Cho mượn chồng mỗi năm một tuần?

17/03/2019 - 14:00

PNO - Em cũng không biết có ai gặp hoàn cảnh kỳ cục như em không. Chồng từng có con riêng, bây giờ anh nói thỉnh thoảng chị ấy dẫn con về Việt Nam, em thông cảm cho họ gặp nhau như một gia đình...

Chị Hạnh Dung kính mến, 

Em cũng không biết có ai gặp hoàn cảnh kỳ cục như em không. Em lấy chồng đến nay được 4 năm, trước khi cưới, chồng em kể khi anh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, có yêu một người, có con với người ta, nhưng sau đó anh về còn người ấy ở lại nên chia tay. Nghe nói sau này chị đó lấy một người đàn ông khác, đứa con riêng của anh là con gái, năm nay cũng đã lớn. Anh nói thỉnh thoảng chị ấy dẫn con về Việt Nam, họ thường gặp nhau như một gia đình. Lúc đó, vì yêu anh em chấp nhận quá khứ của anh, chấp nhận không can dự vào việc họ gặp nhau, không ghen tuông chuyện quá khứ. 

Cho muon chong moi nam mot tuan?
 

Bây giờ vợ chồng em đã có một bé trai hơn tuổi. Chồng em lớn tuổi hơn em nhiều, nên việc nuôi con hầu như em phải lo hết, anh đi làm về, lúc rảnh nựng con chút mà thôi. Em không có gia đình ở gần, không nhờ vả được ai, chồng em nói đi làm chẳng đáng bao nhiêu tiền, con lại hay đau ốm, anh nói em nên nghỉ làm ở nhà nội trợ và chăm con, mọi thứ anh lo cho mẹ con đầy đủ. Vì thương con nên em đã đồng ý ở nhà. Nhưng rồi càng ngày, em càng thấy mình phụ thuộc chồng nhiều thứ, từ tiền bạc, nhà cửa đến chăm lo cho con, mọi chuyện đều phải theo ý anh. 

Mới đây, anh nói mẹ con chị ấy về, anh phải đi du lịch với họ một tuần. Em không đồng ý, vì con đang ốm. Nhưng anh coi như chuyện đã rồi, để ở nhà cho em một khoản tiền, rồi đi. Em nghĩ mà uất ức, chồng mình mà như đồ vật, năm nào cũng về mượn. Em đã định ôm con về nhà mẹ, nhưng rồi lại nghĩ, vì mình yêu người ta, chấp nhận người ta vậy, chứ người ta nào có nói dối mình đâu. Dằn vặt suốt, nay em vẫn đang ôm con ở nhà chờ chồng, chưa biết nói sao với anh khi anh về…   

Khánh Nhi (TP.HCM)

Em Khánh Nhi thân mến, 

Đọc thư em, thấy em yêu người ta nhiều lắm, nên không quyết liệt một chuyện gì. Trước đây, em chấp nhận không ghen tuông với quá khứ là đúng, nhưng chấp nhận để họ tiếp tục gặp nhau như một gia đình lại không đúng. Anh ấy đã hỏi cưới em, tức là mong muốn có với em một gia đình, gia đình của em phải được đặt lên trước hết. Họ có thể gặp nhau, nhưng gặp như những người có chung trách nhiệm nào đó với cô con gái, chứ không phải như một gia đình. Em chấp nhận vậy, họ cứ hằng năm lên lịch gặp nhau, đi du lịch cùng nhau, tình cảm được củng cố khắng khít, thì làm sao gia đình nhỏ của em “cạnh tranh” được. Nhất là khi này, em đã trở thành người lệ thuộc hoàn toàn vào chồng.

Vậy, bây giờ mình sửa chữa sao đây? Đầu tiên, em đừng ôm con bỏ đi đâu. Hãy coi như lần này mình phải chấp nhận. Khi anh ấy trở về, em hãy lựa lúc thích hợp tâm sự với chồng về cảm giác của em những ngày ở nhà chăm con một mình. Em cần có anh ấy. Ngày xưa nói “chấp nhận” một cách dễ dàng, vì ngày xưa chưa có con. Nay, đứa con của vợ chồng em, tình cảm của người vợ trong em… tất cả mong muốn anh ấy chỉ thuộc về gia đình này. “Lạt mềm buộc chặt”, đừng cằn nhằn, đừng chỉ trích la lối. Nếu người cũ kia quay lại, em hãy nói với anh ấy giới thiệu mẹ con em, giới thiệu gia đình nhỏ của mình. Đừng nhường tất cả. Chị ấy chắc cũng đã có đời sống riêng, em hãy yên tâm là mình không giành giật cái gì sai trái cả.

Con em khi đã cứng cáp, em nên tìm chỗ gửi bé để đi làm trở lại. Người phụ nữ nên giữ sự độc lập, tự chủ của mình, đừng lệ thuộc. Đây là một giải pháp lâu dài giúp em giữ gia đình, giữ hạnh phúc. Chúc em thành công.  

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI