40 năm hôn nhân vì chữ 'Nghĩa'

09/10/2018 - 09:30

PNO - Hơn 60 tuổi, tôi nhìn lại cuộc đời mình mới nhận ra, chữ "Nghĩa", chữ "Ân tình" đã chiếm hết đời sống hôn nhân, hạnh phúc không còn chỗ đứng.

Bị áp lực, phụ nữ dễ dàng thốt ra tiếng kêu than, có thể tìm nơi sẻ chia, muộn phiền vì thế vơi bớt. Đàn ông chúng tôi lại chịu một thứ áp lực không thể gọi thành tên. Tôi nay đầu đã bạc, gần cuối cuộc đời và 40 năm giam đời mình bên người vợ không tình yêu mà chỉ vì chữ nghĩa, có lẽ vợ chồng là duyên là nợ. 

Vì nợ ân tình của cha vợ, người đã nuôi tôi ăn học thành tài, tôi gật đầu làm chồng em. Lúc đó, tôi vừa tốt nghiệp đại học, chấp nhận là kẻ phản bội mối tình đầu thời sinh viên để trở thành con rể nhà giàu. Cha vợ giàu có nổi tiếng ở quận 5, Sài Gòn. Vợ tôi đẹp, là du học sinh Trung Quốc trở về. Có người mừng cho thằng con trai côi cút như tôi, bạn bè chung thì ngoảnh mặt vì trong mắt họ, tôi là kẻ phụ khó tham sang. Tôi im lặng mặc tiếng đời, ơn nghĩa của gia đình em dành cho tôi sánh ngang ơn sinh thành của cha mẹ.

40 nam hon nhan vi chu 'Nghia'
Ảnh minh họa

Ngày đó, từ Quảng Ngãi nghèo khó, tôi mồ côi cha mẹ, một mình bươn chải vào Sài Gòn làm đủ nghề từ rửa chén thuê đến làm công theo ngày... Thiếu ăn thiếu ngủ, những tưởng đã phải gãy gánh giữa đường, may nhờ cha vợ cưu mang, cho chỗ ăn chỗ ngủ, việc làm nhẹ nhàng để tôi theo hết con đường học vấn. Tôi gặp em không quá 3 lần, vì thời gian này em đang học ở Trung Quốc. Tôi tuy gầy gò nhưng trắng trẻo, lanh lợi, lại còn được cha em tin cậy. Có lẽ vì vậy mà em cũng nhanh chóng ưng thuận lấy tôi.

Cưới nhau về hơn 1 năm, tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa hai vợ chồng. Khác nhau từ khẩu vị ăn uống, cách nói chuyện và cả lối sống. Tôi thích tự lập, em thích được nuông chiều; tôi thích ăn cơm nhà, em chỉ thích ra nhà hàng mát mẻ... Từ khi sinh con, em và tôi càng trái tính ngược nết khiến tôi căng thẳng, mất ngủ vì đồng sàng dị mộng với người chung chăn gối.

Thương cha em như cha ruột, tôi cố gắng nhẫn nại, vừa đóng vai anh trai chỉ bảo, vừa đóng vai chồng dỗ dành... Nhưng thực tế có bao giờ chiều lòng người?

Năm con trai lên 2, cha vợ tôi đột quỵ qua đời. Hai xưởng điện tử của ông giao tôi quản lý bị các anh vợ lấy lại hết. Không chịu nổi cảnh anh em trong nhà lườm nguýt, tranh công, phá dần phá mòn gia sản của cha vợ, tôi quyết định ra riêng. Lúc đầu nói ý định này với vợ, em nằng nặc không đồng ý nhưng cuối cùng, không chịu nổi cảnh các anh trai tính toán, em xiêu lòng theo tôi. Nhưng tính tiểu thư vô tâm thì mãi em vẫn không thay đổi.

40 nam hon nhan vi chu 'Nghia'
Ảnh minh họa

Thời gian đầu, mừng vì em không đòi quay về nhà như tôi từng lo lắng, nhưng chỉ được hai tháng, em lại chứng nào tật nấy. Em không chăm được con dù chỉ là những buổi tối. Em lấy lý do mình không đủ sức khỏe, không ngủ sớm sẽ bị chóng mặt. Em không nấu ăn vì không ngửi được mùi thịt cá tươi sống, không ăn đồ ở chợ mà chỉ muốn đặt nhà hàng mang đến.

Khuyên nhủ hết đường, thậm chí tôi phải thức dậy từ 4g sáng để chuẩn bị sẵn thức ăn cho con, cho em, tối về cho con ăn xong tôi rửa chén, lau nhà. Sức lực và tinh thần có hạn, tôi không thể kéo dài cuộc sống như vậy nên đành thuê người giúp việc.

Tôi lao vào làm việc bất kể ngày đêm để quên buồn, để kiếm thật nhiều tiền về lo toan và chu cấp cho nhu cầu của em. Vì con, vì cha vợ đã khuất, tôi rất muốn gầy dựng một gia đình hạnh phúc nhưng khó như lên trời.

Tôi làm việc liên tục, em cũng không đòi hỏi tôi phải ở bên cạnh, chỉ cần mỗi tháng đều đặn mang tiền về, tôi ăn uống ở đâu em cũng không hỏi. Nhiều lúc nhìn lại, hai vợ chồng có khi cả tuần chưa nói với nhau câu nào. Không ít lần tôi muốn buông bỏ cuộc hôn nhân này, nhưng rồi nghĩ lại ân tình ngày xưa, và nếu tôi buông tay, mẹ con em sẽ sống như thế nào khi thân cô thế cô? Cũng vì tôi, em đã trở mặt với anh trai mình.

Thấm thoắt cũng đã 40 năm từ ngày chúng tôi về chung một nhà. Hai con chúng tôi đã lớn, đi học xa, tôi đã là một ông chủ xưởng, nhưng tính cần kiệm chưa bao giờ rời khỏi. Tôi hầu như ăn, ngủ, làm việc tại xưởng. Em vẫn là vợ tôi, vẫn sinh sống trong căn nhà xinh xắn trên phố đó một mình. Tôi không biết có bao giờ em thấy buồn tủi, trách hờn? Nhưng tôi biết rằng những dằn vặt, cô đơn khó chia sẻ cùng ai sẽ còn theo tôi mãi đến cuối đời...

Vi Châu
(Viết lại theo lời kể của bác T.L, Q. Bình Tân)

Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự... 

Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.

Báo Phụ  nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI