Nghe gọi 'anh ơi...' là tôi toát mồ hôi, ớn lạnh

02/10/2018 - 08:54

PNO - “Anh ơi, đưa nhiêu đây sao đủ?”. Mấy năm chồng vợ, cay đắng mặn nồng, gian nan thiếu thốn có nhau. Vậy mà tôi chưa bao giờ hết sợ tiếng “anh ơi” từ khuôn miệng xinh xắn của vợ.

- Anh ơi, nay sắp cuối tuần rồi đó…

- Ừ.

- Anh ơi, nhà mình hết tiền rồi!

Nghe goi 'anh oi...' la toi toat mo hoi, on lanh
Tôi rất sợ nghe câu "anh ơi..." của vợ.

Mấy năm chồng vợ, cay đắng mặn nồng, gian nan thiếu thốn tôi đều vượt qua được. Vậy mà tôi chưa bao giờ thôi hết sợ tiếng “anh ơi” từ khuôn miệng xinh xắn của vợ.

Ấy là mỗi cuối tháng, khi cầm số tiền tôi trao, vợ chẳng vui vẻ gì mà mặt mày méo xệch: "Anh ơi, có nhiêu đây sao đủ xài?".

Tôi quen vợ trong lần làm sale vải cho một công ty vào các xưởng may. Vợ tôi làm công nhân ở đó. Đẩy đưa qua lại, chúng tôi cưới nhau, về chung phòng trọ, đỡ tiền thuê nhà. Nhưng mới hai tháng em đã cấn bầu, nghén tới nghén lui khổ sở. Việc ở xưởng thì nhiều, phải tăng ca thì lương mới khá nhưng thấy vợ như thế, tôi thương quá khuyên em xin nghỉ ở nhà dưỡng thai.

Lương cứng của tôi chỉ 6 triệu, chạy được hợp đồng mới ăn hoa hồng nhưng tôi lanh lẹ, siêng năng nên hầu như tháng nào cũng kiếm được gấp đôi lương. Tôi nhẩm tính một mình xoay trở như thế chắc cũng đủ. Nhưng điều tôi không lường được là bây giờ phải chi tiêu cho ba người. Tháng nào vợ tôi cũng phải đi khám thai, xét nghiệm đủ kiểu khiến tôi gần như đuối. Tôi đăng ký làm thêm chân chạy Grab, hôm nào chạy việc xong, rảnh rảnh lại mở app lên kiếm thêm vài cuốc.

Vợ tôi thương chồng nhưng lại không biết chi tiêu hợp lý, vụng về trong việc tổ chức cuộc sống gia đình. Mỗi khi tôi đưa tiền về là em mua đủ thứ hàng, chất đầy phòng trọ với lý lẽ “Trước cũng mua, sau cũng mua, giờ có tiền thì mua để dành đó”. Thật khổ, cá khô, trứng vịt, tôm khô… thì đầy ra ở tiệm tạp hóa mà em còn tha về dự trữ, khiến phòng trọ nhỏ bé lúc nào cùng đượm mùi hỗn tạp, theo cả vào giấc ngủ của tôi.

Tôi rút kinh nghiệm, không đưa tiền cho vợ theo tuần nữa mà nhín lại đưa theo ngày, nhưng cô ấy lu loa rằng tôi giấu tiền cho “con nào?". Đau đầu quá, tôi thua, đành đưa tiền theo tháng cho cô ấy vui.

Khi có con, tôi làm việc như điên để nuôi sống gia đình, để con mình không thiếu thốn, và nhất là để không phải nghe điệp khúc “Anh ơi, đưa nhiêu đây sao đủ?”. 

Thật trớ trêu, dù tiền tôi mang về nhiều hơn thì vợ vẫn luôn kêu thiếu. Tìm hiểu mới biết, không phải cô ấy chỉ tiêu xài hoang phí mà còn đánh bài, chơi số đề. Hóa ra vì ở nhà chăm con rảnh rỗi, vợ tôi la cà sang chơi với các bà các chị ở phòng trọ khác và họ rủ rê cô ấy tham gia trò đỏ đen. Khi tôi phát hiện, cô ấy đã nợ người ta cả trăm triệu đồng. Vì thương con, tôi đành rút hết số tiền dành dụm trong ba năm, vốn để gom góp thực hiện giấc mơ mua căn nhà nhỏ cho vợ con, trả nợ cho vợ.

Tôi chuyển chỗ trọ, khuyên cô ấy “dừng bước giang hồ”, gửi con đi học và xin việc làm. Cô ấy khóc lóc thề thốt nhưng ba tháng sau chủ nợ lại tìm đến đòi, lần này gần 300 triệu đồng!

Nghe goi 'anh oi...' la toi toat mo hoi, on lanh
Vợ tôi không hiểu chồng mình làm việc vất vả thế nào để kiếm tiền. Ảnh minh họa

Ngày tôi nộp đơn ly hôn, cô ấy khóc như mưa: “Anh ơi, xin đừng bỏ em. Em lỡ dại lần này. Em chỉ chơi bài chứ có tội gì lớn đâu mà anh nỡ bỏ em? Tội nghiệp con mình thiếu cha vắng mẹ”. Nghe cô ấy năn nỉ, van xin, tôi mềm lòng nhưng khi hỏi:

- Em có chắc sẽ bỏ bài bạc, chuyên tâm vun vén gia đình không?

- Em không biết. Có lẽ em thuộc nhóm máu khác mọi người. Em không làm chủ được mình khi tiền nằm trong tay.

Tôi lắc đầu chịu thua!

***

Sau ba năm ly hôn, tôi nhận phần nuôi con, nhẹ nhõm, thư thả. Tôi không còn bị ám ảnh khi cuối tháng doanh số không đủ, hoa hồng ít hay ráng thêm cuốc xe ôm nữa. Tôi nghỉ chạy Grab, chỉ đưa đón con đi học. Cô ấy sống một mình, vậy mà lâu lâu điện thoại tôi vẫn rung chuông, bên kia đầu dây là giọng nói cũ “Anh ơi, nay…”.

Tôi rùng mình khi nghe giọng nói đó - những câu từ, thanh âm ám ảnh, từng nhấn chìm cuộc đời tôi vào vòng xoay làm việc đến quên thân, suýt đột quỵ chỉ vì muốn đem lại vật chất đủ đầy cho vợ con. 

Tấn Minh (TP. HCM)

Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự... 

Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.

Báo Phụ  nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email:  tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI