Trầm cảm nặng vì bố mẹ chồng cay nghiệt, tôi đã vượt qua nhờ chồng luôn ở bên

28/09/2018 - 07:05

PNO - Nhiều lần trước mặt tôi, bố chồng nói với khách rằng "thằng H. ăn phải bùa mê thuốc lú của cái con ấy, chứ bao nhiêu đám nhà cao cửa rộng thì chê để rồi rước cái của nợ chẳng có quái gì về nhà".

Những ngày qua tôi hầu như không dám mở điện thoại để xem tin tức. Câu chuyện người mẹ trẻ 25 tuổi ôm con nhỏ 8 tháng nhảy cầu tự vẫn ở Hà Nội khiến nỗi ám ảnh, đau buồn, sợ hãi trong tôi trỗi dậy. Trầm cảm là một con quái vật nham hiểm, đáng sợ nó ẩn nấp tận sâu bên trong lớp vỏ đẹp đẽ chỉ chờ cơ hội là trỗi dậy nuốt chửng nạn nhân. Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh đó, nhưng có lẽ tôi đã may mắn hơn cô ấy khi có người chồng đã chấp nhận bỏ tất cả để ở cạnh tôi 24 giờ mỗi ngày...

Tram cam nang vi bo me chong cay nghiet, toi da vuot qua nho chong luon o ben
Tôi từng trải qua một quá khứ buồn không muốn nhớ lại khi bị trầm cảm nặng sau những ngày tháng làm dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi lấy chồng năm 25 tuổi, sau hơn một năm quen và yêu anh. Trước ngày đám hỏi, mẹ vẫn khuyên tôi suy nghĩ thật kỹ. Mẹ lo cho tôi vô cùng khi phải về làm dâu trong một gia đình hà khắc. Dù biết anh rất yêu thương tôi nhưng mẹ vẫn sợ vì biết tinh thần, thể chất tôi từ nhỏ đã yếu đuối. 

Hiểu nỗi lo của mẹ, anh hứa với tôi sẽ cố gắng để hai đứa được ra riêng sau hai năm ở cùng bố mẹ anh. Nhờ đó, tôi phần nào vững tâm. Hơn nữa, tôi rất yêu anh bởi anh cực kỳ ga lăng và tình cảm. Ở bên anh, tôi thấy mình có thể vượt qua mọi nỗi sợ, kể cả việc phải sống cùng bố mẹ anh - những người từng phản đối tôi và miễn cưỡng đồng ý khi anh kiên quyết chỉ lấy tôi làm vợ.

Thế nhưng, nỗi lo lắng của mẹ tôi đã đúng. Dù chồng tôi từng báo trước rằng bố mẹ anh khá khó tính và "trái khoáy", tôi vẫn sốc nặng khi bước vào cuộc sống làm dâu. Bố anh là kiểu người bỗ bã, ông sẵn sàng cãi nhau ầm ỹ với hàng xóm chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, thậm chí có thể gây chuyện với bạn nhậu ngay tại nhà khi "rượu vào lời ra". Không ít lần tôi phải dọn dẹp tới khuya mới xong đống chén bát bị ông đập phá và nhà cửa tanh bành sau trận ẩu đả.

Với con cái, thái độ của ông vô cùng thất thường. Ông hay kêu kẹt tiền và hỏi mượn vợ chồng tôi nhưng không bao giờ trả; mỗi lần ông hỏi mượn cả chục triệu đồng (chúng tôi lo tiền sinh hoạt trong nhà, hàng tháng biếu bố mẹ chồng mỗi người 2 triệu, ông bà cũng không khó khăn, thậm chí là khá giả vì bà có lương hưu, ông có một tiệm bán đồ điện nước khá đông khách). Là con cái, tất nhiên chúng tôi không so đo với bố mẹ và không muốn "đòi nợ", nhưng khi đó chồng tôi vừa ra làm kinh doanh riêng, nhiều lúc quá kẹt không xoay được ở đâu, anh đành hỏi mượn bố một ít. Khi ấy, ông lại gọi tôi ra chửi xối xả rằng tôi xúi chồng đòi tiền của bố.

Tram cam nang vi bo me chong cay nghiet, toi da vuot qua nho chong luon o ben
Không ít lần tôi bị bố mẹ chồng chửi mắng, nhiếc móc khi có điều gì ông bà không vừa ý (ảnh minh họa).

Buổi sáng, dù nhà không có việc gì nhưng ông không để chúng tôi ngủ thoải mái. Vợ chồng tôi thường thức khuya làm việc trên máy tính, tôi đã xin phép mẹ chồng sẽ dậy lúc 6g30 và nấu ăn sáng cho cả nhà để 8 giờ đi làm. Nhưng mới hơn 5 giờ sáng, bố chồng tôi đã dậy mở nhạc và vặn loa thật lớn. 5 giờ mà tôi chưa ra khỏi phòng là ông đi qua cửa rồi dằn hắt, đá thúng đụng nia. Ông hỏi mượn tiền mà tôi không xoay kịp để đưa ngay là ông kiếm cớ mát mẻ ngay trong bữa ăn khiến tôi không nuốt nổi cơm. 

Điều kinh khủng nhất là ông coi thường bố mẹ tôi ra mặt vì nhà tôi không khá giả (bố mẹ tôi đều là công chức nhà nước, lương chỉ đủ sống). Nhiều lần trước mặt tôi, ông nói với khách rằng "thằng H. ăn phải bùa mê thuốc lú của cái con ấy, chứ bao nhiêu đám nhà cao cửa rộng thì chê để rồi rước cái của nợ chẳng có quái gì về nhà". Mỗi lần tôi làm điều gì trái ý bố chồng (chẳng hạn ông gọi điện thoại mà tôi không biết để nghe máy ngay) là ông gọi thẳng cho bố tôi bắt "dạy lại con cho đàng hoàng". 

Chúng tôi cưới gần một năm mà chưa có thai, tôi bị mẹ chồng xa gần mát mẻ rồi xỉa xói thẳng mặt. Tới bữa cơm, bà gắp thức ăn cho chồng và con trai rồi quay qua tôi bảo "Ăn cho lắm mà không đẻ được thì xem lại". Khi ấy tôi làm trợ lý ban giám đốc, thỉnh thoảng phải làm thêm giờ buổi chiều nên về muộn khoảng 1 tiếng. Dù đã gọi điện báo và xin phép mẹ chồng nhưng lần nào bà cũng mỉa mai "cái bọn làm thư ký chỉ để sếp thịt chứ làm việc quái gì". 

Tram cam nang vi bo me chong cay nghiet, toi da vuot qua nho chong luon o ben
Tôi gục ngã sau những tháng ngày sống trong sự hà khắc, cay nghiệt và coi thường của bố mẹ chồng (ảnh minh họa).

Vì những điều ấy mà chồng tôi cãi nhau với bố mẹ nhiều lần để bênh vực tôi. Anh luôn động viên tôi đừng suy nghĩ gì, cứ làm những việc mình muốn, miễn anh tin tưởng tôi là được. Nhưng những chuyện như vậy ngày càng nhiều khiến tôi stress liên tục, dù chồng ngày nào cũng động viên, an ủi. 

Từ một người vui vẻ, yêu đời tôi đâm bồn chồn, mệt mỏi và sợ hãi; sợ phải về nhà mỗi khi tan tầm, sợ ăn cơm cùng bố mẹ chồng. Đỉnh điểm là cái tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng. Tối mùng 3, sau khi dọn dẹp bếp núc, tôi xin phép bố mẹ chồng lên phòng sớm để gọi điện chúc tết họ hàng và bạn bè. Tinh mơ hôm sau, bố chồng gọi cho mẹ tôi thông báo rằng tôi "công khai ngoại tình, ba ngày tết đóng cửa trong phòng nhắn tin và gọi điện cho trai". 

Đêm đó tôi sốt cao phải nhập viện, bác sỹ chẩn đoán tôi bị sốt siêu vi và viêm dạ dày cấp. Khi mẹ tôi đến viện, tôi oà khóc và xin bà cho về nhà ở với bố mẹ vì không thể chịu đựng nổi nữa. Suốt hai tuần sau đó, dù đã khỏi bệnh nhưng tinh thần tôi suy sụp nghiêm trọng. Tôi khóc lóc, không chịu gặp ai ngoài mẹ và chồng. Bác sỹ chuyển tôi sang bệnh viện tâm thần, tôi được chẩn đoán bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm do stress kéo dài quá lâu. Bố mẹ chồng tôi vào thăm, thái độ lạnh nhạt, dửng dưng. Mẹ chồng tôi còn bảo "Con chị có bị điên không đấy?" khiến bố mẹ tôi rơi nước mắt.

(Còn nữa)

G.P. (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI