Vụ 'dư' hơn 500 giáo viên tại Đắk Lắk: Hé lộ thêm đường dây nhận tiền 'chạy việc'

31/03/2018 - 08:39

PNO - Vỡ mộng vì lời hứa “lo A tới Z”, một số giáo viên hợp đồng đã tìm đến các cơ quan báo chí hé lộ về một đường dây nhận tiền “chạy việc” mới.

Khi thông tin ông Huỳnh Bê – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa kịp lắng xuống thì nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk bất ngờ tìm đến các cơ quan báo chí phản ánh về một đường dây nhận tiền “chạy việc” khác.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, anh Vi Văn H. (SN 1991, ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) cho biết, vào ngày 28/5/2015, sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp Mỹ Thuật tại Đắk Lắk, anh được bà Nguyễn Thị K. (giáo viên một trường cấp 2 tại xã Vụ Bổn) đến nhà đặt vấn đề “chạy việc” đi dạy.

Vu 'du' hon 500 giao vien tai Dak Lak: He lo them duong day nhan tien 'chay viec'
Trường Tiểu học Phan Bội Châu.

“Sau khi đề nghị gia đình đưa tổng số tiền 130 triệu đồng, bà K. hứa “lo” cho tôi vào dạy hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Đồng thời, bà K. còn nói sẽ lo cho tôi từ A tới Z trong quá trình thi biên chế. Nếu không “lo” được, bà ấy hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền này” – anh H. kể.

Với mong muốn có một công việc ổn định để lo cho gia đình, gia đình anh H. quyết định thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để có tiền “chạy việc”. Theo anh H., ngày 5/6/2015, bà K. yêu cầu anh H. phải đặt cọc trước 70 triệu đồng, số còn lại sẽ đưa khi có quyết định hợp đồng của huyện. Cho đến ngày 31/12/2015, ngay khi có quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của UBND huyện, bà K. yêu cầu gia đình anh H. đưa 60 triệu đồng còn lại.

Vu 'du' hon 500 giao vien tai Dak Lak: He lo them duong day nhan tien 'chay viec'
Anh Vi Văn H.(bên phải) trao đổi với phóng viên về quá trình được dạy hợp đồng.

Giải thích về điều này, cô Bế Thị T. (ngụ xã Ea Yông) cho hay: “Vào năm 2014, sau khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học, tôi đang đi làm công nhân ở Bình Dương thì nhận được điện thoại của bà K. gọi điện nói có một suất dạy vào biên chế với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Để được đi dạy suất biên chế này, bà K. yêu cầu bố mẹ tôi phải đưa tổng số tiền 135 triệu đồng.

Do tin tưởng bà K. nên bố mẹ tôi đã đi vay mượn khắp nơi mới đủ số tiền này. Tuy nhiên, trong hai lần đưa tổng số tiền 135 triệu đồng thì bà Trần Thị Đ. (nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Vụ Bổn) lại là người đứng ra viết giấy vay tiền. Đồng thời, sau khi nhận đủ số tiền, bà Đ. còn ghi cho gia đình tôi một tờ “giấy cam đoan” cho đến khi tôi đi làm vào biên chế sẽ không thu tiền thêm”.

Cũng như chị T., cô Hoàng Thị Yến V. cũng khẳng định đã đưa số tiền 120 triệu đồng cho bà Đ. và bà K. để được “vào thẳng” biên chế, trong đó bà Đ. là người trực tiếp nhận tiền và viết “giấy cam đoan”. Điều đáng ngạc nhiên, trong tờ “giấy cam đoan” mà bà Đ. viết cho gia đình cô V. lại có chữ ký, họ tên của người làm chứng là bà K.. “Cô Trần Thị Đ. cam đoan với vợ chồng anh Đ. Phước An sẽ lo đảm bảo cho cháu V. đi dạy đến ngày vào biên chế chính thức” – nội dung “giấy cam đoan” nêu rõ.

Vu 'du' hon 500 giao vien tai Dak Lak: He lo them duong day nhan tien 'chay viec'
Tờ "giấy cam kết" bà Đ. viết, còn bà K. làm chứng khi viết cho gia đình chị V.

Sau khi nhận được quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế ở các thời điểm khác nhau, anh H. cũng như hai cô giáo nói trên đã đi dạy hợp đồng tại trường Tiểu học Phan Bội Châu với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các giáo viên cho đến tháng 11/2016 sau khi nghỉ sinh con thì chị T. không được nhà trường gọi đi dạy nữa.

Tiếp đó, anh H. và cô V. cũng không được gọi đi dạy sau khi hết hè năm 2017. Cho tới cuối năm 2017, lãnh đạo trường gọi các giáo viên này lên ký lại hợp đồng đi dạy với mức lương 500.000 đồng/tháng.

Nói đến đây, cô V. không khỏi nghẹn ngào: “Khi đến nhà nhận tiền, họ nói tôi sẽ nhận được mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thực tế đã phủ nhận tất cả lời nói của những người hứa “chạy việc”. Với mức lương 500.000 đồng/tháng, trong khi chúng tôi phải chạy xe máy 30km mới tới trường thì làm sao đủ để chi trả tiền xăng, chứ đừng nói có đủ tiền mua chai nước uống mỗi khi đi dạy”.

Cho rằng mức lương quá thấp nên anh H. cũng như cô T. và cô V. đã không đồng ý ký lại hợp đồng cho đến nay. Đồng thời, các giáo viên này cũng liên tục yêu cầu bà K. và bà Đ. trả lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả.

Với mong muốn làm rõ thông tin phản ánh mất hàng trăm triệu đồng “chạy việc” của các giáo viên hợp đồng nói trên, chiều 30/3 phóng viên đã tìm gặp bà Hồ Thị Nhàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Bội Châu. Tuy nhiên, qua điện thoại bà Nhàn nói: “Chuyện đó, tôi hoàn toàn không biết. Bây giờ tôi đang làm ở bệnh viện. Tôi không tiếp, tôi đang bận”.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI