Vụ 'lội mương bị phỏng 2 chân', khó gì mà không lần ra thủ phạm?

27/05/2019 - 08:47

PNO - Việc truy tìm đơn vị đổ trộm chất thải ra mương nước ở Hải Phòng không quá khó nếu trích xuất camera giao thông và xác định loại chất thải

Ngày 26/5, nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM cho hay, UBND TP.Hải Phòng đã chính thức giao Công an và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng khẩn trương làm rõ đối tượng đổ chất thải ra môi trường ở xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo khiến một người bị phỏng nặng.

Đây là vụ đổ trộm chất thải ra môi trường gây hậu quả nghiêm trọng nhưng sau gần một tháng, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Vu  'loi muong bi phong 2 chan', kho gi ma khong lan ra thu pham?
Mương nước bị đổ chất thải khiến người dân bị phỏng chân khi lội qua - ảnh: Nld.com.vn

Chân trần lội mương, bị phỏng hóa chất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 20/5, tức sau 12 ngày khi xảy ra vụ tai nạn hy hữu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng đã tổ chức ghi nhận hiện trường mương nước có hóa chất gây phỏng. 

Nạn nhân là bà Lê Thị Lan - 50 tuổi, trú tại thôn Kênh Trạch, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo - bị phỏng nặng cả hai chân khi lội qua mương nước có hóa chất độc hại.

Người nhà nạn nhân cho biết, ngày 8/5, bà Lan đi bắt cua ở cánh đồng gần nhà, có lội qua một mương nước nhỏ dọc Quốc lộ 10, thuộc thôn Kênh Trạch, xã Hưng Nhân. 

Có hai người trong thôn đi bắt cua cùng bà Lan nhưng hai người này mang ủng, còn bà Lan đi chân trần nên tối về, chân bị phồng rộp nghi do giẫm phải nước bẩn. 

Sau khi vết phỏng chuyển màu thâm đen, bà Lan nóng sốt, lên cơn co giật nên gia đình phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Bảo chữa trị. Sau khoảng 3 ngày, vết thương không có dấu hiệu thuyên giảm, các bác sĩ mới xác định bà Lan bị phỏng hóa chất nên phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Sau khi nhận báo cáo từ UBND huyện Vĩnh Bảo, sáng 20/5, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường chủ trì cùng một số đơn vị chuyên môn trực tiếp kiểm tra thực tế khu vực bị đổ chất thải khiến nguồn nước bị ô nhiễm, gây phỏng chân người dân. 

Đoàn kiểm tra xác định, nơi đổ chất thải là mương nước tưới tiêu nằm ven Quốc lộ 10, thuộc xã Hưng Nhân. Trên mương nước này, có ba vị trí bị đổ chất thải. Số chất thải này có dạng sền sệt, một số đặc quánh lại, có màu nâu đen. Những vị trí chất thải đổ bậy có mùi hôi bốc lên và cây cỏ bị héo úa, chết dần, nhiều nhất là bèo hoa dâu. 

Do chất thải được đổ xuống mương nước, phát tán ra diện rộng nên khó xác định khối lượng cụ thể.

Có thể xử lý hình sự đơn vị đổ chất thải

Tiến sĩ Phạm Văn Võ - chuyên gia về môi trường - cho biết, trong vụ đổ chất thải ra môi trường ở TP.Hải Phòng, có nhiều yếu tố có thể xem xét, xử lý hình sự. “Chất thải đổ ra khu vực đồng ruộng và gây phỏng chân người dân là những yếu tố cho thấy hậu quả trong vụ việc này là nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải xác định được đơn vị đổ lén chất thải cũng như phải có kết quả phân tích mẫu xác định chất thải đổ bậy có phải là chất thải nguy hại hay không, mới có cơ sở xem xét, xử lý hình sự”.

Một cán bộ thanh tra về lĩnh vực môi trường tại TP.HCM cho biết thêm, nếu xác định được đơn vị đổ bậy và mẫu chất thải đổ ra mương ở TP.Hải Phòng là chất thải nguy hại thì đã đủ yếu tố xử lý hình sự. Vị này phân tích: “Trong các tội gây ô nhiễm môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chỉ cần xác định chất thải nguy hại đổ trái phép ra môi trường với khối lượng từ 1 tấn trở lên là đã xử lý hình sự được, chứ không cần đến yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng như trước đây”.

Những chỉ dấu đáng ngờ

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Hải Phòng cho biết, đến nay, đã tổ chức thu gom được khoảng 29 tấn chất thải dạng lỏng cùng khoảng 56 tấn chất thải rắn và bùn trộn lẫn. 

Toàn bộ số chất thải này được vận chuyển về lưu giữ tại kho của Công ty cổ phần Hòa Anh (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải, có nhà máy tại TP.Hải Phòng) để chờ xử lý. 

Mẫu chất thải đổ ra mương nước ở Hải Phòng hiện đã được chuyển đến Công ty cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường TP.Hà Nội. “Các chỉ tiêu cần phân tích là nồng độ a-xít, độ kiềm, lượng dầu nhiễm trong chất thải. Việc phân tích nhằm xác định đây có phải là chất thải nguy hại hay không, mức độ nguy hại ra sao. Đây cũng là cơ sở để đối chiếu trong quá trình truy tìm đơn vị đổ trộm chất thải ra môi trường” - một thành viên trong đoàn kiểm tra giải thích.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Bảo, việc đổ trộm chất thải xảy ra ban đêm nên chưa xác định được đơn vị đổ và phương thức đổ. Trả lời trên một số phương tiện thông tin đại chúng, công an địa phương cho biết, tại khu vực xảy ra vụ đổ chất thải ra môi trường, không có nhà máy hay cơ sở sản xuất nên việc truy tìm thủ phạm rất khó khăn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực đổ chất thải ra mương, có hai nhà máy. Cụ thể, trong ba vị trí đổ chất thải ra môi trường, có hai vị trí được xác định nằm cạnh hai công ty ven Quốc lộ 10 theo chiều từ Thái Bình về Hải Phòng. 

Hiện chưa rõ hai công ty này có liên quan đến vụ đổ chất thải hay không, nhưng trong số chất thải đổ trộm, cơ quan chức năng nhận thấy có một số chỉ dấu có thể khoanh vùng tìm ra chủ nguồn thải. Đó là trong số chất thải dạng lỏng - sền sệt màu nâu đen, có lẫn những hạt nhỏ nghi là hạt điều.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ thanh tra môi trường có thâm niên trong nghề cho rằng, việc truy tìm đơn vị đổ trộm chất thải ra mương nước ở Hải Phòng không quá khó. Khu vực trên nằm gần đường giao thông chính nên có thể trích xuất camera giao thông để hỗ trợ điều tra. Mặt khác, chất thải trên rất dễ nhận diện nên chỉ cần rà soát lại danh sách chủ nguồn thải trên địa bàn là có thể xác định được đơn vị nào thải ra. 

HOÀNG NHIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI