Vụ nữ sinh lớp 9 bị đánh dã man ở Hưng Yên: Mọi ngã đường đều dẫn đến im lặng

01/04/2019 - 05:15

PNO - Làng này và làng kia, không phải người ta không biết những đứa trẻ tham gia đánh Y. đã từng hư, từng hành hạ cô bé, nhưng họ đã làm gì? Biết, nhưng coi như không, bởi lối hành xử đóng cửa dạy nhau, vị nể vị tình.

Những ngày này, vùng quê Phù Ủng (H.Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) vốn yên bình “bỗng” bị một clip trên mạng xã hội làm cho rúng động. Không ai dám tin những nữ sinh lớp Chín lại có thể hành hung hội đồng một bạn cùng lớp, dã man hơn cả những cuộc đánh ghen. 

Dù vụ việc có được xử lý ra sao, thì chắc chắn một điều: tương lai của cả đứa trẻ bị đánh lẫn năm học sinh hành hung bạn chỉ còn là khe cửa hẹp. Bản án kỷ luật dành cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã có, nhưng sự vô cảm đâu chỉ ở trên bục giảng, mà xem ra nỗi hoang mang phẫn uất ấy có căn do từ chính lối hành xử theo kiểu nếp quê “đóng cửa dạy nhau”, sự im lặng của chính bà con, người thân, hàng xóm mà nếu không nghiêm túc nhìn nhận, thì không biết sẽ còn bao nhiêu cháu Y. sẽ gánh chịu cơn đau như thế nữa.

Vu nu sinh lop 9 bi danh da man o Hung Yen: Moi nga duong deu dan den im lang

Đến cụ già cũng hốt hoảng

Tám mươi tuổi, tóc bạc da mồi, cả cuộc đời cụ Tía chưa bao giờ thấy có đám đánh nhau nào man rợ đến thế. Mấy hôm trước, con cháu trong nhà xôn xao vì một clip trên mạng. Thấy chúng nó bảo cái Y., cháu nội bà Đặng Thị Nhường bị các bạn cùng lớp đánh. Mà năm đứa đánh cháu Y., chỉ một đứa ở làng Kim Lũ, bốn đứa còn lại cũng là người làng La Mát này.

Cụ Tía với kính lão đeo lên mắt chạy lại ngó. “Con bé Y. bị lột hết quần áo, hai đứa ngồi lên ngực cứ thế đánh…”, giọng cụ bàng hoàng rồi nghẹn lại. Im lặng một lúc lâu, cụ Tía mới nói tiếp được: “Toàn con gái. Chúng nó man rợ quá”. Trong gian nhà tróc lở, xập xệ giữa làng, có mặt những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi, ai nấy đều phẫn uất trước hành vi tàn ác của những đứa trẻ trong chính làng 
xóm mình.

Bên làng Sa Lung, trước cửa đền thờ Phạm Ngũ Lão, bà Mận ngồi bán hàng mà chẳng còn tâm trí nào mời khách như mọi ngày. Các bà, các cụ đang phẫn nộ vì chuyện cháu Y. bên La Mát bị đánh. Bà kể một mạch: “Ông nội con bé Y. cũng chầm chậm, bố nó thì bụng hóp, ngực vẹo, nó lại hiền lành. Còn đứa cầm đầu nhóm đánh con bé như nặc nô cửa phủ, tên nó là Tr., mới tí tuổi đã son phấn, ngổ ngáo nên chúng nó gọi là Tr. a-xít.

Mấy năm trước, mới lớp Bảy, lớp Tám, mà nó đã xuống tận làng Kiều ở xã dưới để tìm đánh một cháu. Một đứa nữa tham gia đánh con bé Y., nhà nó ở bên làng Kim Lũ, bố mẹ bỏ nhau, sống với bà nội”. Các ông lão, bà lão làm công quả quanh đền tụ cả về hàng nước của bà Mận, ai nấy đều hãi hùng, phẫn uất khi kể về sự việc. 

Nước mắt không thể chảy xuôi

Trong năm đứa tham gia đánh cháu Y., có hai đứa vừa cùng xóm, vừa là họ hàng, theo vai vế, Y. phải gọi chúng là bác. Nên ban đầu, dù biết Y. bị các bạn đánh đến tím tái mặt mày, rách bươm quần áo, các gia đình đã có ý dàn xếp, để bảo ban, dạy dỗ con cháu nhà mình. Ông Đặng Đình Thuộc vừa là ông trẻ - em trai bà Đặng Thị Nhường, bà nội của cháu Y., cũng là chú của hai trong số những đứa đánh Y. Ông bảo ở làng La Mát bao năm nay vẫn thế, con cái nhà này bắt nạt con cái nhà kia là bố mẹ đến xin lỗi, “con dại cái mang”, nói khó với người ta để về dạy dỗ lại con cái nhà mình.

Thế nhưng, khi clip cháu Y. bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng bị đưa lên mạng, ông Thuộc xem mà không nén được nước mắt. Lúc đó, dù là người đứng giữa, họ hàng cả đôi bên, “nhưng nhìn cháu Y. bị đánh đến như thế - cháu mặc quần bò mà chúng nó còn xúm vào lột quần của cháu ra đấm đá, thì tôi không chịu được. Thú thật, lúc đầu biết cháu Y. bị đánh, tôi cũng muốn giải quyết tình cảm với nhau. Nhưng xem cái clip như thế, tôi không thể nào giữ được bình tĩnh hay cả nể tình cảm nữa. Bây giờ, tôi chỉ muốn làm sao gột được phần nào danh dự của cháu đã bị năm đứa kia làm ô nhục”.

Vu nu sinh lop 9 bi danh da man o Hung Yen: Moi nga duong deu dan den im lang
Ông Thuộc bảo, đáng lên án nhất là sự im lặng, che đậy, giấu giếm của chính những người hằng ngày đứng trên bục giảng dạy dỗ các cháu

Ông nhớ hôm đó là chiều thứ Sáu, gia đình ông đến Trường THCS Phù Ủng để nói chuyện với ban giám hiệu, thì ông hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong nói mọi việc có thế nào cứ để đến thứ Hai. Gia đình cháu Y. bức xúc, đề nghị nhà trường phải xử lý ngay thì ông hiệu trưởng nói: “mai thứ Bảy, là ngày nghỉ của cháu”. Đôi mắt long sòng sọc, ông Thuộc nói phè bọt mép: “Người đứng đầu nhà trường mà trả lời như thế, thử hỏi có trách nhiệm không? Có còn lương tâm của con người nữa không? Khi sự việc vỡ lở, ông ấy còn nói nguyên do mọi chuyện là tại cháu Y. hiền lành quá. Câu nói đó, không ai chấp nhận được!”.

Sự im lặng đáng sợ

Là người thấu tình đạt lý, ông Thuộc bảo: “Bây giờ, nếu không xử lý năm cháu kia để làm gương thì sẽ còn nhiều cháu bị đánh dã man như cháu Y. Nhưng nếu xử lý, dù là bất cứ hình thức nào thì cả năm đứa đó cũng đều bị… tổn thương”. Ngoài đường, từng đoàn xe máy chạy sầm sập khắp các ngõ, ông bảo: “Từ sáng đến giờ đông lắm. Mọi người từ khắp nơi tìm đến chia sẻ với gia đình cháu Y. Họ còn tìm đến nhà những đứa đánh cháu Y. nữa, không ai giữ được bình tĩnh khi xem clip đó”.

Ông bảo lý do dẫn đến việc cánh cửa tương lai của cả sáu đứa trẻ bị khép lại như ngày hôm nay đều đến từ sự im lặng đáng giận, đáng lên án của người lớn. Lúc đầu, thấy Y. về nhà, cả áo lót và áo đồng phục học sinh đều rách bươm xơ mướp, khắp người bầm tím, gia đình ông cũng biết mức độ chúng nó đánh cháu Y. ra sao, nhưng vì nghĩ đến tương lai cả sáu đứa trẻ, mà gia đình ông đã muốn các bên giải quyết bằng tình cảm. Nhưng rồi, khi clip lan truyền trên mạng, gia đình ông biết được và quyết định đi đến cùng để đòi công lý, thì mọi sự mới vỡ lở.

Lúc biết có clip trên mạng, nhà trường đã yêu cầu nhóm học sinh đó phải gỡ xuống và… ỉm đi. “Thứ Tư, ngày 27/3, Hội Phụ nữ H. Ân Thi gọi điện xuống Hội Phụ nữ xã hỏi về clip đang phát tán trên mạng. Hội Phụ nữ sang hỏi xã, thì lãnh đạo xã vẫn nói làm gì có chuyện đó. Các phụ huynh của những đứa đánh cháu Y. tưởng con mình gỡ clip đó rồi là… xong, nên họ còn sang hỗn xược thách thức cả bà nội bảy mươi tuổi của cháu” - ông Thuộc tức tối kể.

Tôi thắc mắc, vì sao cháu Y. bị đánh nhiều lần như thế mà không ai biết, cháu cũng không nói chuyện bị các bạn đánh cùng ai? Ông Thuộc thở dài: “Năm cháu học sinh nam học cùng cháu Y. kể rằng, mấy lần đầu, khi cháu Y. bị đánh, các bạn trong lớp đã mách cô giáo chủ nhiệm rồi. Nhưng cô giáo cấm các cháu không được về kể lại hay mách phụ huynh, thế là không đứa nào dám nói”.

Bà bán quà vặt ngay cổng Trường THCS Phù Ủng nói: “Không hiểu thầy cô dạy học sinh kiểu gì. Ở trường này, tôi chứng kiến nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi”. Ông Thuộc xác nhận: “Năm ngoái đã xảy ra vụ tương tự, cháu đó cũng bị 4-5 đứa quây vào đánh dã man, chỉ khác là cháu không bị lột hết quần áo như cháu Y. thôi. Nhóm đánh bạn năm ngoái, có một đứa tham gia đánh cái Y. vừa rồi. Nếu nhà trường xử lý vụ việc từ sớm thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đáng tiếc như ngày hôm nay”. 

Ông Thuộc ngồi lặng im, chợt ông buông thõng: “Sao là con người, lại là nhà giáo, mà có thể im lặng, vô cảm đến đáng sợ như thế?”. Cháu Y. bao năm đã và đang sống trong câm lặng cô thế và sợ hãi, một mình đối diện với bao cơn đau từ thân thể đến tâm trí. Tôi nghe họ nói, nghĩ đến bao tấn bi kịch dồn nén kín bưng sau lũy tre làng. Ở đó, những thân phận bé nhỏ, nhất là phụ nữ và bé gái đang gồng mình để chịu. Họ là nạn nhân của thói bạo hành từ bệnh gia trưởng, nát rượu, mặt trái của lối ứng xử kiểu “nếp” quê.

Làng này và làng kia, không phải người ta không biết những đứa trẻ tham gia đánh Y. đã từng hư, từng hành hạ cô bé, nhưng họ đã làm gì? Biết, nhưng coi như không, bởi lối hành xử đóng cửa dạy nhau, vị nể vị tình. Giáo viên, chính quyền im lặng đã đành, nhưng con cháu họ, sao họ không lên tiếng, một khi đã lựa lời bảo ban để khỏi mất tình làng xóm, họ hàng nhưng rồi đâu lại vào đó? Liệu quy tắc ứng xử kiểu lề thói hằn sâu bao đời đó, đến giờ, khi đứng trước những “tai biến” vượt qua khỏi ranh giới cổng làng, có còn nên giữ? 

Lời của bà bán quà vặt trước cổng trường văng vẳng bên tai tôi. Bà biết, nghĩa là nhiều người biết. Sân trường thơ mộng trở thành nơi thanh toán, hành hạ nhau, đẩy những đứa trẻ đối diện với tương lai nếu không mờ mịt thì cũng đầy sẹo trong tâm trí bởi đeo đẳng một chữ “sợ” to tướng. Bao lời kết án dành cho giáo viên trường đó, đúng mà chưa đủ, bởi khi họ, những người trong làng trong xóm ấy chỉ có biết phẫn nộ, thì sẽ còn nhiều cháu Y. nữa sẽ bị như thế. Lúc đó, phẫn nộ cũng chỉ là những gào thét, còn cơn đau của những đứa trẻ vẫn tiếp tục. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI