Bolero: một vòng tuần hoàn, từ tranh cãi đến... sống dai

26/08/2017 - 12:00

PNO - Khoảng 5 năm trở lại đây, như một đề tài thường niên, mỗi năm đôi lần lại có ca nhạc sĩ nào đó đặt ra vấn đề về sự sang hèn, về thẩm mỹ tiêu cực, về sự thụt lùi âm nhạc khi dòng nhạc bolero lên ngôi.

Bolero làm nhạc Việt thụt lùi?

Sẽ chẳng thể có một đích đến chung với những quan điểm cá nhân, nhất là quan điểm về nghệ thuật. Sẽ rất lộng ngôn nếu nhân danh bất kỳ điều gì để phán xét một dòng chảy âm nhạc, dù dòng chảy đó đang cuộn trào hay chỉ nhỏ giọt trong lòng công chúng.

Có lẽ vì thế mà hơn một lần, những nhận định về bolero đã gây ra cuộc tranh cãi không nhỏ. Nếu như 4 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung khiến nhiều người bức xúc khi cho rằng “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường” thì mới đây, Tùng Dương cũng làm dậy sóng với phát biểu “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc bolero đúng là sự thụt lùi”.

Vậy còn bạn? Bạn nghĩ gì về dòng chảy bolero, về sự tràn ngập của bolero trên thị trường hiện nay? Hãy gửi nhận định cá nhân của bạn về diễn đàn Bolero làm nhạc Việt thụt lùi? do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, qua email giaitri@baophunu.org.vn. Những ý kiến được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút, tuỳ theo chất lượng bài viết.

Tùng Dương chê bolero: Cũng là chuyện thường thôi!

Showbiz Việt kẻ phẫn nộ người tổn thương khi Tùng Dương chê bolero

Hãy tha cho âm nhạc!

Tôi kinh ngạc với khái niệm 'kền kền âm nhạc'!

Bolero có tội tình gì!

Có một thứ quá khứ Tùng Dương không chạm vào được


Và những phát ngôn ấy, lần nào cũng vậy, lại gợi lên một cuộc tranh cãi bất tận về tính chính danh, về nghệ thuật và nhiều nhất là những điều ít liên quan đến âm nhạc, thậm chí ít liên quan đến cả bolero. Bolero là một thể điệu, như đã biết, xuất phát từ Tây Ban Nha, biến cải khi đến Cuba, biến dạng lần nữa khi đến và đâm chồi trổ xanh um trên mảnh đất âm nhạc Việt Nam trong một thời đoạn đặc biệt.

Bolero: mot vong tuan hoan, tu tranh cai den... song dai
Nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Lê Minh Sơn là những người đã có nhận định về bolero gây tranh cãi

Cuộc tranh cãi về bolero thường niên, thường không bắt đầu bằng các vấn đề về âm nhạc, điều hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng với các nhà chuyên môn, để có thể hiểu được tại sao người Việt lại chấp nhận nhanh và yêu mến các bài nhạc viết theo điệu này. Tại sao bolero tại Việt Nam được chơi với nhịp độ (tempo) chậm hơn các nơi khác? Tại sao nhạc bolero có thiên hướng kể chuyện, tự sự? Không ai trả lời, lý giải cả, họ bận nói về sự thụt lùi, về ủy mị vàng vọt, về kéo lùi xã hội… ở phía bênh vực cũng chỉ nói về sự chia cắt, về đứt gãy, về việc lựa chọn, về vùng miền…

Không lý giải ở chuyên môn đã đành, cái nhìn âm nhạc như một hiện tượng xã hội để hiểu hơn hay thậm chí để biết tâm thế sống của người dân, người thưởng ngoạn cũng không được nói nhiều đến trong các tranh luận. Dù bị một nghệ sĩ nhân dân chê là “ủy mị vàng vọt” chứ không “trong sáng” như cách nói cũ về một văn hóa phái sinh của đô thị miền Nam thời chiến thì cũng không thể phủ nhận việc dòng nhạc bolero đã và đang phát triển mạnh trên cả nước, tức là cả ở các tỉnh phía Bắc. Trên mọi chuyến xe đò, quán nước, hay cả các salon Hi-End sang trọng cả nước, dòng nhạc ấy lừng lững hiện diện.

Clip Quang Lê hát Hai chuyến tàu đêm:

 

Được nghe nhiều, tức dòng nhạc ấy đáp ứng được điều gì đó mà tâm thức xã hội đang cần, một tâm thức cộng đồng trong âm nhạc. Nhu cầu thưởng thức vì thế phản ánh hay thậm chí là một đồng hồ dự báo phong khí xã hội.

Khởi đầu từ những ngày chiến tranh khởi động, phát triển vào lúc cường độ chiến tranh gia tăng, dòng nhạc bolero đã phát triển với sự bất an thường trực cùng nhu cầu tìm kiếm sự an ủi. Đó là lý do dòng nhạc của Trúc Phương, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ theo điệu bolero… vẫn là món ăn tinh thần ở nửa cuối những năm 1960 cùng với nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy… dù là 2 cách an ủi khác nhau. Sự dễ hiểu, tìm thấy câu chuyện của mình trong các tự sự, nỗi an bình xưa cũ, đồng cảm với nỗi bất an, hay thấy mình may mắn hơn trong các câu chuyện, lãng mạn quãng sống nhiều nguy hiểm, biết bao là lý do để người ta nghe nhạc bolero.

Bolero: mot vong tuan hoan, tu tranh cai den... song dai
Tùng Dương và phát ngôn của mình

Nhạc bolero trước đây cũng đã có lúc “bị” gọi là nhạc thời trang, nhạc nghe giữa những quãng sống, giữa nỗi an bình ngắn ngủi chờ những biến cố tiếp theo, giữa những bơ vơ không rõ gương mặt ngày mai. Và bây giờ, bolero trở lại, trở lại mạnh mẽ, phải chăng trong vòng tuần hoàn, sự tiếp đón nồng nhiệt của lớp người nghe mới cho thấy những bất an bên trong hay có điểm tương đồng nào đó trong không không khí sống?

Chọn nhanh vài câu ca như “Còn tôi đêm mơ, còn tôi đợi chờ, thì dù xa xôi tôi vẫn là của người…” là một ước ao về an bình, bền vững. “Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm…” là khát khao những đẹp đẽ, yên ả. “Đời còn nhiều bâng khuâng. Có ai vì thương góp nhặt ân tình này…” là giấc mơ hàn gắn, yêu thương. Người nghe bây giờ thích cũng có lý do chứ!

Clip Jang Mi hát Duyên phận:

 

Đến các bài bolero “phục dựng” như bài Duyên phận đạt khá nhiều thành công có vẻ cũng vì mang dáng dấp các câu chuyện tự sự cũ đó. Cả câu chuyện cô gái ước ao “không muốn yêu ai được không” cũng là motif cũ về cô gái không tự chủ được hôn nhân khá quen trong dòng nhạc bolero cũ nhưng vốn không phải là câu chuyện phổ biến hiện nay. Thế thì tại sao, một bài nhạc được viết gần đây, dựa trên một phong cách nhạc không mới, kể một câu chuyện cũ và không mấy điển hình lại được người trẻ hát và nghe nhiều đến thế?

Vậy không chỉ là nhạc bolero cũ mới quyến rũ, nhạc viết theo cách cũ cũng thành công, nếu người nghe có nhu cầu nghe các câu chuyện cũ ắt hẳn họ có lý do bên trong, những lý do có thể đến từ xã hội bên ngoài.

Nam Thụ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI