Vụ án 'Cà phê pin': Kiến nghị làm rõ kẻ tung tin bịa đặt cà phê trộn pin

23/10/2018 - 09:26

PNO - Ngày 19/10, các luật sư tại TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra vụ án “cà phê pin”...

Thực chất là “tiêu trộn tạp chất có tạo màu bởi pin” xảy ra tại Đắk Nông, từng gây xôn xao dư luận và điêu đứng ngành cà phê Việt Nam. Bản kiến nghị gửi Thủ tướng nêu 3 vấn đề cần làm sáng tỏ, do những tình tiết còn mâu thuẫn của vụ án, cũng như dấu hiệu bỏ sót tội phạm cần mở rộng điều tra trong một vụ án khác.

Vu an 'Ca phe pin': Kien nghi lam ro ke tung tin bia dat ca phe tron pin
Những thông tin sai sự thật về việc cà phê trộn pin đã làm cho ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng “rớt giá” thê thảm về uy tín lẫn đạo đức kinh doanh

Cụ thể, các luật sư đề nghị điều tra, làm rõ mâu thuẫn giữa lời khai của bà Phan Thị Dung (sinh năm 1962, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thảo Dung) với phần trình bày của các đơn vị xuất khẩu tiêu tại Việt Nam. Theo đó, bà Dung thừa nhận bán tiêu có trộn tạp chất tạo màu bằng pin cho các đơn vị này. Tuy nhiên, các đơn vị xuất khẩu tiêu lại khẳng định, tiêu thu mua của bà Dung là tiêu đạt chất lượng, do chính cơ quan giám định độc lập quốc tế SGS thực hiện việc kiểm định trước khi xuất đi nước ngoài.

Thứ hai, cần điều tra, làm rõ mục đích sử dụng của tiêu sau khi xuất khẩu, chất lượng tiêu khi đến tay người tiêu dùng với mục đích làm thực phẩm hay tiêu còn được sử dụng vào mục đích nào khác ngoài thực phẩm, như có thể làm nhang, thuốc súng, chất ướp xác...

Vấn đề thứ ba, rất đáng quan tâm, mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đề cập nhiều lần, nhưng cơ quan điều tra đang “làm ngơ”. Các luật sư đề nghị phải xác minh người hoặc nhóm người nào tung tin bịa đặt, phát tán thông tin “cà phê trộn pin” gây hoang mang, căm phẫn không những cho dư luận trong nước mà cả trên trường quốc tế. Cần có biện pháp trừng phạt thích đáng, đồng thời đính chính thông tin một cách chính thức trước công luận, lấy lại uy tín cho ngành hàng cà phê Việt Nam.

Vu an 'Ca phe pin': Kien nghi lam ro ke tung tin bia dat ca phe tron pin
Phải xác minh người hoặc nhóm người nào tung tin bịa đặt, phát tán thông tin “cà phê trộn pin” gây hoang mang...

“Sở dĩ chúng tôi gửi kiến nghị cho Thủ tướng Chính phủ là vì những thông tin sai sự thật về việc cà phê trộn pin đã khiến Thủ tướng có ngay những chỉ đạo ráo riết đối với hoạt động điều tra. Thế nhưng, sau gần 4 tháng phát hiện, điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã ra kết luận, cho rằng không có bất cứ thông tin gì liên quan đến việc trộn pin vào cà phê. Điều dư luận quan tâm và Báo Phụ Nữ cũng đã nêu là tại sao chỉ đề nghị truy tố 5 người liên quan đến việc trộn tạp chất có tạo màu bằng pin vào tiêu, còn những kẻ tung tin bịa đặt vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” - luật sư Võ Thị Anh Loan, Đoàn Luật sư TP.HCM - nói.

Vào những ngày tháng Tư vừa qua, làn sóng thông tin đáng sợ “trộn bột pin vào cà phê” khiến người tiêu dùng yêu thích cà phê Việt Nam choáng váng. Với tư cách là người dùng cà phê Việt, bà Loan cho rằng, thông tin bịa đặt “cà phê pin” đã làm cho ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng “rớt giá” thê thảm về uy tín lẫn đạo đức kinh doanh của người dân Việt. “Nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngành cà phê và cả kinh tế nước nhà. Làn sóng thông tin ấy gieo vào mỗi con người nỗi bất lực, sự mất niềm tin” - bà Loan chia sẻ.

Vu an 'Ca phe pin': Kien nghi lam ro ke tung tin bia dat ca phe tron pin
Tin đồn cà phê của Việt Nam bị trộn pin khiến người tiêu dùng hoang mang

Cùng ký tên trong bản kiến nghị, luật sư Lê Ngọc Luân thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, đặt câu hỏi: “Ai tung tin đồn hàng chục tấn cà phê của Việt Nam bị trộn pin? Người hay nhóm người này tung tin như vậy với dụng ý gì? Họ có biết hậu quả từ việc tung tin đồn đó không? Và tại sao, bằng quyền lực nào mà họ có thể tác động, dẫn dắt nhiều tờ báo chính thống của Việt Nam đăng tải những tin tức đáng sợ đó?”.

Ông Luân cho rằng, ngành cà phê Việt Nam đã điêu đứng trước tin đồn thất thiệt ấy; toàn dân hoang mang, e ngại khi dùng cà phê, mất niềm tin vào sản phẩm Việt… nhưng tới nay, vẫn không hề có một sự đính chính nào từ đơn vị có trách nhiệm liên quan đến sự việc. Cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có những điều tra, làm rõ về các tin đồn thất thiệt, dồn sức ép và thả hậu quả lên những bị can trong vụ án này, để họ gánh hậu quả lớn so với tính chất, mức độ gây ra.

“Đối với vụ án vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Công an tỉnh Đắk Nông nhanh chóng điều tra, kết luận trước sức ép của dư luận, vì sự căm phẫn “nhầm lẫn” dành cho các bị can nói riêng, người nông dân nói chung. Bởi thế, chúng tôi lo ngại vụ án sắp bị khép lại với nhiều điều chưa sáng tỏ, cách thức giải quyết còn thiếu cơ sở. Việc “ngại” truy tìm kẻ phát tán thông tin sai lệch, tạo hoang mang dư luận trong khi chính quyền không thực hiện đính chính khiến chúng tôi cũng lo sợ. Phải chăng cơ quan tố tụng, vì muốn làm dịu dư luận, đã vội vã trong điều tra và truy tố, có thể dẫn đến oan sai hoặc các bị can phải gánh hậu quả pháp lý nặng hơn so với tính chất của sự việc?” - ông Luân nêu ý kiến.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ chiều 21/10, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM - bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của các đồng nghiệp. Ông nói: “Tôi cho rằng, phải làm rõ đâu là sự thật. Người nào tung tin đồn gây sợ hãi, thiệt hại cho ngành cà phê? Mục đích của họ là gì?... Tất cả phải được điều tra, làm rõ”. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI