100 năm cải lương: cảo thơm lần giở trước đèn

10/04/2018 - 14:00

PNO - Một trăm năm với biết bao thăng trầm của sân khấu cải lương, nhưng chặng đường đó là niềm tự hào của người Việt Nam về một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Những ngày này, người làm sân khấu cải lương đang chuẩn bị nhiều hoạt động để đón mừng kỷ niệm tròn một thế kỷ sân khấu cải lương hình thành và phát triển. 100 năm với biết bao thăng trầm, nhưng chặng đường đó là niềm tự hào của người Việt Nam về một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ...

Cuối thế kỷ 19, phong trào đờn ca tài tử rất phát triển với sự hoàn chỉnh về trình độ đờn và hệ thống bài bản. Loại hình âm nhạc phóng khoáng, trữ tình lãng mạn được hình thành và phổ biến rộng rãi trong dân gian đã sớm chinh phục các quan chức và trí thức thời bấy giờ như thầy Phó Mười Hai, Ký Quờn, thày André Thận, Tống Hữu Định, Nguyễn Tống Triều, Trần Văn Triều, Pièrre Châu Văn Tú (thầy Năm Tú)…

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den
Môt nhóm đờn ca tài tử của miền Tây Nam bộ đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu

Theo tài liệu của Giáo sư Trần Văn Khê, hai ban đờn ca nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ là ban Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) tại tỉnh Mỹ Tho và ban Trần Văn Triều ở làng Vĩnh Kim - Mỹ Tho.

Năm 1906 ban tài tử của Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) ở Mỹ Tho được mời sang Pháp biểu diễn tại hội chợ đấu xảo cho các nước thuộc địa, tổ chức ở thành phố Marseille (có tài liệu ghi thời điểm 1910 – 1911). Ban tài tử gồm Tư Triều (đờn kìm), Chín Hoán (độc huyền cầm), Bảy Vô (đờn cò), Mười Lý (thổi tiêu), cô Hai Nhiễu (đờn tranh) và cô Ba Đắc (tài tử ca) được sắp xếp ngồi trên sân khấu đờn ca lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm đi thi.

TS Mai Mỹ Duyên cho rằng, sau chuyến đi Pháp đó, ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đã học hỏi được cách trình diễn âm nhạc mới mẻ và tiến bộ của các nước trên thế giới. Khi về Việt Nam, họ đã thay đổi cách thức trình diễn để hấp dẫn công chúng hơn.

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den

Ban tài tử của ông Tư Triều tại Pháp năm 1906 (ảnh tư liệu)

Trở về Mỹ Tho, ban được mời về biểu diễn trước khi chiếu phim tại rạp Casino. Một mình cô Ba Đắc đảm nhận luôn 3 nhân vật trong bài Tứ đạo oán: Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga.         

Nhiều tài liệu nghiên cứu khẳng định hình thức ca ra bộ xuất hiện đầu tiên ở Vĩnh Long vào cuối thế kỷ 19. Một trong những người khai sáng hình thức này là ông Tống Hữu Định, một trí thức giàu có thời đó ở đây. Thời đó, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sài Gòn. Khách ở các tỉnh miền Tây muốn đi Sài Gòn đều phải dừng chân ở Mỹ Tho. 

Trong số khách, có ông Phó Mười Hai (Tống Hữu Định), là người hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho nghỉ chân, ông đi xem hát và được nghe cô Ba Đắc một mình đóng ba vai Bùi Kiệm, Bùi Ông, Nguyệt Nga. Khi trở về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định nảy ra sáng kiến để cho 3 tài tử ca vừa ca, vừa diễn xuất, mỗi người đảm trách một nhân vật. Điệu ca ra bộ bắt đầu hình thành và được phổ biến rộng rãi từ đó, khoảng năm 1915-1916.

Tác phẩm duy nhất được biểu diễn suốt một thời gian dài ở thời kỳ này là Bùi Kiệm đi thi do soạn giả Trương Duy Toản sáng tác trong giai đoạn 1900 – 1907. Sau đó bài ca được tác giả viết thêm và đổi tên thành Bùi Kiệm – Nguyệt Nga.

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den
Chân dung thầy Năm Tú (ảnh tư liệu)

Năm 1917 ông Lê Văn Thận (Andre Thận) một chủ hãng tàu ở Sa Đéc ra mắt gánh hát mang tên "Gánh hát thầy Thận Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ Sadec – amis". Đây vốn là một gánh hát xiệc (cirque), có xen những tiết mục nhạc tài tử, ca ra bộ với những nghệ sĩ: Tư Hương (vai Bùi Ông), Bảy Thông (đầy tớ của Bùi Kiệm), Tám Cang (Bùi Kiệm), cô Hai Cúc (Nguyệt Nga)... Hình thức này phát triển dần dần, có thêm phục trang, hoá trang và một vài vật bài trí trên sân khấu cho tài tử biểu diễn như chậu kiểng, bộ ván ngựa…

Sau Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, gánh thầy Thận còn biểu diễn những bài ca: Thằng Lãnh bán heo, Hương Hộ hà tiện… Hình thức ca ra bộ dần đạt phát triển cao hơn, hoàn chỉnh hơn và được gọi là hát chập với âm nhạc và tình huống nhân vật xuất hiện đã có sự kết nối và tương tác lẫn nhau.

… và sự ra đời của cải lương

Hồi ký của nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng và những ghi chép của học giả Vương Hồng Sển đều cho rằng cải lương ra đời tại Mỹ Tho, do thầy Năm Tú (Pièrre Châu Văn Tú) khởi xướng trên cơ sở của hình thức ca ra bộ và hát chập (tài liệu xưa để lại ghi ông Năm Tú có quốc tịch Pháp).

Khi gánh hát của ông Lê Văn Thận làm ăn thất bại, ông Năm Tú đã sang lại gánh hát và tuyển lựa thêm các tài tử đờn ca, sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản soạn tuồng.

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den
Lữ Bố - một trong những vai diễn gắn liền với tên tuổi NSND Phùng Há

Ngày 15/3/1918, thầy Năm Tú khai trương bảng hiệu Gánh hát thầy Năm Tú Mỹ Tho và ra mắt vở cải lương đầu tiên mang tên Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản tại rạp Cinéma Théâtra. Theo các tài liệu ghi chép lại, những nghệ sĩ đầu tiên diễn Kim Vân Kiều ở rạp hát thầy Năm Tú là cô Hai Cúc vai Thúy Kiều, cô Ba Đắc vai Thúy Vân, cô Năm Thoàn vai Hoạn Thư, Hai Thông vai Kim Trọng, Sáu Nhiêu (em thầy Năm Tú) vai Vương Quan, Tám Danh vai Mã Giám Sinh... 

Không chỉ nổi tiếng ở Mỹ Tho, gánh hát thầy Năm Tú còn lên Sài Gòn biểu diễn và là gánh hát được ưa chuộng lúc bấy giờ với nhiều tên tuổi đào kép nổi tiếng: Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn… Nhờ sự nổi tiếng này mà gánh hát thầy Năm Tú được hãng đĩa Pathé Phono đồng ý ký hợp đồng sản xuất đĩa cải lương.

Thầy Năm Tú đặt hãng sản xuất máy hát hiệu Con Chó để bán cho người dân nghe đĩa. Nhờ có máy và đĩa hát nên loại hình nghệ thuật này mới phổ biến rộng rãi khắp nơi, khán giả mê tài tử, cải lương thuộc làu các bài ca, tuồng tích của gánh hát thầy Năm Tú.

Sau thành công của gánh hát thầy Năm Tú, nhiều gánh hát khác ra đời như Trần Đắc, Tân Đồng Ban, Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban, Nghĩa Đồng Ban, Tân Thinh… Năm 1920, hai tác giả Lê Hoài Nghĩa và Nguyễn Biểu Quốc sáng tác cho gánh hát Tân Thịnh hai câu liễn để treo hai bên cánh gà sân khấu:

Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Các tài liệu nghiên cứu về cải lương Việt Nam đều cho rằng chính ông bầu gánh Tân Thịnh đã lấy hai chữ đầu câu ghép lại thành từ cải lương và được lưu truyền, sử dụng đến ngày hôm nay.

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den
Đồng Nữ Ban - gánh hát toàn nghệ sĩ nữ do cô Ba Viện (hoặc Ba Diện) sáng lập cuối thập niên 1920.

Khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ XX, ở Mỹ Tho còn có ông Lê Công Phước (Georges Phước hay thường được gọi là Bạch công tử), người từng du học ở Pháp, vốn rất mê đờn ca tài tử đã cùng với ông Nguyễn Ngọc Cương (vốn là con của chủ gánh hát bội và cũng từng du học Pháp về) lập nên gánh Phước Cương.

Nhưng không lâu sau đó, ông Lê Công Phước tách riêng. Ông kết hôn với nghệ sĩ Phùng Há và lập ra gánh hát Huỳnh Kỳ. Một rạp hát mang tên Huỳnh Kỳ cũng được xây dựng cạnh nhà ông ở Mỹ Tho để làm điểm biểu diễn thường xuyên cho gánh hát.

NSƯT Triệu Trung Kiên: Dù được hình thành và phát triển trên đất Bắc nhưng cải lương miền Bắc về cơ bản không có sự khác biệt so với cải lương miền Nam. Những khác biệt, nếu có, từ người xem cảm nhận, là do ảnh hưởng của văn hoá Bắc Hà. 

Các gánh hát thời đó di chuyển bằng thuyền ghe chèo, chỉ duy nhất gánh Huỳnh Kỳ di chuyển bằng ghe máy. Đoàn ghe của gánh Huỳnh Kỳ gồm 3 chiếc: ghe đầu dành riêng cho chủ gánh với đầy đủ tiện nghi và phương tiện giải trí, ghe thứ hai dành cho đào kép, ghe thứ ba dành cho dàn đờn và những người dọn cảnh.

Nhờ lưu diễn bằng ghe nên các gánh hát thời bấy giờ có thể đi đến khắp các miền lục tỉnh, len lỏi vào tận các vùng quê xa xôi. Cải lương dần trở nên phổ biến và gần gũi với công chúng từ đó.

Thời gian đầu, đa phần các tuồng cải lương đều lấy tích tuồng từ những tác phẩm văn học nước nhà như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều... hoặc những truyện Tàu như Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê

Không dừng chân ở phương Nam, các gánh cải lương cũng “tiến quân” ra Bắc. Đầu tiên đờn ca tài tử, cải lương được ông Nguyễn Văn Súng (Sáu Súng) giới thiệu đan xen trong chương trình hát xiệc của gánh và được khán giả nhiệt tình hưởng ứng. Sau đó, lần lượt nhiều gánh nổi tiếng ở miền Nam ra Bắc như An Lạc Ban, Tân Hí Ban, Phước Cương, Năm Thinh, Năm Châu Kịch Đoàn…

100 nam cai luong: cao thom lan gio truoc den
Các nghệ sĩ của gánh hát Trần Đắc ở thời điểm khoảng năm 1930. Ảnh tư liệu

Nhận thấy cải lương miền Nam có một sức hấp dẫn đặc biệt, một số bầu ở miền Bắc cũng lập gánh cải lương. Từ năm 1935 tới năm 1941 là thời điểm đất Bắc hình thành rất nhiều gánh cải lương như Nhật Tân Ban, Quốc Hoa, Tố Như, Ái Liên (mẹ của ca sĩ Ái Vân, Ái Xuân), Đức Huy, Nam Hồng… Một số gánh đã vào Nam biểu diễn và được khán giả đón nhận. 

Tròn một thế kỷ, dẫu có nhiều thăng trầm nhưng cải lương đã đi vào máu thịt nhiều thế hệ người Việt và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Soạn giả Trương Duy Toản còn có bút danh là Mạnh Tự (1885-1957) là một trí thức yêu nước có trình độ Nho học lẫn Tây học. Ông tham gia vào Hội Minh Tân (thường gọi là cuộc Minh Tân) do nhà văn Trần Chánh Chiếu, chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, đứng đầu. Một thời gian dài ông sang Nhật làm thông ngôn cho cụ Phan Bội Châu và Cường Để.

Năm 1908, Chính phủ Nhật thỏa ước với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật. Trương Duy Toản sang châu Âu, rồi về Thượng Hải, Singapore, sau đó quay lại Pháp. Năm 1914 (có tài liệu ghi năm 1913), cụ bị bắt tại Pháp khi đang tìm đường liên lạc với nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Tòa án xét xử, ông ngồi tù tại khám đường La Santé và sau đó bị giải về Sài Gòn. Nhà cầm quyền Nam kỳ đưa cụ về Phong Điền, Cần Thơ với chiêu bài "an trí", theo nghĩa giam lỏng.

Ông được xem là soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương với các vở tuồng Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu… và nhiều bài ca cho loại hình nghệ thuật ca ra bộ.

  Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI