After-credit: Mồi nhử khán giả

10/07/2019 - 07:33

PNO - After-credit lâu nay đã được xem là đặc sản không thể thiếu trong những “bom tấn” Hollywood và món “tặng kèm” này ngày càng chứng tỏ sức hút không thua gì bản thân bộ phim.

Những ngày qua, phòng vé khắp toàn cầu (trong đó có Việt Nam) rung lên vì bộ phim Spider-Man: Far from home (đã thu hơn 600 triệu USD). Điểm khá đặc biệt ở tác phẩm thứ tám về người nhện này là phần kết thúc phim, cảm xúc đọng lại không nằm ở nội dung mà ở hai after-credit (hay post-credit, tức đoạn phim ngắn xuất hiện sau khi kết thúc phần liệt kê danh sách những người/đơn vị đóng góp cho bộ phim). 

Thậm chí, nhiều người còn đánh giá đây là after-credit “đỉnh của đỉnh”, vì vừa chứa cú twist (tình tiết bất ngờ) vừa hé lộ tương lai của nhân vật chính, cũng như gợi cho khán giả hình dung về giai đoạn mới của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) - những điều khán giả tò mò nhất sau khi thưởng thức bộ phim cuối cùng thuộc giai đoạn ba của MCU.

After-credit: Moi nhu khan gia
Spider-Man: Far from home gây sốt vì after-credit hơn cả nội dung phim

After-credit lâu nay đã được xem là đặc sản không thể thiếu trong những “bom tấn” Hollywood và món “tặng kèm” này  ngày càng chứng tỏ sức hút không thua gì bản thân bộ phim. Điển hình gần nhất là việc sau khi chủ tịch Kevin Feige của Marvel tuyên bố Avengers: Endgame ra rạp trở lại ngày 28/6 với phiên bản mở rộng, bao gồm hai after-credit mà bản phát hành cũ không có thì tuần qua, Avengers: Endgame đã có mặt trở lại trong danh sách 10 phim ăn khách nhất khu vực Bắc Mỹ, với doanh thu cuối tuần đạt 5,5 triệu USD.

Dù vậy, sau khi xem phiên bản mới, dài hơn bản cũ 6 phút, hầu hết khán giả đều thất vọng vì chẳng có gì mới. Một trong hai after-credit đơn giản chỉ là trích đoạn từ phim Spider-Man: Far from home (cảnh Nick Fury cùng Maria Hill đến Mexico gặp Mysterio và đụng độ với Sandman trong nhóm Elementals, buộc Mysterio phải ra tay giúp cả hai).

Xuất hiện ở Hollywood từ cuối thập niên 1970, với bộ phim đầu tiên có after-credit là The muppet movie (1979), những đoạn phim ngắn bên lề này nhanh chóng rộ thành trào lưu vào những năm 1980. Nội dung của chúng thường là các cảnh không có trong phim, mục đích chính để gây cười, chẳng hạn nhân vật trong phim thông báo với khán giả: “Hết phim rồi, đi về thôi”. Cùng với sự phát triển của dòng phim ăn theo, các after-credit có thêm nhiệm vụ làm mồi nhử khán giả hóng phần tiếp theo bằng việc “nhá hàng” một vài cảnh trong tập phim sau. Đây chính là cách mà các bộ phim MCU đã và đang làm rất tốt, giúp khái niệm after-credit phổ biến hơn và thậm chí còn gây nên cơn sốt như ngày nay.

Trailer Người nhện xa nhà 

Bắt đầu từ Iron Man (2008) với after-credit là cảnh Nick Fury (Samuel L. Jackson đóng) đến gặp Tony Stark (Robert Downey Jr.) nói rằng, anh không phải là siêu anh hùng duy nhất trên thế giới; những bộ phim của MCU về sau đều có ít nhất một after-credit để liên kết với các phim sau hoặc bổ sung những chi tiết hài hước, những bí mật ẩn giấu trong phim. Thậm chí, Guardians of the galaxy Vol. 2 (2017) có tới 5 after-credit.

Không chỉ MCU hay các phim dòng live-action mới chuộng after-credit, các phim hoạt hình của hãng Pixar cũng kéo khách bằng “chiêu” này. Nếu vội vã về sớm sau khi đèn sáng, khán giả sẽ bỏ lỡ cơ hội biết được cảnh quay không có trong phim, chi tiết ám chỉ (trứng phục sinh), lời tri ân cảm động về một ai đó hoặc thậm chí tên của các em bé được sinh ra trong thời gian phim hoàn thành (vì với mỗi phim của Pixar, ê-kíp thực hiện có thể mất 4-6 năm mới xong, không ít thành viên mang thai và sinh con trong thời gian đó).

Chính vì những điều thú vị ấy mà việc chờ xem after-credit trở thành thú vui, niềm yêu thích của những fan điện ảnh chính hiệu và cũng là sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho họ, bởi không phải ai cũng đủ kiên nhẫn ngồi 5-10 phút, xem hết những hàng chữ dày đặc trên màn hình. Ở nước ta, after-credit cũng đã xuất hiện, nhưng không nhiều và chủ yếu là cảnh hậu trường hài hước.

Cùng với đòi hỏi của fan, từ vai trò ban đầu là một “món quà tặng” không bắt buộc, giờ đây after-credit được nâng lên thành một phần tất yếu của những bộ phim “bom tấn”, thậm chí còn là công cụ giúp hãng sản xuất “kiếm thêm”, như trường hợp Avengers: Endgame ra rạp lại với ý đồ muốn phá kỷ lục doanh thu 2,79 tỷ USD của Avatar, vì Avengers: Endgame còn cách Avatar đến 35 triệu USD. Việc có thêm after-credit để rồi khi phim ra mắt, đạo diễn úp mở nhắc khán giả đừng tiết lộ nội dung (spoil) cũng là “chiêu” quảng bá, kéo khách của nhà sản xuất.

Tuy vậy, không phải đạo diễn nào cũng hứng thú với việc thực hiện after-credit. Đạo diễn James Mangold của phim Logan không đưa after-credit nào vào phần cuối của loạt phim về người sói theo “truyền thống”, để gợi mở về tương lai của các dị nhân, bởi theo ông: “Cách duy nhất tạo nên một bộ phim khác biệt là phải làm cho nó khác đi. Nếu thông thường các phim đều có after-credit thì chúng tôi không làm nó, vì nếu làm thì chẳng khác nào phim được lấy ra từ một cái máy bán hàng tự động. Với bất cứ dòng phim nào, đó đều không phải là thứ làm nên một tác phẩm hay”. 

After-credit lâu nay đã được xem là đặc sản không thể thiếu trong những “bom tấn” Hollywood và món “tặng kèm” này  ngày càng chứng tỏ sức hút không thua kém gì bản thân bộ phim. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI