Thỏa thuận chia tài sản chung chưa đúng, cần làm gì bảo vệ mình?

14/04/2019 - 14:00

PNO - Chúng tôi thỏa thuận chia tài sản theo thỏa thuận riêng giữa hai vợ chồng, không lập thành văn bản công chứng. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết như vậy là chưa đúng luật. Tôi cần làm gì?

Hỏi: Vợ chồng tôi đăng ký kết hôn năm 2010. Sau nhiều năm, chúng tôi có nhà và tài khoản ngân hàng 500 triệu đồng. Năm 2017, chúng tôi thỏa thuận chia tài sản theo thỏa thuận: nhà là của chồng vì tôi đi công tác thường không ở nhà, còn tài khoản ngân hàng 500 triệu đồng đứng tên tôi là của tôi. Tuy nhiên tôi được biết thỏa thuận này không có hiệu lực, nhưng chồng tôi đang làm thủ tục bán nhà. Xin hỏi, chồng tôi có được quyền bán nhà không? Chúng tôi đang làm thủ tục ly hôn, tài sản này sẽ chia như thế nào?

Hoàng Thị Thu Thương (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thoa thuan chia tai san chung chua dung, can lam gi bao ve minh?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào chị,

Tôi xin tư vấn như sau nhằm giúp chị tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề thỏa thuận tài sản của vợ chồng và chia tài sản khi ly hôn, để đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của chị và các con:

Luật Hôn nhân và gia đình tại điều 47 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Theo thông tin chị cung cấp, thỏa thuận của hai vợ chồng chị được lập sau khi kết hôn (không rõ thỏa thuận này có được công chứng hoặc chứng thực không?). Vì vậy thỏa thuận trên không có hiệu lực.

Như vậy nhà và tài khoản ngân hàng 500 triệu đồng nếu không chứng minh được là tài sản riêng thì đó là tài sản chung của vợ chồng vì nó được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại điều 31 quy định về giao dịch liên quan tới nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng như sau:

“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.”

Theo quy định trên, nhà này là nhà ở duy nhất của hai vợ chồng, việc chồng chị tiến hành thủ tục bán nhà là vi phạm pháp luật.

Thoa thuan chia tai san chung chua dung, can lam gi bao ve minh?
Ảnh minh họa

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại điều 59 có quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của luật này.”

Theo quy định này, chế độ tài sản của vợ chồng chị là theo luật định, việc giải quyết tài sản là hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì áp dụng nguyên tắc chia đôi giá trị tài sản trên nhưng có tính đến các yếu tố theo khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI