Quản lý tài sản của con chưa thành niên thế nào?

12/11/2018 - 10:00

PNO - Gia đình tôi muốn quản lý tài sản cho cháu của mình. Nhưng mẹ của cháu không muốn chúng tôi can thiệp. Chúng tôi sợ sẽ mất tài sản khi cháu trưởng thành. Cần phải làm gì để giải quyết?

Hỏi: Tôi là N, em dâu của chị B. Anh trai tôi và chị B kết hôn năm 2005, đến năm 2012 anh trai tôi bị bệnh đã qua đời, để tại tài sản là 1 căn nhà, 1 mảnh đất diện tích 200m² và một sổ tiết kiệm ngân hàng 50 triệu đồng. Anh trai tôi và chị B có một con chung là cháu P năm nay 16 tuổi. Lúc anh trai tôi mất, tài sản đã được chia thừa kế theo quy định pháp luật, Chị B và cháu P được nhận thừa kế, nhưng lúc đó vì cháu P còn nhỏ nên mẹ cháu, tức là chị B đã đứng ra nhận tài sản và quản lý giúp cháu. Năm 2017, chị B lấy chồng khác, chị với chồng mới đã bán mảnh đất của anh trai tôi. Sau đó, tôi hỏi số tiền trong thẻ ngân hàng cho cháu P đâu thì chị bảo đã mang đi làm ăn rồi.

Hiện nay cháu P đã 16 tuổi, tôi không biết cháu đã có quyền lấy lại số tài sản thừa kế mà bố cháu để lại hay không? Vì tôi không muốn chị B và chồng mới của chị chiếm đoạt số tài khoản anh tôi làm vất vả để lại cho con mình. Mong LS tư vấn giúp tôi để đảm bảo quyền lợi của cháu tôi.

Hà Lan

Luật sư trả lời:

Chào bạn, trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn như sau nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề tài sản khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Quan ly tai san cua con chua thanh nien the nao?
Ảnh minh họa

Theo quy định tại điều 75 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.”

Do đó, cháu P có quyền có tài sản riêng là tài sản cháu được nhận thừa kế từ bố cháu.

Tại điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc quản lý tài sản riêng của con:

1.Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác”.

Trong trường hợp này, khi bố cháu P mất vì cháu chưa đủ 15 tuổi nên mẹ cháu đã quản lý tài sản của cháu là hợp pháp, tuy nhiên theo bạn trình bày thì hiện nay cháu đã 16 tuổi nên theo quy định trên chị B phải giao lại phần tài sản của cháu P mà chị đang quản lý cho cháu P.

Việc chị B tự ý đứng ra bán mảnh đất và sử dụng số tiền trong thẻ tiết kiệm ngân hàng mà không có dự thỏa thuận và ý kiến đồng ý bằng văn bản với cháu P là vi phạm pháp luật. Chị B chỉ được quyền sử dụng số tài sản trong phạm vi số tài sản chị được hưởng trong quyết định phân chia tài sản thừa kế lúc chồng chị mất. Việc làm của chị B là vi phạm pháp luật và buộc chị B phải hoàn trả phần tài sản của cháu P chị đã sử dụng và bồi thường các thiệt hại nếu có phát sinh.

Quan ly tai san cua con chua thanh nien the nao?
Ảnh minh họa

 Ngoài ra liên quan đến việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, tại điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định:

“1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.”

Xét trong trường hợp này, đối với tài sản là căn nhà và mảnh đất 200m² – bất động sản, thì việc định đoạt tài sản thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của mẹ cháu hoặc người giám hộ. Còn về số tiền trong thẻ tiết kiệm thì tùy theo quyết định lúc phân chia tài sản nếu có đăng ký mở lại sổ tiết kiệm đứng tên cháu P với số tiền cháu được hưởng thì việc định đoạt số tiền này vẫn phải có sự đồng ý bằng văn bản của mẹ cháu hoặc người giám hộ.

Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

(Hãng luật Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI