Bản quyền nhạc phim vẫn tùy tiện 'xài chùa'

02/11/2018 - 19:30

PNO - Chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc trong phim mới được xới lên, không phải riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Nhiều năm nay, chuyện bản quyền nhạc phim truyền hình cứ trong tình trạng 'lơ mơ', tùy tiện.

Không phải đến khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gửi đơn khiếu nại tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc trong phim mới được xới lên. Nhiều năm nay, chuyện bản quyền nhạc phim truyền hình cứ trong tình trạng “lơ mơ”, tùy tiện.

Ban quyen nhac phim van tuy tien 'xai chua'
Cả ba phim phát sóng trên VTV gần đây đều vi phạm bản quyền âm nhạc: Quỳnh Búp Bê, Cả một đời ân oánHôn nhân trong ngõ hẹp

Theo khiếu nại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca khúc Nhật ký của mẹ (cả phần nhạc và phần lời) đã được sử dụng trong tập 19 của bộ phim Quỳnh Búp Bê, đang phát trên kênh VTV3 mà chưa có sự đồng ý của tác giả. Đại diện VFC - Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, đơn vị làm phim Quỳnh Búp Bê - đã có văn bản xin lỗi gửi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Còn đạo diễn Mai Hồng Phong thì giải thích, đoàn phim không cố tình vi phạm tác quyền. Cá nhân ông cho rằng, trích đoạn bài hát Nhật ký của mẹ được nhân vật Quỳnh hát chay trong một phân cảnh thì... không sao.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh:
Quan trọng nhất là sự tôn trọng

Hai năm trước, tôi làm một phim ngắn, giúp em sinh viên Khoa Đạo diễn (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Trong phim có cảnh quay chiếc xe kẹo kéo phát một đoạn nhạc chỉ vài giây. Vì kinh phí lúc đó khá eo hẹp, chúng tôi ngỏ lời xin phép nhạc sĩ được trích đoạn nhạc và tác giả đã vui vẻ đồng ý. Lúc làm phim Cô Thắm về làng, chúng tôi về Nha Trang (Khánh Hòa), tìm đến tận nhà nhạc sĩ Giao Tiên xin phép sử dụng ca khúc của ông. Công ty có làm hợp đồng và trả tác quyền đàng hoàng. Vấn đề là khi mới nghe qua, nhạc sĩ đã rất sẵn lòng cho chúng tôi sử dụng ca khúc miễn phí. Đoàn phim phải thuyết phục ông để được trả tác quyền chính đáng. Vậy mới thấy, người trong nghề với nhau, nhiều khi không phải vì số tiền tác quyền ít ỏi, mà là sự tôn trọng.

Từ ca khúc Nhật ký của mẹ, VCPMC còn phát hiện thêm bài hát Nối vòng tay lớn cũng được sử dụng trong tập 19 của Quỳnh Búp Bê mà chưa xin phép. Rà soát thêm, còn có phim Cả một đời ân oán sử dụng ca khúc Gọi nắng (tập 64), Tuổi đá buồn (tập 65), Cả một đời thương nhớ (tập cuối). “Sự việc không chỉ dừng lại ở bộ phim Quỳnh Búp Bê mà VCPMC cũng tiến hành xác minh, ghi nhận bộ phim Cả một đời ân oán, Hôn nhân trong ngõ hẹp và nhiều phim khác chiếu trên VTV có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên của VCPMC” - văn bản của VCPMC gửi VFC viết. Nghĩa là, việc vi phạm tác quyền âm nhạc đã “phổ biến trên diện rộng”.

“Người làm nghệ thuật, điều cơ bản nhất là phải hiểu rõ và tuân thủ Luật sở hữu trí tuệ. Giả dụ sản phẩm của mình bị người khác sử dụng không xin phép, ắt không cam lòng. Vậy tại sao mình lại có thể vi phạm bản quyền sáng tạo của người khác? Tôi cho đó là kiểu làm nghề vô đạo đức” - một đạo diễn nói thẳng.

Ban quyen nhac phim van tuy tien 'xai chua'
Hôn nhân trong ngõ hẹp cũng bị phát hiên xài 'chùa' ca khúc

Nhiều năm trước, thời phim truyền hình phía Nam phát triển rầm rộ, từng có đơn vị làm phim bỏ nhỏ rằng họ có cách “lách” để sử dụng âm nhạc miễn phí, tiết kiệm một phần chi phí làm phim: sử dụng nguồn nhạc hòa tấu của nước ngoài. Nhưng nếu vin vào kinh phí làm phim thấp để né tránh nghĩa vụ tác quyền thì thật khó chấp nhận.

“Âm nhạc phục vụ cho phim thường chia làm hai thể loại: các ca khúc chủ đề và nhạc tình huống. Với các ca khúc chủ đề, chắc chắn nhà làm phim phải đặt hàng nhạc sĩ viết. Còn nhạc tình huống thì trên mạng cũng có trang cung cấp miễn phí, nhưng chỉ có vài bài rất đơn điệu. Muốn nhạc hay, phải mua theo gói. Nhạc hòa tấu nước ngoài thì một bài trung bình từ 70-80 USD. Nếu chỉ dùng một đoạn nhạc khoảng 30 giây cho một phân cảnh thì chi phí này có thể khá đắt, nhưng nếu mua theo gói và dùng nhiều lần, trong nhiều phim thì nhà sản xuất hoàn toàn có thể làm chủ được” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ. 

Ca khúc Nhật ký của mẹ

“Phim phát hành trên YouTube thì chuyện bản quyền càng phải chặt chẽ. Không chỉ âm nhạc, phần hình ảnh cũng bị hệ thống rà soát dữ liệu YouTube quét kiểm tra. Làm không cẩn trọng, khi xảy ra sự cố, dù nhỏ, vẫn ảnh hưởng lớn đến tác phẩm và danh dự của người làm nghề” - một chuyên gia về mạng cho biết. Không riêng nhạc phim, nhiều lĩnh vực sáng tạo khác cũng đầy rẫy chuyện vi phạm tác quyền. Nhưng hầu hết các vụ việc chủ yếu do người trong cuộc phát hiện và lên tiếng đòi công bằng. Nếu không, mọi thứ cứ chìm vào im lặng, coi như cho qua.

Theo tiết lộ của người trong giới, thủ thuật “hack nhạc” tức lấy link có bản quyền về phối lại. Phần nhạc được sử dụng theo cách này không phải bản gốc và sẽ bị chèn âm thanh mặc định. Người trong nghề xem phim sẽ dễ nhận biết đâu là âm nhạc được mua bản quyền, đâu là nhạc “hack”. 

Ban quyen nhac phim van tuy tien 'xai chua'
Gần đây phim Cả một đời ân oán cũng bị phát hiện vi phạm bản quyền việc sử dụng ca khúc


                                                                                                         Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI