Nương nhau qua đời người dâu bể

11/12/2018 - 09:00

PNO - Nhân sinh, suy cho cùng là nương tựa nhau để đi qua hết kiếp người dâu bể.

Tôi đã suýt nghe lời chồng, bỏ nhiệm sở được phân công vì quá xa, nếu không có những lời khuyên của mẹ: “Ba mẹ cực khổ nuôi ăn học bao nhiêu năm sao ở nhà được con. Không có việc nào mãi suôn sẻ cả. Việc này có thể xa, chỗ kia áp lực, chỗ nọ ganh đua. Đời làm gì có sướng. Chồng làm ăn được nó nuôi thì tốt, lỡ may xui rủi, con lấy gì lo cho con cái. Nhớ chuyện nhà mình không?”.

Nuong nhau qua doi nguoi dau be
Ảnh minh họa

Giọng mẹ nghe rất rõ nỗi tủi hờn. Bao năm qua, cả nhà tôi ai cũng cố tránh nhắc lại những ngày tháng đó. Ba làm ăn thua lỗ, bị người bạn thân nhất lừa gạt. Người ta đến bới tung góc bếp, góc tủ, khiêng đi từ cái ti vi trắng đen, cái tủ chén… Tôi không quên được hình ảnh mẹ bế em gái út, dưới chân là bầy con lít nhít, đứng nhìn các chủ nợ vừa lấy đồ vừa mắng. Em gái kế tôi, mới học mẫu giáo, níu góc mùng khóc nấc lên khi cái ti vi bị lấy đi.

Ba tôi trở về sau cơn lánh mặt, ánh mắt rủ xuống, đen ngòm bế tắc. Không khí ngột ngạt trong ngôi nhà trống xác xơ. Tiếng cãi nhau giành đồ chơi, tiếng cười đùa của bốn chị em tôi gần như im bặt. Đêm khuya vắng vẻ, nghe rõ tiếng thở nặng nề của ba và tiếng ru con trầm trầm day dứt của mẹ: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Ba tôi nằm im trên bộ đi-văng cạnh bàn thờ bà cố. Sáng sớm, ba vác cuốc ra mảnh vuờn, bổ từng nhát hất tung nham nhở mớ đất lâu ngày không ai động đến toàn cỏ tranh cỏ cú, trưa về vẫn im lặng, rồi chiều lại tiếp tục đào xới...

“Chẳng lẽ mẹ ôm tụi con khóc đến chết sao? Hay là ngồi đó chờ. Ba như con thú bị trọng thương, gượng dậy không nổi. Mẹ phải làm thôi!”, mẹ đã từng kể như vậy. Trước giờ, mẹ tôi chỉ quanh quẩn ở nhà sanh liền tù tì bốn đứa con, lo cơm nước và phụng dưỡng bà nội chồng ngoài 80 tuổi. Mẹ không một tiếng chì chiết, trách móc gì ba, lội bộ băng đồng về nhà ngoại. Bà ngoại cũng nghèo, chỉ có thể giúp mẹ hai chỉ vàng mua chiếc xe đạp và dư ra chút vốn. Chiếc xe đạp “đầm” màu vàng ấy, giờ vẫn còn để ở một góc nhà tôi. Thi thoảng ba mang ra lau chùi và không ít lần mẹ rơm rớm nước mắt.

Nuong nhau qua doi nguoi dau be
Ảnh minh họa

Mẹ mua dầu dừa, gói bánh tét, bánh ú, làm bánh bò nướng... đạp xe mấy chục cây số mỗi ngày lên chợ tỉnh bán. Mua báo cũ, nước mắm xà bông về. Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, nhờ chịu cực và có lẽ có “tay bán hàng” nên mẹ mua may bán đắt. Có đồng ra đồng vô, mẹ mua hạt giống cùng ba trồng khoai, đậu đũa, khổ qua, cải, dưa leo… rồi gánh ra chợ bán. Mẹ đã đưa cả nhà qua thời kỳ khó khăn ấy và truyền cho ba niềm tin ở bản thân, không ai tuyệt đường sống nếu không ngừng cố gắng... 

Ba mươi năm qua rồi, giờ ba mẹ có thể bình an bên tách trà nóng mỗi sớm mai, bên bữa cơm đạm bạc, bên bản tin thời sự xa gần đầu hôm. Ngày mừng thọ “thất thập cổ lai hy” của ba, ai cũng xúc động khi ba nắm tay mẹ lên sân khấu nghẹn ngào: “Không có bà, cha con tôi không có ngày hôm nay”.

Cuộc đời con người như một hành trình, tránh sao được ổ gà, ổ voi. Cứ phải luôn cố gắng nuôi dưỡng nguồn năng lượng tốt lành, rồi đến lúc sẽ cần cho mình, cho những người mình yêu thương. Nhân sinh, suy cho cùng là nương tựa nhau để đi qua hết kiếp người dâu bể. 

Triệu Vẽ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI