Bài 5: Chuyện về Trường Mỹ thuật Đông Dương

23/08/2018 - 19:00

PNO - Cuộc đời thật lạ. Có những việc quan trọng được khơi dậy, rồi thành công rực rỡ, lại bắt đầu từ sự gặp gỡ rất tình cờ.

Năm 1922, nhờ đoạt giải thưởng Grand Prix de l’Indochine, họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (1870-1937) được suất học bổng đi nghiên cứu hai năm tại Đông Dương. Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn vật của Việt Nam - đối với ông vừa hấp dẫn, quyến rũ nhưng cũng vừa xa lạ...

Bai 5: Chuyen ve Truong My thuat Dong Duong
Họa sĩ Nam Sơn

Trong một chiều mưa rét mướt, lạnh tê tái với nỗi nhớ cố hương, Victor Tardieu thả những bước chân lang thang trên 36 phố phường và như một xui khiến của định mệnh, ông đến Hội quán sinh viên An Nam, vừa thành lập tại số 9 Vọng Đức.

Tại đây, ông đã gặp Nam Sơn (1890-1973) - chàng họa sĩ trẻ đang trang trí cho hội quán. Sau những lời xã giao, họ nhận ra đây chính là người lâu nay mình mong gặp - người cũng đang ấp ủ một hoài bão lớn: thành lập trường mỹ thuật tại Hà Nội.

Từ đó, họ gắn với nhau như hình với bóng và học tập lẫn nhau. Nam Sơn hướng dẫn cho Tardieu về nét đẹp trầm mặc Á Đông qua những nét điêu khắc, chạm trổ trên các đình chùa, lăng miếu. Ngược lại, Tardieu dạy Nam Sơn phương pháp tiếp cận với chất liệu hội họa phương Tây hiện đại.

Khi Tardieu nhận lời thực hiện bức sơn dầu khổ lớn trang trí cho giảng đường Đại học Y khoa Hà Nội, Sơn Nam đã đóng góp nhiều công sức cho người thầy, người bạn của mình.

Bai 5: Chuyen ve Truong My thuat Dong Duong
Tác phẩm Chợ gạo bên sông Hồng của Nam Sơn

Họa sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Văn Thọ, quê gốc Yên Lãng - Vĩnh Yên. Từ nhỏ, lúc học chữ Nho với các cụ Phạm Như Bình, Nguyễn Sĩ Đức, ông đã được thầy dạy thêm về vẽ. Từ những kiến thức theo lối vẽ Á đông, Nam Sơn mày mò tự học, trở thành một họa sĩ tài năng.

Năm 18 tuổi, ông được nhận vào làm ở Sở Tài chính Hà Nội. Thời điểm này, Nha Học chính Đông Pháp giao các nhà giáo Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận... biên soạn các bộ sách Quốc văn giáo khoa thư cho học sinh các lớp sơ đẳng, dự bị, đồng ấu... Các thầy đã được mọi người giới thiệu tìm đến họa sĩ Nam Sơn để nhờ vẽ minh họa bài học trong sách.

Rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, các tờ báo như Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí... đã mời ông minh họa. Tiếng tăm Nam Sơn dần được nhiều người biết đến.

Đầu thế kỷ XX, từ sự giao thoa, va chạm giữa văn hóa Đông - Tây, một số trí thức đã ý thức gạn lọc tinh túy văn hóa của ta và Tây để xây dựng một nền văn hóa mới, hiện đại.

Nhiều loại hình nghệ thuật có thể mày mò, tự học, nhưng mỹ thuật thì phải qua trường lớp. Người Việt Nam đầu tiên theo học hội họa cổ điển phương Tây là Lê Huy Miến (1874-1943), nhưng lại học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Paris.

Năm 1923, Nam Sơn trao cho Tardieu bản Đề cương Mỹ thuật Việt Nam. Có thể xem đây là một trong những viên gạch nền xây dựng trường mỹ thuật đầu tiên của nước nhà mà nay đọc lại vẫn còn tính thời sự, gợi mở bao điều. Trong đó, ông liệt kê các môn học, cách dạy, thời gian học… nhằm mục đích “tạo nên một nền nghệ thuật cho quốc gia Việt Nam”. Đó chính là tầm vóc của Nam Sơn.

Sau khi đọc bản đề cương, Tardieu hăng hái gửi đơn lên chính quyền xin mở trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 24/11/1924, Toàn quyền Đông Dương chấp thuận. Ngày 18/2/1925, Phó toàn quyền Đông Dương - René Robin - ký Quyết định số 635, cử Nam Sơn “tháp tùng ông Tardieu, Giám đốc Trường Mỹ thuật, sang Pháp để tuyển nhân sự giảng dạy cần thiết cho trường này”.

Khi sang Pháp, họ đã tìm được họa sĩ Joseph Inguimberty. Thời gian này, Nam Sơn cũng tranh thủ theo học các lớp hội họa do Tardieu giới thiệu. Với năng khiếu đặc biệt, ông nhanh chóng tiếp thu những kỹ năng mới của hội họa châu Âu. Cũng trong thời gian này, ông đã kết bạn với hai danh họa nổi tiếng là Foujita (Nhật Bản) và Từ Bi Hồng (Trung Quốc).

Có một chi tiết tưởng cũng nên nhắc lại. Đúng lúc trở về Việt Nam để tổ chức tuyển sinh, chẳng may Tardieu bị ốm, phải ở lại Pháp. Nam Sơn và Joseph Inguimberty đứng ra cáng đáng mọi công tác, thủ tục hành chính để trường khai giảng đúng thời gian quy định.

Cũng như ở Pháp, mỗi khóa học tại Trường Mỹ thuật là 5 năm. Nhiều học viên của trường về sau là những tài danh làm rạng rỡ nền hội họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị…

Theo nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: “Với sự du nhập của lối họa cổ điển châu Âu, nghệ thuật Việt Nam có sự biến đổi lớn. Khả năng mô tả hiện thực thị giác là điều nghệ thuật truyền thống chưa làm và chưa bao giờ đặt ra. Hội họa giá vẽ với các thể loại tranh chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, sinh hoạt có khả năng trình bày một cách trực quan đời sống thế tục, phi tôn giáo. Lớp công chúng thị dân hình thành cùng với việc xác định hình thái nghệ sĩ cũng thay thế cho hoạt động thủ công và thợ vẽ ngày xưa. Do vậy, không đơn giản chỉ là một trường họa mới, một lối vẽ mới, mà là sự hình thành của một nền nghệ thuật mới”.

Ngày 15/2/2001, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có buổi tọa đàm chủ đề Họa sĩ Nam Sơn và mỹ thuật Việt Nam với sự góp mặt của nhiều thế hệ họa sĩ và các tầng lớp trí thức. Kết luận từ tọa đàm này, ngoài nhấn mạnh đến vai trò tiên phong, đồng sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, còn ghi nhận quan điểm tiến bộ về mỹ thuật của ông.

Nhìn lại đóng góp của họa sĩ Nam Sơn, lại nhớ đến bài thơ Tú Mỡ viết tặng ông từ năm 1923: “Diễn đàn nghệ thuật cưa không đứt/ Nghe chuyện dâm ô lỉnh thật xa/ Chuyên vẽ không nề thân yếu lướt/ Tìm thầy chẳng quản nỗi xông pha”.

Hiện nay, tác phẩm Chợ gạo bên sông Hồng của Nam Sơn (từng triển lãm tại Mỹ thuật Quốc tế Paris năm 1932) là bức tranh mực nho đầu tiên và duy nhất của mỹ thuật Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.

Lê Minh Quốc

Bài 6: Thơ mới từ Tình già

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI