Bản kinh Phật trên lá bối 2.000 năm vẫn còn nguyên nét mực

28/04/2016 - 07:19

PNO - Sáng 26/4, rất đông Phật tử, người dân, du khách tập trung về chùa Huyền Không để được tận mắt chiêm ngưỡng một phần của bộ thủ bản Tam tạng kinh...

Ban kinh Phat tren la boi 2.000 nam van con nguyen net muc
Lần đầu tiên các tăng ni, du khách, Phật tử được tận mắt xem và chiêm bái bản kinh Phật trên lá bối có niên đại 2.000 năm trước

Sáng 26/4, rất đông Phật tử, người dân và du khách tập trung về chùa Huyền Không (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để được tận mắt chiêm ngưỡng một phần của bộ thủ bản Tam tạng kinh quý giá có tuổi đời 2.000 năm. Bộ thủ bản triển lãm tại Huế (26-27/4) là một phần trong bộ sưu tập Schoyen được lưu giữ, bảo quản nghiêm ngặt trong một bảo tàng quốc gia ở Na Uy và được Giáo hội Phật giáo Thái Lan đề nghị chính phủ Na Uy cho mượn để triển lãm ở Thái Lan cùng các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.

Đây lần đầu tiên du khách và Phật tử Việt Nam được tận mắt chứng kiến bản kinh cổ viết tay trên lá bối (một loại cây cọ) còn gần như y nguyên nét mực dù đã có từ 2.000 năm trước. Nhiều người hẳn chưa quên hai tượng Phật cổ, lớn nhất thế giới đã bị phiến quân Taliban đánh sập ngay năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Chính gần vùng đất có hai tượng Phật bị đánh sập ấy người ta tìm thấy những bản kinh cổ viết trên lá bối. Kinh được khai quật trong chuỗi hang động nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, về sau cổ vật ấy thuộc bộ sưu tập Schoyen lưu giữ tại Na Uy.

Các tác phẩm về Phật giáo trong bộ sưu tập Schoyen bao gồm các bản chép tay trên da động vật, lá bối và vỏ cây bạch dương. Khi tìm thấy, các di vật hầu hết đã vỡ vụn. Người ta đã mất rất nhiều thời gian, tiền của và tâm huyết để ghép những mảnh vỡ nhỏ xíu ấy lại thành những đoạn kinh hoàn chỉnh trên những chiếc lá bối. Cho đến trước cuối năm 2015, khi triển lãm lần đầu tại Ấn Độ, chưa lần nào cổ vật vô giá này được đưa ra ngoài Na Uy.

Thượng tọa Thích Pháp Tông, Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng hệ phái Phật giáo Nam tông tại Thừa Thiên-Huế, trụ trì chùa Huyền Không, người có công lớn trong việc đưa di sản này đến VN, tiết lộ bộ thủ bản kinh Phật cổ xưa triển lãm lần này có những tờ (lá) là các đoạn trong Tạng kinh, Tạng vi diệu pháp, Tạng luật và các bản kinh của Mahayana.

Để có được triển lãm vào đúng dịp Festival Huế 2016, từ tháng 2/2016, ông Siam Saenkhat cùng các trưởng lão hòa thượng Thái Lan đã đến Huế, ghé thăm chùa Huyền Không để biết địa điểm trưng bày và báo cáo cho chính phủ Na Uy, đồng thời đưa ra quyết định chính thức đồng ý trưng bày cổ vật quý giá này tại không gian Phật giáo Huế.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI