Lấy chồng Tây có sướng?

02/02/2018 - 13:11

PNO - Nếu chúng ta là những người bình thường, có may mắn gặp gỡ làm quen và kết hôn được với trai tây, thì cũng sẽ gặp những người đàn ông tương xứng, với đầy đủ hai mặt tốt xấu hội tụ trong một con người.

Nhiều chị em từ nhỏ lớn lên trong môi trường gia đình chứng kiến cảnh người bố gia trưởng, độc đoán, mẹ ruột mình vì hai chữ "hy sinh" đè nặng mà cả cuộc đời âm thầm sống trong vỏ bọc gia đình hạnh phúc - nên quyết tâm không lấy chồng Việt, quyết tâm vươn ra khỏi biên giới của sự chịu đựng mà cả cuộc đời người mẹ đã nếm đủ. 

Trong nỗ lực "thoát ly" ấy, chị em tìm đến trung tâm môi giới kết hôn với chồng Tây, lân la lên mạng tìm những group để kết giao với đàn ông nước ngoài, lui tới quán bar - nơi cơ hội gặp gỡ với trai Tây nhiều hơn... 

Lay chong Tay co suong?
Đàn ông phương tây ga lăng yêu chiều phụ nữ, nhưng không phải tất cả. Ảnh: Internet

Xin chị em cứ bình tĩnh, vấn đề đâu còn có đó. Đừng nhìn ca sĩ Thu Minh, Hồng Nhung, Đoan Trang... mà so bì. Bởi tự thân các cô ấy đã là những người tài năng và có bản lĩnh xuất chúng rồi, đương nhiên cơ hội gặp gỡ và kết hôn với những người đàn ông ngoại quốc giàu có, tài giỏi thì cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng không phải chị em chúng ta ai cũng được như vậy. 

Mong muốn thoát khỏi "thói gia trưởng của đàn ông Việt", Mai Thư - quê gốc Đà Nẵng tìm mọi cách vượt qua biên giới nước nhà, vươn tầm với tới miền đất trong mơ - nước Mỹ. Với suy nghĩ phiến diện của mình, cô tâm niệm chỉ có đàn ông Việt nặng thói gia trưởng, còn đàn ông Mỹ và phương Tây sẽ đối xử với người phụ nữ của mình "như những bông hoa."

Thời điểm đầu mới kết hôn, mọi thứ ngọt ngào như trong mơ thật. Mai Thư nghĩ cuộc đời mình đã sang một trang khác. Thế nhưng sống lâu mới biết đêm dài. Chồng Mai Thư tỏ rõ sự ích kỷ và độc tài khi bắt vợ phục tùng vô điều kiện mọi mệnh lệnh sai khiến của chồng, dù nhiều khi những điều anh đưa ra cực kỳ phi lý. Anh không muốn cho vợ Việt giao lưu với đồng hương gốc Việt trong vùng.

Mỗi khi có số máy của bạn bè người Việt gọi tìm gặp Thư, chồng cô tỏ rõ sự khó chịu. Anh nói đã cất công đưa vợ sang Mỹ với bao thủ tục giấy tờ và chi phí tốn kém, giờ "vợ" toàn quyền là của anh. Mọi thứ giờ đây cô chấp hành phải "theo kiểu Mỹ" nói tiếng Anh - Mỹ, ăn đồ ăn Mỹ, và bạn bè vợ chồng cô kết giao phải là người Mỹ trắng.

Khi vợ chồng cô đón nhận đứa con đầu lòng, đến tuổi bé ê a tập nói, anh chồng Mỹ cấm cô không được dạy tiếng Việt cho con vì "đang ở đất Mỹ thì chỉ xài tiếng Anh - Mỹ là đủ, con cái không cần thiết phải học tiếng Việt vì không có cơ hội sử dụng" - anh lý luận với vợ. Sự độc tài cùng với bản chất kỳ thị người gốc Á có sẵn nay anh được dịp thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, với vai trò người vợ người mẹ trong gia đình, cô đưa ra ý kiến đóng góp đều bị chồng gạt phắt đi rồi toàn quyền quyết định, thậm chí chẳng thèm nghe cô nói hết câu. Thành thử sống giữ vùng đất cởi mở và tự do nhất thế giới mà cô lặng thầm như cái bóng. Nhiều lúc nhìn chồng quát tháo, uy quyền trưng trổ, cô nhớ lại hình ảnh cha cô gần 20 năm về trước, có chăng hai người đàn ông quan trọng nhất và có sức ảnh hưởng nhất trong cuộc đời cô lại xuất phát từ hai vùng đất, hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau.

Lay chong Tay co suong?
Liệu chỉ đàn ông Việt mới có tính gia trưởng? Ảnh: Internet

"Nếu anh ấy có tư tưởng kỳ thị người gốc Á, tại sao lại tìm một người vợ Việt mà không kết hôn với một phụ nữ gốc Mỹ?", Thư đã nhiều lần tự đặt câu hỏi. Nhưng rồi cô cũng tự thấm thía và tìm ra câu trả lời cho chính mình, phụ nữ Mỹ và phương Tây không ai chấp nhận một người chồng độc tài như anh. Chẳng cần sống thử mới biết, chỉ cần tiếp xúc trò chuyện vài lần, nghe thấy anh "thở" ra toàn mùi phân biệt chủng tộc, các cô gái hiện đại đã cao chạy xa bay rồi.

Vậy là Thư đã thấm thía một điều tưởng như xưa cũ: bản chất của người đàn ông là do nền tảng giáo dục cũng như sự phấn đấu tiếp thu cái mới, loại trừ cái xấu của họ qua thời gian, hoàn toàn không phụ thuộc vào Tây hay ta, da đen hay da trắng. Bất cứ vùng đất nào, quốc gia nào cũng có những người đàn ông tốt, cư xử đẹp với phụ nữ. Điều đó diễn ra ngay chính mảnh đất Việt Nam của cô mà trước đây, có rất nhiều cơ hội tìm đến nhưng cô đã ấu trĩ bỏ qua.

Không gặp phải cảnh éo le khi kết hôn với người chồng độc tài Mỹ, Như Lan lại gặp phải rào cản ngôn ngữ rất lớn khi kết hôn với chồng Pháp. Gặp nhau qua mai mối khi ở Việt Nam, Như Lan đã qua một lần đò với hai con nhỏ, nên cô chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng được bảo lãnh sang "miền đất hứa". Nhưng ở đời, khi người ta đến với nhau bằng điều gì thì sẽ ra đi bằng chính điều đó. Kết hôn với chồng Pháp mà không chịu đầu tư cho tình cảm, học tiếng để khai thông rào cản ngôn ngữ với chồng, chỉ chăm chăm nhìn vào cái giấy bảo lãnh để thoát khỏi tình trạng mẹ đơn thân một nách hai con nhỏ ở quê nhà, nên Như Lan nhanh chóng gặp phải những trục trặc trong đời sống vợ chồng về sau.

Sau khi ba mẹ con cô được chính thức sang Pháp sinh sống, trong cuộc sống vợ chồng, tiếp xúc hằng ngày với chồng Pháp mà nhiều khi... cô không hiểu chồng đang nói gì. Mấy câu hội thoại đơn giản như muốn ăn gì, mấy giờ đi ngủ, hỏi giá trị vật dụng, thời tiết hôm nay nắng hay mưa... xài mãi cũng hết, và không đủ để cho hai vợ chồng đi đến tận cùng của sự thấu hiểu. Vậy là người trong cuộc rơi vào tình cảnh chồng muốn nói gì mặc chồng, còn vợ nghe và hiểu đến đâu là việc của vợ. 

Các vấn đề nâng cao hơn trong cuộc sống như bàn luận về chính trị, quan điểm tôn giáo, văn học nghệ thuật... càng là thứ xa xỉ với vợ chồng cô. Nhiều khi sống trong một nhà mà người chồng Pháp cảm giác như mình bị bỏ rơi, vì ba mẹ con gốc Việt quay sang đối thoại với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, bỏ mặc anh chồng ngơ ngác không hiểu những người thân yêu nhất của mình đang nói gì.

Có lần theo thói quen như còn ở Việt Nam, trước khi ăn hoa quả, cô cẩn thận gọt bỏ vỏ. Trong khi anh chồng Pháp giảng giải "vitamin tập trung nhiều nhất ở phần vỏ, em gọt bỏ đi thì còn gì là khoa học", cô vợ Việt vẫn cứ "việc tôi tôi làm" vì chẳng hiểu ý chồng muốn nói gì. Anh chồng sùng lên, giằng con dao từ tay vợ, không may sượt một đường làm tay cô chảy máu. Các con có mặt trong bữa ăn bị một phen sợ xanh mặt.

Lay chong Tay co suong?
Mâu thuẫn trong quan điểm nuôi dạy con cái là một trong những nguyên nhân đẩy tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. Ảnh: Internet

Có quá nhiều điểm khác biệt trong cuộc sống vợ chồng, mà điểm mấu chốt nhất là bất đồng ngôn ngữ, sau năm năm chung sống, hai vợ chồng cô phải tự giải phóng cho nhau.

"Tất cả mọi hiểu lầm trong cuộc sống vợ chồng là do lỗi của mình cả, kết hôn với chồng Pháp mà không chịu đầu tư học tiếng cho thông thạo, dẫn đến khoảng cách vợ chồng càng ngày càng xa cách và cuối cùng nhận kết cục thế này", Như Lan thấm thía chia sẻ.

Chị Mai Như - kết hôn với người chồng Hà Lan và hiện tại đang sinh sống tại quê hương của những chiếc cối xay gió, lại gặp vấn đề về quan niệm nuôi dạy con cái khác biệt so với chồng tây.

Khi bé đầu tiên của anh chị bắt đầu đến tuổi ăn dặm và sau đó là biết ngồi biết chạy thì cũng là lúc những quan niệm về chăm sóc con cái của vợ Việt - chồng tây gặp vấn đề. Chị vẫn giữ nguyên cách thức chăm con như hồi chị quan sát các bà, các mẹ ở Việt Nam vẫn làm, là cho con ăn rong ngủ bế. 

Ông xã cô mua về một cái ghế ăn, yêu cầu trong bữa ăn chị đặt con vào đấy. Con cái qua đó cũng sẽ học được thói quen tập trung khi ăn, và nghiêm túc trật tự như người lớn. Thế nhưng, chị vẫn cố chấp "thả rông" con ở ngoài, và vất vả chạy theo đút từng thìa bột cho con. Nhiều bữa bé ói, chị lại kiên nhẫn đút lại, trong khi anh chồng tức giận ra mặt. 

Chiều cao và cân nặng của bé cũng được chị riết róng và đề cập quá nhiều trong câu chuyện giữa hai vợ chồng. Rốt cuộc thì sinh con và nuôi con là một niềm vui và sự hưởng thụ hay là cuộc chiến? Cuối cùng, quá mệt mỏi, anh chị đang phải tìm giải pháp ly thân một năm, những mong quỹ thời gian này, cả hai có kịp tĩnh tâm và nhìn lại chính mình.

Vậy lấy chồng Tây có sướng? Thực tế, người trong cuộc đã phải nỗ lực rất nhiều so với những người phụ nữ lấy chồng đồng chủng khác? Các cô vợ Việt vừa phải nỗ lực học tiếng để khai thông mọi vấn đề trong giao tiếp hằng ngày với chồng, vừa lo thích nghi với văn hóa bản địa, và quan trọng nhất là chấp nhận người chồng có xuất phát điểm và bản ngã quá nhiều khác biệt với mình? 

Đừng nhìn viễn cảnh trời Tây xa hoa chị em nhé, nên nhớ đó chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" thôi.

Hồng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI