40 năm một chữ tình

16/11/2015 - 07:41

PNO -  “Vợ chồng là cái duyên, gắn bó được với nhau là do nợ nhau. Cả hai phải hiểu rằng mình luôn nợ nhau thì mới bền chặt”.

Điệu bolero vừa vang lên, ông chậm rãi dìu bà nhịp nhàng phiêu diêu theo dòng nhạc. Cả hai như quên mất thời gian, tuổi tác, say sưa dìu nhau dưới ánh đèn màu. Bài hát vừa dứt, ông bước lên sân khấu ôm đàn đệm một ca khúc do chính mình sáng tác, bà cất lời ca ngọt ngào, ánh mắt trìu mến trao nhau.

40 nam mot chu tinh
Chồng đàn vợ hát

Từ ghét thành yêu

Ở tuổi sáu mươi, vợ chồng ông Hoài Sơn và bà Bích Vân (P.Phước Long, Q.9, TP.HCM) vẫn ríu rít bên nhau như đôi chim câu. Cuối tuần, ông đưa vợ đến phòng trà, các điểm hát với nhau để thư giãn. Dù cuộc sống không mấy dư dả nhưng cả hai đã duy trì thói quen ấy hơn 20 năm qua, với ông, đó là cách để vun vén hạnh phúc lâu dài.

40 năm trước, sự nghiệp của ông đứng bên bờ vực thẳm. Buồn chán, chàng thanh niên 22 tuổi lao vào rượu chè, buông xuôi cuộc đời mình. Thương con, mẹ ông cậy nhờ mai mối kết nối bà, hy vọng có người phụ nữ bên cạnh khuyên nhủ sẽ giúp vực dậy con trai mình. Ngày đám cưới, cô dâu chẳng thèm nhìn mặt chú rể. “Ghét lắm nhưng vì cha mẹ đặt đâu đành phải ngồi đó”, bà tủm tỉm cười nhớ lại. Phần ông, đang trong cơn chán đời nên cũng chẳng phản đối chuyện cưới xin.

Họ về sống với nhau không yêu thương, không hiểu gì về nhau, cuộc sống vợ chồng bắt đầu từ những nguyên tắc cả hai đặt ra. Ông bồi hồi nhớ lại: “Bà ấy đưa ra những nguyên tắc chung như: không bao giờ cãi nhau về chuyện tiền bạc, xem cha mẹ hai bên là một, vợ chồng sống với nhau không ưng chỗ nào thì nói rõ ra và người này nói thì người kia phải lắng nghe”.

Đêm tân hôn không có những cử chỉ yêu thương mà là một cuộc trò chuyện thẳng thắn để sao cho thuận vợ, thuận chồng. Sau những lời thủ thỉ chân tình của vợ, ông gật đầu ưng thuận. Cái gật đầu của chồng khiến bà thấy vui vui, chợt nhận ra người đối diện với mình cũng không đến đỗi “đáng ghét” lắm.

Bà không nhớ từ lúc nào đã cảm mến rồi yêu thương người đàn ông sớm hôm bên cạnh mình. Chỉ biết rằng ông ân cần lắm, quan tâm bà từng chút một. Mỗi sáng thức dậy ông đều hỏi bà ngủ có ngon không.

Sợ bà lạ nhà, ăn uống không thoải mái, đến bữa ăn ông luôn để thêm phần cho vợ. Ông còn thường xuyên phụ vợ việc nhà, rảnh rỗi là đưa bà về thăm cha mẹ. Kỷ niệm bà nhớ nhất là một năm sau ngày cưới, khi sinh cô con gái đầu lòng, con bị bệnh nặng, ba tháng ròng nuôi con trong bệnh viện, ông không cho bà động tay vào bất cứ việc gì. Từ nấu ăn, giặt giũ quần áo, tắm rửa, thay tã cho con… ông đều làm lấy.

Đêm, ông thức canh con cho vợ ngủ. Vất vả là vậy nhưng lúc nào ông cũng nhẹ nhàng, ân cần với vợ. Bà tủm tỉm cười: “Ông ấy bảo nhiệm vụ của tôi là cho con bú, ngoài ra không cho làm gì. Một người quan tâm, chăm sóc mình như vậy không thương sao được”. Tình yêu dần nảy nở, gắn kết hai người. Sau ngày con ra viện, tình cảm vợ chồng ngày càng nồng đượm.

40 nam mot chu tinh
Say sưa dìu nhau dưới ánh đèn

"Người tình tỷ năm"

Thời điểm đất nước còn khó khăn, sự nghiệp của ông cũng lắm thăng trầm. Bấy giờ, xã hội còn nặng nề chuyện lý lịch nên dù có bằng cấp, ông vẫn không tìm được công việc ổn định. Có dạo ông phải sống tạm bợ bằng nghề bán bắp rang, sửa xe nhưng dù có lao đao trong hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn bên cạnh an ủi, sẻ chia.

Ông thất nghiệp buồn chán lao vào rượu chè, bà cũng không một lời ca thán, mà luôn động viên giúp chồng vượt qua buồn tủi. Tấm chân tình của bà đã thổi bùng ngọn lửa yêu thương trong ông. “Tôi thấy mình may mắn khi bà ấy luôn hiểu, chia sẻ và cảm thông. Không chỉ trân trọng, yêu thương, tôi còn biết ơn tấm lòng của vợ”, ông chia sẻ.

Bốn mươi năm bên nhau, hơn ai hết ông thấu hiểu sự hy sinh, thiệt thòi bà dành cho chồng con. Có giai đoạn, ông luôn sống trong day dứt, dằn vặt. Đó là khi bà sinh đứa con út, do vi phạm chế độ kế hoạch hóa, bà phải xin thôi việc.

Để san sẻ gánh nặng với chồng, bà nhận giữ trẻ tại nhà. Nhìn vợ tất bật với ba đứa con nhỏ, rồi lại quây quần với đám trẻ con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đến hết ngày, ông xót xa vô cùng, thấy cuộc sống của bà quá tù túng, bức bí và tẻ nhạt. Vì vậy, mỗi cuối tuần, ông tranh thủ đưa vợ đi dạo, hít thở không khí bên ngoài cho thư thái.

Sau này, khi các loại hình nhạc sống, hát với nhau ra đời ở quán cà phê, phòng trà, biết vợ thích hát, ông mạnh dạn đưa bà đến tham gia. Cũng từ đấy, những cảm xúc yêu thương lắng đọng bấy lâu dâng trào mạnh mẽ, ông viết những ca khúc ngọt ngào tặng vợ. Mỗi ca khúc là một câu chuyện ghi dấu quãng đời họ bên nhau.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI