Xe '50TĐ' khiến hàng ngàn người nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn

31/07/2019 - 07:12

PNO - Trước tình trạng xe TĐ không đảm bảo an toàn và tâm trạng bất an của những người nghèo mưu sinh bằng loại phương tiện này, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đặt một số câu hỏi cho Phòng CSGT đường bộ - đường thủy TP.HCM.

Phóng viên: Xin cho biết, hiện nay, phòng đang quản lý bao nhiêu xe TĐ?

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường thủy TP.HCM: Hiện nay, đơn vị đang quản lý hơn 2.990 xe TĐ.

Xe '50TD' khien hang ngan nguoi ngheo roi vao vong luan quan
Nhiều xe thí điểm hư hỏng, không đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi lưu thông trên đường phố - Ảnh: Hoàng Nhiên

* Nhiều chủ xe TĐ cho biết, xe đã xuống cấp, hư hỏng nặng nên không thể đăng kiểm. Vậy trên thực tế, lỗi vi phạm này được phát hiện và xử lý như thế nào?

- Xe mang biển số “50TĐ” là xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (sau đây gọi tắt là xe). Theo Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT ngày 13/5/2014 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về điều kiện đối với xe và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ), có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014, “xe phải đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Niên hạn sử dụng đối với xe áp dụng theo khoản 1, điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ; mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của Chính phủ và áp dụng theo loại phương tiện tương tự ô tô tải có tải trọng dưới 3.500kg".

Như vậy, nếu xe đã hư hỏng, không thể đăng kiểm được, sẽ bị xử lý như ô tô tải theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 26/5/2016) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

* Người lái xe TĐ cho rằng, xe này chạy trong làn dành cho ô tô rất nguy hiểm do không bảo đảm các điều kiện kỹ thuật như ô tô, nên họ phải chạy vào làn xe máy. Lỗi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Thông tư 16 quy định, xe này là “loại phương tiện tương tự ô tô tải có tải trọng dưới 3.500kg” nên người điều khiển phải chấp hành quy tắc giao thông theo các quy định về điều khiển ô tô tải, đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Nếu chạy vào làn xe máy, người điều khiển xe bị xử lý theo điểm c, khoản 4, điều 5 Nghị định 46/NĐ-CP về hành vi “đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định”, mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo quy định tại khoản 12, điều 5 Nghị định 46/NĐ-CP.

* Xe TĐ là phương tiện thay thế, nhằm loại bỏ xe ba gác. Sau nhiều năm hoạt động, phần lớn xe đã xuống cấp nhưng do nhu cầu mưu sinh, người mua xe TĐ vẫn lén chạy chở hàng. Hầu hết người chạy xe TĐ vốn chạy xe ba gác, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Xin hỏi, quan điểm của phòng về hướng quản lý, xử lý loại phương tiện này trong thời gian tới ra sao để vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân?

- Quan điểm quản lý, xử lý loại phương tiện này cũng như các phương tiện khác là “đảm bảo mọi phương tiện khi tham gia giao thông đều phải đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”, người điều khiển xe này phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và phải tuân thủ theo quy định tại điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Một số người chạy xe “50TĐ” có thể từng chạy xe ba gác và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng chính quyền các cấp đã có sự hỗ trợ nhất định khi họ chuyển nghề. Do đó, mọi người đều phải chấp hành các quy định của luật khi tham gia giao thông. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mọi người dân, thực hiện sự công bằng, bình đẳng, nghiêm minh của pháp luật.

Sơn Vinh - Hoàng Nhiên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI