Bài 6: Rạp hát Sài Gòn - Một thời rực rỡ

12/12/2018 - 15:00

PNO - TP.HCM giờ không còn mấy rạp cải lương. Dẫu vậy, cải lương vẫn có một sức sống lạ kỳ trong lòng dân Sài Gòn. Đó đây vẫn nghe văng vẳng tiếng đờn, tiếng ca của Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết.

100 năm cải lương -  Ký ức một thuở vàng son

100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.

Bài 1: Rạp Hưng Đạo: đại bản doanh của Thanh Minh - Thanh Nga

Bài 2: Olympic quanh năm sáng đèn

Bài 3: Rạp Nguyễn Văn Hảo - những dấu son trong ký ức người Sài Gòn

Bài 4: Rạp Quốc Thanh của Dạ Lý Hương

Bài 5: Gánh hát Thủ Đô và dấu ấn bầu Ba Bản

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật của Việt Nam, có lẽ chỉ cải lương mới đủ sức tác động vào sự ra đời hoặc mất đi của những rạp hát. Thập niên 1950-1960, ngoài ba rạp hát được xây dựng thêm cho cải lương là Olympic, Hưng Đạo và Quốc Thanh; nhiều rạp hát khác, chuyển đổi từ rạp chiếu bóng cũng ra đời.

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Rạp Văn Cầm ngày xưa

Không có sân khấu đại vĩ tuyến, cũng không hiện đại như Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh hay Olympic, rạp Thủ Đô lại được xem là đất lành của sân khấu cải lương thập niên 1960.

Tên gọi đầu tiên của rạp Thủ Đô là Eden Chợ Lớn, xây dựng vào khoảng giữa thập niên 1920. Khi cải lương phát triển, Eden Chợ Lớn được sửa chữa để chiếu phim xen kẽ hát cải lương. Dần dần, phim ảnh bị đẩy khỏi Eden Chợ Lớn

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Kép Người Khổng Lồ và NS Ba Vân, Bo Bo Hoàng

“Không biết chính xác Eden Chợ Lớn đổi tên thành Thủ Đô khi nào, nhưng vào thời hoàng kim của cải lương, khi những rạp lớn như Hưng Đạo, Quốc Thanh, Olympic hát mỗi ngày một xuất thì Thủ Đô luôn có hai xuất hát, khán phòng không còn một chỗ trống. Khán giả của Thủ Đô đa phần là những người buôn bán từ miền Tây lên. Sau khi mua bán xong, họ ở lại coi hát rồi mới lên xe về quê” - NSƯT Nam Hùng kể.

Thời đó, thường mỗi đoàn sẽ hát ở Thủ Đô từ 1-3 tuần. Muốn hát ở Thủ Đô, phải xếp hàng chờ. Sau 1975, Thủ Đô vẫn là thủ phủ của cải lương. Những dịp lễ tết, có đoàn phải hát liên tục 3 xuất/ngày, mỗi xuất thường hát một tuồng khác nhau; nhưng cũng có những tuồng đặc sắc, hát cả ba xuất vẫn đông nghẹt.

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Vợ chồng soạn giả Thu An và NS Ngọc Hương

Rạp chiếu bóng Thanh Bình (Q.1) được chuyển thành rạp hát cải lương vào đầu thập niên 1960 cũng là một sự kiện đáng chú ý. Để chuẩn bị cho ngày khai trương biển hiệu gánh hát Thủ Đô, bầu Ba Bản đã điều đình với chủ rạp Thanh Bình, sửa rạp chiếu bóng thành rạp hát có sân khấu đại vĩ tuyến.

Thanh Bình gắn liền với tên tuổi gánh Thủ Đô khoảng 3-4 năm sau đó với nhiều tuồng ăn khách: Sầu quan ải, Nát cánh phù dung, Dây oan, Cát Dung Phương tử… Đường Minh Phụng có rạp Tân Bình nổi tiếng với phim Ấn Độ. Cải lương phát triển, Tân Bình được sửa chữa, đổi tên thành rạp Cây Gõ.

Nhiều rạp chiếu bóng cũng nối gót như Minh Châu, Đại Đồng (Q.3), Kinh Thành, Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu), LUX (sau đổi thành Lao Động A-B), Văn Cầm (Phú Nhuận), Đông Nhì (Gò Vấp), Tân Mỹ (Nhà Bè)…

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
NSND Út Trà Ôn

Kinh Thành là rạp chuyên chiếu phim Ấn Độ và cao bồi. Thời cải lương hưng thịnh, vài lần chủ rạp mời các gánh về hát xen kẽ và lần nào cũng vậy, con đường trước rạp đông nghẹt khán giả giờ mở màn và lúc vãn tuồng. Dần dần Kinh Thành trở thành rạp cải lương, không còn chiếu phim.

Sau, rạp đổi tên thành Tân Định và vẫn chỉ có cải lương cho tới khoảng đầu thập niên 1990. Còn mỗi khi nhắc về Đại Đồng, nhiều nghệ sĩ vẫn có chung một thắc mắc chưa có lời giải: “Một số đoàn, khi hát ở những rạp gần khu vực Đại Đồng, có xuất hết vé có xuất không, nhưng cứ về Đại Đồng thì từ chiều, phòng vé đã treo bảng “hết vé”.

Cuối thập niên 1970, đầu 1980, khoảng 20 đoàn hát cùng trụ ở Sài Gòn, xoay tua ở các rạp. Sài Gòn có thêm nhiều rạp hát nữa như Kim Châu, Thanh Vân, Long Vân, Lệ Thanh, Hào Huê, Hồng Liên, Thăng Long… Theo NSƯT Kim Tử Long, thập niên 1980, Hào Huê (sau đổi thành Nhân Dân) là rạp hát lớn nhất khu Chợ Lớn, luôn rất đông khán giả. Khán phòng trên 1.000 chỗ ngồi, nhưng có lúc, mới 10g sáng, phòng vé đã đóng cửa vì hết vé.

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Trên nền rạp Thanh Bình xưa là cao ốc International Plaza

Sẽ rất thiếu sót nếu nói về rạp hát cải lương ở Sài Gòn mà không nhắc Norodom và Aristo. Tại vị trí của khách sạn New World ngày nay là rạp Aristo. Đầu thập niên 1940, nhận thấy khán giả đến xem hát ở sân khấu nhà hàng Aristo rất đông, chủ nhà hàng đã phá bỏ nhà hàng để xây rạp hát 800 chỗ ngồi.

Nhiều gánh hát về Aristo như Năm Phỉ, Phụng Hảo, Hoa Sen, Việt kịch Năm Châu… Aristo cũng là rạp hát khai trương bảng hiệu đoàn cải lương Kim Thanh - Út Trà Ôn. Có thời gian, năm nào tới ngày giỗ Tổ, các đoàn hát cũng tụ hội về Aristo để làm lễ cúng Tổ. Đến khi có ngôi nhà của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế (nay là Nhà Truyền thống Sân khấu) ở 133 Cô Bắc vào cuối thập niên 1940 thì lễ cúng Tổ sân khấu hằng năm mới chuyển về đây.

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Rạp Lệ Thanh đầu thập niên 1970

Tuy nhiên, đến khoảng đầu thập niên 1950, Aristo không còn hút khán giả. Chủ rạp hạ giá cho mướn, vẫn không nhiều đoàn muốn về hoặc có về thì các xuất hát cũng ế ẩm. Norodom cũng có những dấu ấn của cải lương khi đoàn Việt kịch Năm Châu về hát tại đây vào thập niên 1950.

Tuy nhiên, do rạp nằm đối diện với doanh trại quân đội nên rất khó kéo khán giả đến. Norodom sau trở thành trụ sở của xổ số kiến thiết và giờ hiện là khu đất trống, đang chờ xây dựng thành khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ.
Tiền mướn rạp thời hoàng kim cải lương thường tính theo tỷ lệ phần trăm tiền bán vé, dao động từ 6% tới 20%. Trong suốt thời gian hát ở rạp, đoàn sẽ được sử dụng sân khấu để tập luyện mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Bai 6: Rap hat Sai Gon - Mot thoi ruc ro
Rạp Thủ Đô ngày nay

Cải lương ngày một vắng khách, các rạp dần chuyển đổi công năng hoặc đóng cửa. Cây Gõ, Tân Định, Cao Đồng Hưng trở thành nhà sách của Fahasa. Đại Đồng giờ là điểm diễn của Kịch Sài Gòn. Văn Cầm thành trụ sở ngân hàng VietinBank. Thanh Bình nay là cao ốc International Plaza. Hào Huê là nơi biểu diễn ca nhạc, tạp kỹ trước khi trở thành trụ sở của Đoàn Rối TP.HCM, rồi Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.

Đầu tháng 11/2018 Hào Huê lại được bàn giao cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM để làm nơi tập luyện. Lao Động A-B một thời gian là vũ trường Monaco, sau là trung tâm giải trí. Tháng 5/2017, cùng với rạp Công Nhân, nơi đây đã được UBND TP.HCM duyệt đề xuất đầu tư xây hai khu phức hợp văn hóa. Dự án chưa khởi công và rạp vẫn đóng cửa.

TP.HCM giờ không còn mấy rạp cải lương. Dẫu vậy, cải lương vẫn có một sức sống lạ kỳ trong lòng dân Sài Gòn. Đó đây vẫn nghe văng vẳng tiếng đờn, tiếng ca của Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết - Hùng Cường, Minh Vương - Lệ Thủy, Thành Được - Út Bạch Lan… 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI