Bùi Xuân Phái không còn 'độc nhất' trong dòng tranh Hà Nội

26/09/2018 - 06:00

PNO - Lâu nay, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẫn 'một mình một cõi' trong dòng tranh về đề tài Hà Nội. Thế nhưng, nhiều người không biết rằng, trước ông còn có một người nữa.

Vẽ bằng ý hướng

Triển lãm Điều kỳ diệu vừa diễn ra mới đây tại TP.HCM hé lộ chân dung một tác giả tài hoa: họa sĩ Văn Xương (1917-1988), chủ nhân của nhiều bức tranh vẽ Hà Nội.

Là một họa sĩ thành danh, có 3-4 triển lãm cá nhân trước năm 1954  và là một trong hai đại diện của Việt Nam (cùng với họa sĩ Diệp Minh Châu) vừa có tranh vừa có tượng tham gia triển lãm của 12 nước xã hội chủ nghĩa được tổ chức tại Liên Xô cũ (nay là Nga) vào năm 1958. Thế nhưng sau đó, vì nhiều lý do, ông không được biết đến nhiều với lứa công chúng sau này. Đây là lần đầu tiên, 101 tác phẩm của ông, đa phần là vẽ về Hà Nội, được trưng bày công khai.

Theo tư liệu để lại, họa sĩ Lê Văn Xương vẽ phố phường Hà Nội khá sớm - từ cuối thập niên 1940 và gần như trọn vẹn cả thập niên 1950. Ông vẽ bằng vật liệu phấn tiên, bột màu... là chủ yếu. Ngoài ra ông còn vẽ sơn dầu và màu nước cho chủ đề này.

Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
Họa sĩ Lê Văn Xương

Nhà nghiên cứu Quang Việt đánh giá: “Ông Văn Xương ‘lớn’ hơn nhiều người nghĩ. Tôi khá ngạc nhiên khi triển lãm tranh của ông được tổ chức tại TP.HCM mà không phải là Hà Nội. Bởi lẽ, tranh ấy, phải trưng bày ở Hà Nội mới đúng chất. Những người sống ở Hà Nội sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn cũng như chia sẻ được với tinh thần của Văn Xương hơn so với những người ở nơi khác. Khi xem tranh, họ sẽ nhận ra, ông đã vẽ góc phố nào, con đường nào của Hà Nội”.

Trong cảm nhận của nhà nghiên cứu Quang Việt, họa sĩ Văn Xương vẽ phố Hà Nội không như phố Hà Nội thực mà như ý muốn, ý hướng của ông nhiều hơn. Phố Hà Nội bé lắm, lại chật chội. Bằng hội họa, Văn Xương đã lột tả lại một Hà Nội quang đãng, nhẹ nhàng, thư thả, thanh bình.

Nhà nghiên cứu Quang Việt chỉ ra một điều đặc biệt: ông Văn Xương vẽ Hà Nội, tuy là một vùng xứ nóng, nhưng trong tranh lại hiện lên rất mát mẻ. Điều đó vừa xuất phát từ nhu cầu của nghệ thuật, vừa biểu lộ tâm hồn, sự rung động của Văn Xương trước Hà Nội. Xem hình ảnh Hà Nội trong tranh ông, có cảm giác nghiêng về mùa xuân, mùa thu, mùa đông. Nếu có cảm giác về mùa hạ, đó cũng là một mùa hạ không chói gắt.  

Lâu nay, trong hội họa, nhắc đến đề tài Hà Nội, người ta thường nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái như một dấu ấn độc tôn. Thậm chí, người ta còn gọi “phố Phái” để ám chỉ về phố cổ Hà Nội, khi đặt trong tương quan với phố Hoài (Hội An). Thế nhưng, triển lãm mới đây đã nói với công chúng một “hiện thực” khác của lịch sử hội họa Việt Nam: bên cạnh “phố Phái”, vẫn còn có “phố Xương”. Cả hai ông, đều vẽ rất thành công về đề tài Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Quang Việt cho rằng: “Việc họa sĩ Văn Xương không được biết đến nhiều so với họa sĩ Bùi Xuân Phái, vừa là thiệt thòi vừa là may mắn của ông. Nếu biết đến nhiều, chắc giờ cũng chẳng còn nhiều tranh để bây giờ chúng ta có cơ hội tiếp xúc”.

Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
 
Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
 
Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
Hà Nội trong tranh họa sĩ Văn Xương đầy sinh khí

Hà Nội được đặt trong tương quan đa dạng, đầy đủ

Ông Việt nói thêm: “Ông Phái có vẻ nổi tiếng hơn về vẽ phố Hà Nội, nhưng nếu chỉ có ông Phái thì không đủ. Đề tài nào cũng thế, không ai có thể vẽ đủ cả. Họa sĩ Văn Xương vẽ Hà Nội ở một cảm xúc khác - yêu đời, vui tươi, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Phố Phái hình như không có bóng dáng con người, nhưng phố trong tranh Văn Xương, đầy sinh khí, hơi thở con người. Ông chú ý bốn mùa với phố; chú ý buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều với phố; những sinh hoạt của con người với phố”.

Đặt trong bối cảnh chiến tranh, loạn lạc, nhiều khó khăn, họa sĩ Văn Xương vẫn giữ được cho mình một cái nhìn tươi tắn khi ngắm nhìn Hà Nội, quả là một điều hiếm có. Nhà nghiên cứu Quang Việt nói, giữa Bùi Xuân Phái và Văn Xương, ông không đánh giá ai hay hơn ai, ai vẽ đẹp hơn ai. Mỗi người đều hay một kiểu và cùng nhau làm cho hình ảnh Hà Nội được đặt trong một tương quan đa dạng, đầy đủ hơn.

Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
 
Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
 
Bui Xuan Phai khong con 'doc nhat' trong dong tranh Ha Noi
Có một Hà Nội khác: vui tươi, trong sáng nhưng vẫn không kém phần thâm trầm trong tranh Văn Xương

Trong ký ức của vợ ông, bà Trần Diệu Tiên: “Anh Văn Xương của tôi đã sống một cuộc đời rất thật. Nghĩ như thế nào thì nói như thế. Nghĩ như thế nào thì vẽ như thế. Làm như thế nào thì phải làm đúng như thế. Yêu thì nói là yêu, ghét thì nói là ghét. Tình yêu của anh thể hiện qua những bức tranh của anh. Tranh sao, người vậy”.

Qua triển lãm, bà Diệu Tiên mong muốn tranh của Văn Xương, không nhiều thì ít, mang lại “chút rung động” dành cho Hà Nội xưa: một Hà Nội những năm “sạch sẽ”, một Hà Nội mỗi buổi chiều có hàng bún ốc, một Hà Nội êm ả, du dương, ai cũng muốn sống ở đó. Xem tranh Văn Xương, để thấy một Hà Nội ngày xưa ấy.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI