cố gắng bám sân khấu.

Cai luong 2018: Dau an 100 nam
Hồn của đá - vở cải lương của tư nhân được đánh giá cao tại LHSKCL

Liên hoan SK cải lương cũng cho thấy sự trưởng thành của một thế hệ diễn viên là những gương mặt đoạt giải cao của các cuộc thi tìm kiếm giọng ca Chuông vàng Vọng cổ: Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Mẹo, Tô Tấn Loan, Nguyễn Thị Luận, Nhã Thy… Dù chưa thật xuất sắc và đạt được sự tinh tế trong ca diễn, nhưng các gương mặt này vẫn cho thấy sự tiến bộ so với thời gian mới đoạt giải.

Cuối năm 2018, sân khấu cải lương nhận được khá nhiều tin vui: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã bắt đầu triển khai kế hoạch biểu diễn thường xuyên. Tháng 12 đã có hai xuất diễn với vở Tìm lại cuộc đời Máu nhuộm sân chùa.

Cũng thời điểm này, Nhà hát Trần Hữu Trang đã hoàn tất chương trình triển lãm sắp đặt và biểu diễn cải lương. Sau những suất diễn trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 100 năm cải lương, chương trình sẽ được tiếp tục triển khai phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM để xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ du khách.

Cai luong 2018: Dau an 100 nam
Giấc mộng đêm xuân - vở cải lương được dàn dựng trong chuỗi hoạt động 100 năm SK cải lương.

Những gam màu trầm

Những mảng màu sáng trong bức tranh tổng thể dường như vẫn chưa đủ sáng để che bớt những gam màu trầm, vốn đã tồn tại từ rất lâu ở sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương đang thiếu một đội ngũ kế thừa cả về diễn viên lẫn tác giả, đạo diễn.

Diễn viên trẻ trưởng thành từ các cuộc thi tìm kiếm giọng ca cải lương nhiều và có sự tiến bộ so với chính mình, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế hệ nghệ sĩ đi trước về sự phối hợp trong ca diễn. Thiếu sự tinh tế trong khai thác tính cách tâm lý nhân vật, đa phần các diễn viên trẻ hiện nay thiếu chiều sâu trong diễn xuất và không tự tìm được cho mình sự khác biệt khi thể hiện các nhân vật khác nhau.

Quan trọng hơn, khi được đặt để vào các vở diễn cổ trang, nhiều diễn viên rất lúng túng khi phải phối hợp các trình thức vũ đạo với ca, diễn, thậm chí có diễn viên chỉ biết quơ tay, múa chân mà bất chấp những quy định trong các động tác vũ đạo.

Cai luong 2018: Dau an 100 nam
Nhiều vở diễn tham gia LHSKCL không thể tổ chức biểu diễn vì không tìm được rạp hoặc giá thuê rạp quá cao.

Một vấn đề khác đã tồn tại từ nhiều năm nay: những quy định về tiền lương, mức bồi dưỡng… dành cho nghệ sĩ, diễn viên có nhiều bất hợp lý. Tổng thu nhập hiện nay của các diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang còn thấp hơn cả lao động phổ thông, điều này khó có thể khiến những người làm nghề có đủ động lực, tâm trí để gắn bó và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình cho sân khấu.

TP.HCM có khá nhiều đơn vị cải lương XHH nhưng lại thiếu điểm diễn. Cải lương đang trong thời điểm khó khăn trong tổ chức biểu diễn, bán vé doanh thu, trong khi đó chi phí thuê mướn rạp lại quá cao.

Khoản chi thuê mướn rạp làm nhiều đơn vị XHH “chùn tay” không dám dàn dựng vở diễn và tổ chức biểu diễn. Cũng vì không có rạp hát, các đơn vị cũng không thể chủ động được lịch tổ chức biểu diễn, khiến khó chồng thêm khó.    

Cai luong 2018: Dau an 100 nam
Triển lãm sắp đặt, biểu diễn nghệ thuật cải lương- chương trình sẽ trở thành sản phẩm văn hoá phục vụ khách du lịch của Nhà hát Trần Hữu Trang.

Cuối năm 2018, trong hai buổi tọa đàm về cải lương, những giải pháp dành cho cải lương do Sở Văn hóa  - Thể thao TP.HCM đề ra đã nhen lại những niềm hy vọng mới cho những người làm cải lương. 

Trong đó có những giải pháp đáng chú ý: Đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho sinh viên nghệ thuật mới ra trường, xây dựng chính sách “ươm mầm tài năng trẻ nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ kinh phí tái sản xuất cho các đơn vị trong và ngoài công lập, thông qua hình thức tổ chức các suất diễn phục vụ, chương trình sân khấu học đường. Đề xuất, tham mưu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn cho cải lương.

Để những giải pháp trở thành hiện thực cần phải có thời gian. Nhưng mong mỏi lớn nhất của những người làm nghề là họ sẽ không phải tiếp tục chờ đợi quá lâu, hoặc những giải pháp được đưa ra để rồi lại rơi vào yên lặng như đã từng xảy ra nhiều năm trước đây.

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI