Cà phê, Sài Gòn, tuổi trẻ lạc lối

12/07/2018 - 05:28

PNO - Mỗi người một suy tư, một trải nghiệm, nhưng cùng nhìn thấy nhau, kết nối với nhau trong câu chuyện chung về Sài Gòn.

Ở đó, có những quán cà phê, tuổi trẻ, đam mê, điên cuồng, lạc lối và những cuộc rượt đuổi tìm kiếm tình yêu đích thực.

Ca phe, Sai Gon, tuoi tre lac loi
Những nghệ sĩ trẻ của HBSO đã cống hiến một tác phẩm đặc sắc, mới mẻ và đầy tính khai mở

Những năm tháng đã qua

Vở múa Café Sài Gòn do biên đạo Joost Vrouenraets (Hà Lan) và Maite Guerin (Pháp) dàn dựng, hợp tác cùng đội ngũ diễn viên, biên đạo của Nhà hát Giao hưởng Nhạc - Vũ - Kịch TP.HCM (HBSO) đã có màn tái diễn ấn tượng vào tối 9/7 tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM).

Cuối năm ngoái, Joost Vrouenraets đã đến thăm Sài Gòn theo lời mời của biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, để bàn với nhau “cùng làm một cái gì đó”. Cho tới trung tuần tháng Sáu, Joost Vrouenraets và Maite Guerin sang Việt Nam với một… “ý tưởng rỗng”. Thế rồi, trong một lần lang thang phố xá, hình ảnh những quán cà phê Sài Gòn hiện ra trước mắt và nhanh chóng “bước” lên sàn diễn.

Được chia thành 3 chương nhỏ, Café Sài Gòn bắt đầu bằng khung cảnh lãng mạn, thanh tân của thuở mới yêu; rồi gặp phải hiện thực khắc nghiệt và cuộc sống vội vã ngược xuôi nên tình yêu phai tàn, chán nản, mệt mỏi, làm tổn thương nhau, cuối cùng chia tay. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó.

Thiết kế sân khấu tối giản, trang phục phong cách hoài cổ kết hợp với phần âm nhạc bay bổng, phóng khoáng, Café Sài Gòn vẽ ra không gian đầy hoài niệm của Sài Gòn giữa thế kỷ XX.

Ở đó, có những tháng năm tuổi trẻ vội vã đi qua, nhưng con người vẫn chưa một ngày thôi mộng ước về những điều đẹp đẽ. Câu chuyện không gói gọn một thời, một đời người “đã về kiếp nào” mà còn nói hộ nỗi lòng của những người hôm nay thông qua sự chắp cánh của hơi thở đương đại, vũ đạo mới lạ.

Thưởng thức Café Sài Gòn cũng giống cách những người bạn ngồi bên nhau, cùng nhau thưởng thức một ly cà phê sữa đá Sài Gòn - có đắng, có ngọt, có mát lành, để kể cho nhau nghe những câu chuyện của mình. 75 phút diễn viên tận hiến trên sân khấu cũng là 75 phút khán giả bước vào thế giới cảm xúc hỗn độn của riêng mình. Vở múa, vì thế, được cộng sinh, tái sinh bằng nhiều cuộc đời khác nhau.

Còn trẻ, cứ lao vào thôi!

Thành công của Café Sài Gòn có sự cống hiến của 9 nghệ sĩ múa của HBSO. Trừ Trần Hoàng Yến sinh năm 1989, những vũ công còn lại đều thuộc thế hệ 9x, gồm: Phan Thái Bình, Sùng A Lùng, Đặng Minh Hiền, Hà Ôn Kim Tuyền, Thu Trang, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Khánh Vi, Nguyễn Minh Tâm…

Suốt tác phẩm, không ít lần khán giả nín thở chứng kiến những động tác vũ đạo khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Để rồi sau tất cả, vẫn là những gương mặt ấy, đã kéo họ về một thời yêu si mê, điên cuồng đến dịu dàng.

Thông thường, một tác phẩm công phu thế này đòi hỏi thời gian tập luyện ít nhất 3 tháng. Song do hai biên đạo múa người nước ngoài chỉ có 3 tuần lưu trú, các diễn viên phải chạy đua với thời gian. Mỗi ngày tập từ 8g - 17g, với cường độ cao, hầu hết diễn viên đều ít nhiều bị chấn thương. May mắn là mọi thứ đều ổn thỏa.

Biên đạo Joost Vrouenraets nói: “Café Sài Gòn không đặc biệt vì âm nhạc hay biên đạo nước ngoài mà đặc biệt ở diễn viên và vũ đạo họ thể hiện. Các nghệ sĩ đã tiếp cận với cách thể hiện mới, ý tưởng mới không hề do dự, ngược lại, còn rất nhiệt tình hưởng ứng. Họ là những người trẻ có hoài bão, đã truyền năng lượng cho vở diễn này”.

Phan Thái Bình kể, với Café Sài Gòn, anh và những cộng sự có cơ hội tiếp cận những điều hết sức mới mẻ. Thứ giáo trình ballet khuôn khổ mà các diễn viên múa Việt Nam được học, về căn bản, không được sử dụng trong tác phẩm này.

Joost Vrouenraets và Maite Guerin lúc nào cũng khuyến khích các vũ công hãy là chính mình khi thể hiện - không cần phải đá chân cho cao, uốn dẻo lưng mà cứ để động tác đi từ cảm xúc, suy tư đời thường nhất của mình - càng tự nhiên, càng chân thực càng tốt.

“Chúng tôi còn trẻ, dù khó, vẫn cứ lao vào thôi. Bao sáng, chiều nối tiếp trôi qua, để hôm nay có một Café Sài Gòn cho khán giả” - Phan Thái Bình nói thêm.

Có một điểm khá đáng tiếc ở Café Sài Gòn. Để mở ra không gian Sài Gòn xưa, đồng thời chắp cánh, khơi gợi cảm xúc cho diễn viên cũng như khán giả, ê-kíp đã cố gắng chọn ra những bản nhạc xưa, nổi tiếng của nước ngoài lồng vào tác phẩm, như Donna Donna, What a wonderful world… Tất nhiên đó đều là những nhạc phẩm bất hủ, nhưng giá như có thêm những ca khúc của Việt Nam giai đoạn đó, sẽ mang lại hiệu ứng đặc biệt hơn.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI