Bình chọn ở các cuộc thi nhan sắc: Khán giả 'ngây thơ', nhà tổ chức thu lợi

28/10/2019 - 07:43

PNO - Chuyện thí sinh xuất hiện ở đâu, được làm gì... cũng phải chịu áp lực từ những lá phiếu bình chọn, mà lẽ ra không nên có.

Khán giả, một mặt được trao quyền, nhưng một mặt cũng biến thành nước cờ bị điều khiển hoàn toàn bởi ban tổ chức cuộc thi nhan sắc, trong cuộc đua bình chọn. Ngoài việc tác động đến những phần thi chính, lá phiếu bình chọn cũng dần thể hiện “uy lực” đến cả việc ăn uống, xuất hiện của thí sinh - điều lẽ ra họ không nên chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.

Quyền lực trao tay khán giả

Những tháng cuối năm là thời điểm sôi động nhất của các đấu trường nhan sắc. Tuy nhiên, khi quá nhiều cuộc thi cùng tồn tại, khán giả gần như rất khó để nhớ mặt, gọi tên cho chính xác. Để xác lập sức ảnh hưởng và quảng bá thương hiệu của mình, các nhà tổ chức buộc phải có sự đổi mới so với mô-típ tổ chức truyền thống, và khán giả chính là đối tượng để họ tập trung khai thác nguồn lợi.

Binh chon o cac cuoc thi nhan sac: Khan gia 'ngay tho',  nha to chuc thu loi
Tại các cuộc thi quốc tế, phần bình chọn có lợi thế nghiêng về một số quốc gia nhất định

Sự thay đổi rõ nét nhất trong vài năm trở lại đây là quyền lực của khán giả ngày càng được xác lập nhiều hơn trong các cuộc thi nhan sắc, thông qua các lá phiếu bình chọn. Vé vote gần như không thể vắng mặt tại những sân chơi này, từ trong đến ngoài nước, và ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh hơn.

Nếu trước đây, phần bình chọn chỉ quyết định giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất, thì nay đã tác động lên hầu hết những phần thi như: trang phục truyền thống, kỹ năng catwalk, vóc dáng, gương mặt đẹp - những yếu tố cần ý kiến chuyên gia với chuyên môn nhất định. Thậm chí, vé bình chọn còn quyết định thứ hạng cao của thí sinh ở đêm chung kết như: Hoa hậu Thế giới (top 10+1), Hoa hậu Hòa bình quốc tế (một vé top 10), Hoa hậu Siêu quốc gia (một vé top 20/25)... 

Quyền lực được trao tay khán giả, nhưng thực tế lợi ích của việc này hầu như tập trung vào ban tổ chức các cuộc thi, từ việc tăng lượt tương tác, lượt theo dõi của các fanpage (nhằm tăng hiệu quả quảng bá trên mạng xã hội), đến việc đổ nguồn lợi gián tiếp, trực tiếp vào các ứng dụng bình chọn do nhà tổ chức lập ra, hoặc liên kết với các đối tác. Quyền bình chọn tạo cơ hội để khán giả thể hiện sức ảnh hưởng của mình lên các cuộc thi nhan sắc, nhưng ở bề chìm lại cho thấy sự mất cân bằng.

Mặt trái của quyền lực mềm

Với những cuộc thi trong nước, cuộc đua bình chọn gần như chỉ thuộc về những nhân tố nổi bật, đã có lượng khán giả đông đảo biết mặt. Chẳng hạn như tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Hoàng Thùy gần như ẵm trọn các giải có tính bình chọn. Hay tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 đang diễn ra, Thúy Vân, Đào Thị Hà, Lê Thu Trang... luôn chễm chệ ở “mâm trên”. Đôi khi ở những giải được trao đi từ tấm vé bình chọn, người nhận không xứng đáng để có được nó.

Binh chon o cac cuoc thi nhan sac: Khan gia 'ngay tho',  nha to chuc thu loi
5 thí sinh được chọn dự tiệc tối cùng ông Nawat, một số thành viên BTC và đương kim Hoa hậu Hoà bình Quốc tế nhờ bình chọn trước đó.

Ở phạm vi quốc tế, giải bình chọn gần như chỉ là sân chơi riêng của một số quốc gia châu Á như: Mông Cổ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines... hoặc thêm một số quốc gia châu Mỹ nổi bật về lĩnh vực thi nhan sắc. Những đại diện đến từ châu Âu, châu Phi... gần như bị hất cẳng khỏi cuộc đua này, bởi khán giả nước sở tại không mặn mà, hoặc chí ít không có điều kiện tiếp xúc với thể thức bình chọn.

Mặt trái còn lại, vé vote còn cho thấy sự thiếu văn minh trong cách ứng xử của khán giả. Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa khán giả Việt Nam và Campuchia tại Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2018 trong phần bình chọn trang phục truyền thống với những lời lẽ xúc phạm, thiếu tế nhị, là một trong những hệ quả xấu có thể nhìn thấy rõ từ tấm vé bình chọn.

Nhưng, bỏ qua những bất cập trên, ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc vẫn bằng mọi cách kéo khán giả vào cuộc đua này, kể cả chẻ nhỏ các hoạt động bình chọn, và ngày càng manh mún. Khi ban tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2019 ra thông báo bình chọn để lọc ra top 20 thí sinh tham gia trình diễn trong sự kiện giới thiệu những chiếc vương miện lịch sử của Venezuela (nơi đăng cai cuộc thi năm nay) ngày 25/10. Ngay lập tức, cuộc chiến của những nút like, share bắt đầu với những cuộc rượt đuổi sát nút, mà sự nhọc công chỉ thuộc về khán giả.

Trước đó, khi các thí sinh đến Venezuela, ban tổ chức cuộc thi này cũng tổ chức một cuộc bình chọn để lọc ra năm thí sinh được dự buổi tiệc tối cùng ông Nawat - chủ tịch cuộc thi. Hình thức này bắt đầu được ban tổ chức đề ra từ năm 2018. Chiếc vé bình chọn, từ tác động ở những mảng lớn, đã bắt đầu tấn công vào những tiểu tiết nhỏ hơn, thậm chí lệch hướng. Chuyện thí sinh xuất hiện ở đâu, được làm gì... cũng phải chịu áp lực từ những lá phiếu bình chọn, mà lẽ ra không nên có. 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI