Vụ bệnh nhi ở Hà Nội tử vong sau khi truyền dịch: Phòng khám không có chức năng truyền dịch

17/10/2018 - 19:57

PNO - Theo Sở Y tế Hà Nội, phòng khám tư nơi cháu bé 22 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong chỉ có chức năng sơ cứu, khám, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường; không được làm các thủ thuật chuyên khoa.

Chiều 17/10, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang về trường hợp cháu B. (sinh ngày 1/12/2016) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư.

Báo cáo cho biết, ngày 15/10, cháu B. (thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được bố mẹ đưa đến khám bệnh tại phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc ở cùng thôn. Thời điểm đến phòng khám, cháu B. có biểu hiện ho, sốt. Bệnh nhi được bác sĩ Cúc kê đơn điều trị uống thuốc tại nhà. Nhưng sau 1 ngày dùng thuốc, bệnh cháu B. không thuyên giảm mà còn bị tiêu chảy, nôn nhiều lần nên gia đình đưa bé trở lại gặp bác sĩ Cúc tái khám vào khoảng 16g20 ngày 16/10.

Vu benh nhi o Ha Noi tu vong sau khi truyen dich: Phong kham khong co chuc nang truyen dich
Phòng khám bác sĩ Cúc, nơi xảy ra vụ việc hiện đã bị tạm đình chỉ hoạt động

Lúc này, cháu B. được bác sĩ Cúc trực tiếp truyền dịch Ringer Lactat. Khoảng 15 phút sau, bệnh nhi có dấu hiệu tím tái. Bác sĩ Cúc lập tức rút kim truyền, cùng gia đình đưa cháu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang lúc 17g40 cùng ngày.

Khi nhập viện, cháu B. có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở, không đo được mạch, huyết áp thấp, đồng tử giãn, không phản xạ ánh sáng. Sau gần 1 giờ cấp cứu cháu B. đã tử vong. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, phòng khám tư của bác sĩ Cúc có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh năm 2012. 

Phòng khám có 2 nhân sự: Bác sĩ Cúc chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám; y sĩ Đinh Thị Hằng Nga là nhân viên hợp đồng. Phòng khám được cấp phép hoạt động trong phạm vi: Sơ cứu, khám, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường; không làm các thủ thuật chuyên khoa.

Như vậy, việc phòng khám thực hiện truyền dịch cho người bệnh là vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.

“Để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ việc, ngày 17/10 Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định số 2137 đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám bác sĩ Cúc” – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhận định: có 4 nhóm nguyên nhân có thể dẫn đến việc bệnh nhi B. tử vong.

Thứ nhất, do sốc giảm thể tích khi bé "đi ngoài" quá nhiều, trong khi trẻ em nếu mất nước trên 10% có thể tử vong.

Thứ 2, do viêm cơ tim cấp. Có điều bất thường, khi nhập viện, bé B. có gan to ngang rốn trong khi bình thường trẻ em gan chỉ mấp mé mạn sườn. Khi bé bị sốt, tiêu chảy do virus khiến viêm cơ tim dẫn đến tử vong.

Thứ 3, do nôn trớ nhiều, trong quá trình truyền dịch bé khóc, sặc. Đó là do khi bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản cho ống vào phổi hút ra nhiều sữa.

Thứ 4, do sốc truyền dịch.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI